Năng lượng tái tạo chiếm tới 50% tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Thụy Sỹ đã làm gì để khu vực tư nhân đóng góp vào lĩnh vực này?
Câu trả lời liên quan đến “chính sách và các nhà hoạch định chính sách”, ông J- C Fueg, Vụ trưởng Vụ quan hệ quốc tế, Cục Năng lượng của Thụy Sỹ, khẳng định tại Diễn đàn cấp cao: Tăng trưởng xanh hiệu quả: Triển vọng từ Việt Nam và Thụy Sỹ, ngày 4.4 ở Hà Nội.
Chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông J- C Fueg nói đã “rất thận trọng”, bởi hai nước có nền tảng khác nhau. Nhưng ông cũng chỉ rõ 3 nội dung liên quan đến chính sách và cách hoạch định chính sách của Chính phủ Thụy Sỹ cho mục tiêu tăng trưởng xanh.
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng, vấn đề được Chính phủ Thụy Sỹ xem xét kỹ lưỡng. Đặc biệt, từ những năm 1980, Thụy Sỹ đã là một quốc gia tiên phong trong việc giảm thuế cho doanh nghiệp.
Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, có tốc độ tăng trưởng nhanh, thậm chí quá nhanh, gây “choáng ngợp” cho thế giới. Dù vậy, trong quá trình đầu tư, Việt Nam nên lưu ý đến sự thay đổi nhanh về tốc độ nhưng cùng với nó, cần ứng dụng công nghệ để đảm bảo sự thay đổi đó không ảnh hưởng đến môi trường.
Thứ hai, ban hành các quy định của Chính phủ Thụy Sỹ về mua sắm chính phủ, mua sắm công.
Việt Nam có thể rút kinh nghiệm từ Ấn Độ. Việc có một số chính sách về mua sắm công, các chính sách đầu tư chưa phù hợp, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm tại Ấn Độ như hiện nay.
Về những đóng góp của khu vực tư nhân tăng trưởng xanh, ông J- C Fueg nói rằng Chính phủ mới chỉ khởi động quá trình này. Điều đó có nghĩa khu vực tư nhân “luôn có cơ hội” để có được những ủng hộ từ chính sách của Chính phủ.
“Chính sách đi trước để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, đó là cách Chính phủ Thụy Sỹ thực thi các chính sách phát triển, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh. Thụy Sỹ đang nỗ lực hơn nữa ngay cả khi đã có một số kết quả từ thực thi chính sách.
Trong một số trường hợp khác, ông J- C Fueg cho biết, Chính phủ Thụy Sỹ đã sử dụng “cây gậy” và “củ cà rốt” để cố gắng thưởng phạt phân minh. Cụ thể, Chính phủ có chính sách rất rõ ràng đối với phát thải. Doanh nghiệp có phát thải cao sẽ bị đánh thuế cao hơn các doanh nghiệp có mức phát thải thấp.
Việc duy trì song hành “cây gậy” và “củ cà rốt” ban đầu có khó khăn, nhưng tình hình dần thay đổi. Đã có rất nhiều doanh nghiệp được miễn thuế trong nhiều năm do áp dụng công nghệ giảm phát thải. Tại Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thường nói về sự bao cấp giá điện cho người dân. Việt Nam hãy dành giá trị đó cho đầu tư để tạo ra được sự bền vững nhiều hơn, bởi bao cấp không song hành với sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Bộ Công thương và EVN “cần có cơ chế tính giá điện một cách minh bạch và có khả năng dự báo”, đây là phần rất quan trọng.
Thứ ba, tính chất cần thiết của việc nâng cao đào tạo và giáo dục. Bây giờ, nâng cao nhận thức đang là câu chuyện toàn cầu. Bởi vì, kết quả triển khai các công nghệ một cách hiệu quả là nhờ nhận thức và trình độ giáo dục.
Tại Thụy Sỹ, nhiều nghề nghiệp mới được ra đời nhờ áp dụng công nghệ mới. Khoảng cách về kiến thức giữa các doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn, hay những nhà máy sử dụng các thiết bị cũ, sử dụng nhiều điện, yêu cầu nhiều về bảo trì, bảo dưỡng, ông cho đó là điểm tương đồng giữa Thụy Sỹ và Việt Nam.
Việt Nam được đánh giá là một trong năm quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ Việt Nam ghi nhận những thách thức này và tái khẳng định ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân nâng cao tính cạnh tranh, đảm bảo ổn định vĩ mô và quản lý nợ công bền vững, đẩy mạnh phát triển môi tường toàn diện.
Tuy nhiên, tại diễn đàn này, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, tính đến nay, mới chỉ có 7 bộ ngành ban hành kế hoạch hành động Chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ.