Cũng giống như hầu hết các phụ nữ mang thai, Sophie Power rất cẩn thận chăm chút cho sức khỏe của đứa nhỏ trong bụng. “Tôi ăn rau và trái cây. Tôi làm mọi thứ để chăm sóc tốt cho đứa bé trong bụng và rồi tình cờ tôi đọc được một nghiên cứu về ô nhiễm không khí”, cô nói.
Những gì đọc được khiến cô kinh hoàng, vì qua đó cô mới biết được khi cô đi bộ trên con đường Euston, một trong những con đường chính của London, cô đã đặt con mình vào tình thế nguy hiểm vì ô nhiễm không khí trên đường có thể khiến cho phổi của thai nhi bị thu hẹp tới 5-10%.
Khi ấy, cô đã nghĩ đến chuyện phải làm một điều gì đó để hạn chế hoặc tránh nguy cơ này. Vì thế, cô đã thành lập AirLabs, một startup ra đời với sứ mệnh cải thiện sức khỏe con người bằng cách tạo ra những khu vực có không khí sạch trong các thành phố.
Thực ra, trước đó đã có nhiều nhà khoa học nghĩ ra một số cách để loại bỏ các chất ô nhiễm khỏi không khí, chẳng hạn như nhựa bọt và sợi thủy tinh có thể loại bỏ các hạt phân tử nhỏ. Hay các vật liệu thấm nước như chì than hoạt tính có thể hút mùi, khói và các hóa chất như SO2 trên bề mặt của chúng. Nhưng không một công nghê tiêu dùng nào cho đến nay chứng minh cho thấy được chúng có khả năng loại bỏ phần lớn chất NO2, vốn là nguyên nhân gây ra rất nhiều căn bệnh về hô hấp.
AirLabs tin rằng Công ty đã tìm ra được một giải pháp bằng cách kết hợp các phương pháp truyền thống với một thiết bị lọc độc quyền mới mà sử dụng các phân tử nano carbon. Không khí được lọc từ các thiết bị bên trong các sản phẩm như đồ nội thất khu vườn cũng tạo ra các khu vực có không khí sạch ở bên ngoài và điều đó rất có ích nếu bạn muốn thưởng thức ẩm thực gần một đường phố đông đúc.
Xe ô tô cũng dễ tích tụ lượng lớn chất ô nhiễm trong khi các bác tài đang chạy trên đường và do đó, AirLabs đã phát triển Airbubbl, một thiết bị được sử dụng bên trong khoang lái, giúp loại bỏ 95% các chất gây ô nhiễm trong xe. Thiết bị này sẽ được bán ra thị trường vào tháng 5 tới.
AirLabs cũng đang khám phá các phương pháp tích hợp công nghệ vào các món đồ dùng hằng ngày như khăn choàng và mặt nạ. Sự ráo riết của AirLabs cho thấy một nhu cầu bức thiết phải giải quyết mối đe dọa ô nhiễm không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Nhiều thành phố lớn trên khắp thế giới đang bị ngập trong khói bụi và sương mù. Các hạt bụi có đường kính chưa tới 2,5 micromet (tức bằng khoảng 1/30 sợi tóc) được biết đến với tên gọi PM 2.5. Có thể hiểu PM 2.5 là chỉ số về chất lượng không khí, chỉ kích thước và mật độ những hạt bụi trôi nổi trong không khí. Những hạt bụi PM 2.5 này có khả năng bám sâu vào đường hô hấp.
Vào tháng 11 vừa qua, các trường học ở Delhi, Ấn Độ đã phải đóng cửa do mức độ tập trung quá dày đặc của các hạt bụi PM 2.5 khi gấp tới hơn 30 lần mức cao nhất được khuyến cáo bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các cư dân sinh sống ở những thành phố như London, Bắc Kinh và Madrid đều gặp phải những vấn đề tương tự tùy thời điểm.
Tất cả những điều này cho thấy ô nhiễm không khí trên khắp thế giới đang làm gia tăng một lượng lớn các căn bệnh từ ung thư phổi, nhiễm trùng hô hấp, suy hô hấp cho đến các bệnh về tim mạch và chứng rối loạn tắc nghẽn phổi mãn tính. Cứ ru rú trong nhà cũng không giải quyết được vấn đề mà còn trầm trọng thêm vì có nhiều chất độc hại được sinh ra trong quá trình nấu nướng, đốt đèn cầy và trong các sản phẩm lau chùi nhà cửa, cũng như những tác nhân gây ô nhiễm khác.
Những mối nguy này là lý do khiến thị trường về các công nghệ chống ô nhiễm đang tăng trưởng rất nhanh. Hiện tại, việc sản xuất các cảm biến với số lượng lớn và chi phí thấp cũng đang ngày càng trở nên rẻ hơn rất nhiều. Theo hãng nghiên cứu IDTechEx, chỉ riêng thị trường các cảm biến khí sẽ vượt mức 2,4 tỉ USD vào năm 2022 từ con số chỉ 361 triệu USD trong năm 2017. Những cảm biến khí này sẽ được lắp đặt ở khắp mọi nơi: trong cửa sổ, điện thoại di động cho đến đồng hồ đeo tay và vòng đeo tay.
Một ý tưởng hay ho đến từ Velux, một nhà sản xuất cửa sổ. Công ty này đang phối hợp với Netamo, một công ty về nhà thông minh để phát triển các cánh cửa chớp, bức màn che, mành mành và các cửa sổ mái nhà tự động. Theo đó, các cảm biến ô nhiễm không khí sẽ theo dõi, quan sát không khí ở bên trong và bên ngoài ngôi nhà. Nếu không khí bên ngoài sạch hơn bên trong ngôi nhà thì các cánh cửa sẽ mở ra.
Các hồ sơ nộp xin cấp bản quyền sáng chế của Apple và Samsung cũng cho thấy những công ty này đang quan tâm đến việc lắp các cảm biến chất lượng không khí vào điện thoại di động, một tính năng mà sẽ khiến cho các thương hiệu điện thoại này đặc biệt hấp dẫn ở Trung Quốc, một quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí tại đô thị rất cao.
Không phải chỉ người giàu mới có thể hưởng lợi từ các công nghệ chống ô nhiễm không khí. Grameen Trust, một tổ chức phi lợi nhuận, đã hợp tác với một đơn vị từ thiện thuộc Intel cùng phát triển một vòng đeo thông minh giá rẻ; chiếc vòng này được tích hợp một thiết bị dò tìm CO, một chất khí không màu, không mùi, bắt cháy và có độc tính cao.
Một khi phát hiện khí CO đã lên tới mức gây nguy hiểm thì một chiếc đèn LED màu đỏ sẽ sáng lên và phát ra khuyến cáo người đeo phải mở các cánh cửa và đi ra ngoài ngay lập tức. Món trang sức giá rẻ này có thể cứu vô số sinh mạng, đặc biệt là những phụ nữ ở các quốc gia đang phát triển đang bị đe dọa bởi các chất độc hại trong quá trình nấu ăn chẳng hạn.
Những máy lọc khí cồng kềnh, chiếm dụng cả căn phòng và không đẹp mắt cũng đang có nguy cơ bị thay thế bởi các thiết bị lọc khí mang theo được trên người và có thể đặt ở những vị trí ẩn khuất. Wynd, một startup có trụ sở tại Mỹ, đã sản xuất một thiết bị lọc khí có kích cỡ chỉ bằng một chai nước suối nặng chưa tới 500gr (nhẹ hơn 30 lần so với máy lọc khí Blueair Classic).
Các máy lọc khí nhỏ hơn cũng đã gặp khó khăn trong việc xử lý lượng không khí quá lớn. Các kỹ sư của Wynd đã giải quyết vấn đề này bằng cách thiết kế một máy lọc có 42 nếp gấp, giúp giữ cho thiết bị lọc được kín chặt trong khi tối đa hóa được lượng không khí được lọc qua thiết bị.
Chiếc Mighty của hãng Coway nặng chỉ 6kg nhưng có thể lọc sạch không khí trong các căn phòng có diện tích lên tới 50m2, nhờ một hệ thống lọc 4 giai đoạn mà sử dụng một bộ ion hóa bên cạnh bộ lọc HEPA tiêu chuẩn. David Pugh, một chuyên gia phân tích công nghệ thuộc IDTechEx, cho biết các thiết bị lọc khí được bán bởi Dyson và Philips cũng theo dõi được chất lượng không khí và nhờ đó, người sử dụng có thể biết được không khí họ đang hít vào có trở nên sạch hơn hay không.
Chất lượng không khí đang ngày càng sụt giảm và điều đó có thể khiến cho nhiều người lo sợ. Nhưng trong dài hạn, nó sẽ đẩy mạnh nhu cầu không chỉ đối với các thiết bị làm sạch không khí mà còn đối với các công nghệ như xe hơi chạy điện và năng lượng mặt trời nhằm hạn chế ô nhiễm ở các thành phố và thế hệ con cháu chúng ta có thể sẽ được “hít thở” dễ dàng hơn.