Đầu năm 2017, trên bãi biển Na uy phát hiện một chú cá voi nặng 9 tấn, 2 tuổi, bị chết vì mắc kẹt ở vùng nước nông
Trong bao tử chú cá voi này, người ta tìm thấy 30 bao bì ny-lon, bên cạnh nhiều rác thải nhựa khác.
Các nhà khoa học không ngạc nhiên trước phát hiện này, bởi trước đó đã có nhiều chú cá voi và động vật biển khác như rùa biển được phát hiện bị chết bởi vô tình ăn bao bì ny-lon không thể phân hủy.
Trên 300 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm, trong đó một nửa được dùng để thiết kế những sản phẩm dùng một lần như túi mua sắm, ly và ống hút, theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Mỗi năm, ít nhất 8 triệu tấn nhựa tập kết ở đại dương, tạo nên 80% rác thải ở biển từ nước mặt cho đến tầng biển sâu.
Ô nhiễm nhựa
Ô nhiễm nhựa là vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến môi trường biển. Vấn nạn này cũng đe dọa sức khỏe đại dương, an toàn và chất lượng thực phẩm, sức khỏe con người, du lịch biển và “đóng góp” vào biến đổi khí hậu. Những tác động rõ rệt nhất và đáng lo ngại nhất là việc hàng trăm loài sinh vật biển nuốt phải rác thải nhựa, bị ngộp thở hoặc bị vướng vào.
Động vật hoang dã trên biển như chim biển, cá voi, cá và rùa nhầm rác thải nhựa với thức ăn và hầu hết chúng đều chết vì đói do dạ dày của chúng chứa đầy các mảnh vỡ bằng nhựa. Chúng cũng bị thương tích làm giảm khả năng bơi lội khi vướng vào những rác thải này. Chất dẻo nổi cũng góp phần vào sự lây lan của các sinh vật biển xâm nhập và vi khuẩn gây phá vỡ hệ sinh thái.
Nhựa vô hình đã được xác định trong nước máy, bia, muối và có mặt trong tất cả các mẫu thu thập được trong các đại dương trên thế giới, bao gồm Bắc cực. Một số hóa chất được sử dụng trong sản xuất vật liệu nhựa được biết đến là chất gây ung thư và can thiệp vào hệ thống nội tiết của cơ thể, gây rối loạn phát triển, sinh sản, thần kinh và miễn dịch ở cả người và động vật hoang dã.
Các chất độc hại cũng tích tụ trên bề mặt vật liệu nhựa do tiếp xúc lâu dài với nước biển. Khi các sinh vật biển ăn các mảnh vụn bằng nhựa, những chất gây ô nhiễm này sẽ xâm nhập vào hệ thống tiêu hóa của chúng và qua thời gian tích tụ trong mạng lưới thức ăn. Tuy chưa được nghiên cứu đầy đủ, tiêu thụ thủy hải sản hàm chứa mối nguy hiểm cho sức khỏe con người khi chất ô nhiễm được chuyển từ sinh vật biển qua.
Trên lý thuyết, hầu hết các chất liệu cuối cùng có thể phân hủy sinh học, ngay cả trong môi trường mở mặc dù một số vật liệu sẽ mất vài trăm năm hoặc lâu hơn. Do đó, việc xem tính phân hủy sinh học của nhựa như là một phương tiện để tránh ô nhiễm chỉ có ý nghĩa thực tế nếu điều này được liên kết với một khung thời gian “hợp lý”.
Cũng nên đánh giá các điều kiện cụ thể hoặc môi trường, như môi trường biển, nơi phân hủy sinh học đặc biệt khó khăn. Theo tiêu chuẩn châu Âu, vật liệu được gọi là phân hủy sinh học khi nó có khả năng phân hủy 90% trong thời gian tối đa 6 tháng.
Tại Việt Nam, đã có nhiều doanh nghiệp thử nghiệm thành công và sản xuất các sản phẩm làm từ nhựa phân hủy sinh học. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm này đều để được xuất khẩu sang các thị trường phát triển như Malaysia, Đài Loan, Nhật… Thậm chí, một trong những doanh nghiệp Việt Nam lớn chuyên sản xuất bao bì nhựa thân thiện với môi trường là An Phát có toàn bộ nguồn thu đều từ thị trường xuất khẩu. Điều này một phần có nguồn gốc từ việc thiếu chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Nhiều nước đã tuyên chiến với túi ny-lon. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn túi nhựa như Đài Loan, Bangladesh. Một số khác có những chính sách hạn chế sử dụng như Ireland, Pháp, Úc, Anh, Singapore và một số nước tích cực nghiên cứu để sản xuất nhựa phân hủy sinh học từ nhiều nguồn hữu cơ hơn như Nhật. Trong lúc đó, Việt Nam chưa có bất cứ chính sách nào để hạn chế ô nhiễm túi nhựa. Việc vẫn đánh thuế như nhau đối với các sản
phẩm nhựa truyền thống (từ dầu) và nhựa phân hủy sinh học, trong khi giá thành nhựa phân hủy sinh học cao hơn đã không tạo động lực khuyến khích người tiêu dùng sử dụng, theo ông Bùi Văn Hà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hạ Long Group.
Nỗi đau đầu của ngành du lịch
Việt Nam là một quốc gia có bờ biển dài và du lịch biển phát triển. Thế nhưng những năm gần đây, hình ảnh các bờ biển tràn ngập rác đã xuất hiện thường xuyên hơn và làm du khách ngán ngẩm.
Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên đã được tổ chức UNESCO công nhận, đã nhận được không ít bình luận tiêu cực của du khách quốc tế về rác thải nơi đây. Kai Marcus Schröter, Giám đốc Công ty HTM, đã có một trải nghiệm không vui như vậy. Anh kể con anh la lên khi cả nhà đang đi thuyền ngắm cảnh Vịnh Hạ Long , “Nhìn kìa, đó không phải là sứa mà là túi ny-lon!”.
Do đó, việc phổ biến và khuyến khích các đơn vị kinh doanh và người dân sử dụng túi ny-lon phân hủy sinh học là điều cần thiết. Để làm được vậy, cần có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và cơ quan quản lý về việc hạn chế sử dụng túi ny-lon truyền thống, áp thuế môi trường cao cho túi ny-lon truyền thống và miễn thuế với túi ny-lon phân hủy sinh học nhằm thúc đẩy phát triển dòng sản phẩm phân hủy sinh học.
Tuy nhiên, cần lưu ý là nhựa phân hủy sinh học không phải là giải pháp cho việc giảm rác thải nhựa và không phải vì chọn nhựa phân hủy sinh học mà chúng ta có thể tiêu dùng và xả rác vô tội vạ. Đồng thời, cũng có nhiều nghi ngại trong việc ứng dụng và tiêu dùng rộng rãi nhựa phân hủy sinh học.
Trước tiên, loại nhựa này không thể tái chế. Nếu hỗn hợp nhựa truyền thống (chế tác từ dầu) bị lẫn nhựa phân hủy sinh học thì hoàn toàn không thể tái chế. Điều này gây lo ngại nếu nhựa phân hủy sinh học được sử dụng nhiều hơn thì sẽ phá hỏng những nỗ lực tái chế nhựa bao lâu nay.
Vì nhựa phân hủy sinh học sử dụng nguyên liệu một phần từ nguồn gốc thực vật, nên diện tích đất đai thay vì được dùng để “trồng thức ăn” thì nay lại đang được dùng để “trồng nhựa”. Tuy nhiên, nghiên cứu của Wageningen University & Research (WUR) đã chỉ ra rằng chỉ có khoảng 0,02% tổng diện tích canh tác dùng để sản xuất nhựa phân hủy sinh học.
Nếu tất cả nhựa truyền thống làm từ nhiên liệu hóa thạch được chuyển sang sản xuất từ nhiên liệu sinh học thì sẽ chiếm 5% tổng lương thực được sản xuất và thu hoạch mỗi năm của cả thế giới. Tuy nhiên viễn cảnh này khó có khả năng xảy ra vì ngành công nghiệp này được kỳ vọng sẽ phát triển công nghệ sử dụng nguyên liệu từ rác và phụ phẩm nông nghiệp khác để sản xuất hạt nhựa.
WUR cho rằng nhựa phân hủy sinh học không phải là giải pháp cho vấn đề rác thải và biển rác nhựa. Mặt khác, khả năng phân hủy sinh học có thể là một đặc điểm hữu ích cho các ứng dụng cụ thể về biển và đất như các dây đánh cá và màng phủ. Khi bị bỏ lại trên biển hoặc khi chỉ một phần thu hồi được từ đất, ít nhất nhựa phân hủy sinh học sẽ dẫn đến nguy cơ thấp hơn so với những hậu quả có hại hơn nếu chúng không bị phá vỡ hoàn toàn.
Ngay từ đầu, rác thải là một vấn đề gây ra do sự tiêu dùng thiếu trách nhiệm và có thể được giải quyết bằng cách thay đổi hành vi tiêu dùng hơn là thay đổi loại rác thải vứt ra môi trường. “Tái chế và tái sử dụng các vật liệu nhựa là những hành động có hiệu quả nhất để giảm thiểu tác động môi trường của việc xử lý rác“, IUCN khuyến nghị