Khai thác khoáng sản đem lại nguồn kinh tế lớn cho địa phương, tuy vậy môi trường sống là vô cùng quan trọng. Để đạt được mục đích cả về lợi ích kinh tế lẫn bảo vệ môi trường, ngoài việc thực hiện theo pháp luật, cụ thể là Luật Tài nguyên môi trường, còn đòi hỏi các nhà đầu tư, các đơn vị khai thác khoáng sản cần chú trọng đầu tư về công nghệ khai thác nhằm bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững.
Khai thác phải gắn với bảo vệ môi trường
Việc khai thác khoáng sản luôn có tác động đến môi trường nhất định. Vì vậy, để hạn chế ảnh hưởng ở mức thấp nhất, các tổ chức, cá nhân trước khi được cấp phép khai thác khoáng sản phải được Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định hàng năm. Tất cả các điểm mỏ quy mô, có công suất lớn cần phải xây dựng báo cáo về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác và chế biến khoáng sản nhằm giảm thiểu, hạn chế tác động xấu đến môi trường.
Trên thực tế, không phải đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản nào cũng thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về đảm bảo các điều kiện cần thiết trong khai thác, chế biến khoáng sản để bảo vệ môi trường theo đúng quy định. Đơn cử năm 2011, qua kiểm tra, UBND tỉnh Hà Giang đã ra thông báo yêu cầu 19 doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn phải nghiêm túc thực hiện các quy định về đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường. Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu 7 doanh nghiệp dừng khai thác để hoàn thiện các thủ tục, khắc phục các vi phạm về môi trường.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang Hoàng Văn Nhu cho biết: “Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Hà Giang giai đoạn năm 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã chỉ rõ xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ trong khai thác chế biến, nhằm khai thác triệt để, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; khuyến khích chế biến sâu để sản xuất các sản phẩm mới, có thương hiệu, giá trị cao đáp ứng thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tạo giá trị gia tăng cao của khoáng sản; đồng thời đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, chế biến sử dụng khoáng sản và bảo vệ môi trường để nâng cao chất lượng, tăng năng suất, hạ giá thành khai thác và đảm bảo phát triển bền vững…”.
Hiện đại hóa công nghệ khai thác
Hiện nay, nhu cầu vốn cho hiện đại hóa công nghệ rất lớn nên vẫn còn nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực than, khoáng sản rắn có công nghệ, thiết bị lạc hậu, chi phí sản xuất cao, tổn thất tài nguyên lớn nhưng chưa quan tâm thích đáng hoặc chưa có điều kiện để đổi mới, hiện đại hóa công nghệ.
Từ thực tế đó, việc khai thác khoáng sản tại Hà Giang phải tính đến nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài, có tính đến xu hướng tiến bộ của khoa học công nghệ trong lĩnh vực sử dụng công nghệ mới và vật liệu thay thế; đồng thời quan tâm áp dụng các công nghệ khai thác, chế biến hiện đại để nâng cao tối đa hệ số thu hồi khoáng sản chính, các khoáng sản đi kèm và giá trị của sản phẩm chế biến.
Trưởng phòng Quản lý tài nguyên khoáng sản, nước và khí tượng thủy văn – Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang Tô Danh Xuân cho rằng, để theo dõi được mức độ ảnh hưởng của khai thác khoáng sản đến môi trường phải thông qua quan trắc môi trường. Theo quy định từ 3-6 tháng hoặc tùy vào tính chất, mức độ khai thác tại các điểm mỏ phải quan trắc, lấy mẫu nước, không khí, đất tại nơi khai thác khoáng sản 1 lần. Tuy vậy tại tỉnh hiện vẫn chưa được thực hiện thường xuyên, do đó mức độ ảnh hưởng của việc khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến môi trường trên địa bàn tỉnh chưa được đánh giá kịp thời, chính xác. Các điểm mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản ở tỉnh hầu hết đều thực hiện nghiêm ngặt công tác bảo vệ môi trường, một số đơn vị gây ô nhiễm môi trường đã được các cơ quan chức năng xử lý theo Luật Tài nguyên khoáng sản.
Chính vì vậy, giải pháp cần thiết để giải quyết vấn đề trên là tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản; phát triển các công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải. Cần xây dựng chương trình triển khai và nhân rộng mô hình sản xuất sạch hơn cho cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chế biến khoáng sản và phục hồi môi trường…
Bên cạnh đó, Quyết định số 18/2013 của Chính phủ về cải tạo và phục hồi môi trường đối với hoạt động khoáng sản đã có hiệu lực thi hành, do vậy nội dung và cấu trúc của đề án cải tạo, phục hồi môi trường của các dự án khai thác và chế biến khoáng sản cần được nghiên cứu thấu đáo, toàn diện để đảm bảo tính khoa học và thực tế áp dụng của các mỏ sau khai thác, đáp ứng phát triển bền vững. Theo Quyết định này, yêu cầu khi xin cấp phép khai thác khoáng sản, các tổ chức, cá nhân phải có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được duyệt.
Ngoài ra, Đề án cải tạo, phục hồi môi trường phải nêu cam kết về các chỉ tiêu chất lượng môi trường, hệ sinh thái sau khi cải tạo, phục hồi. Mặt khác, cần có cả ý kiến tham vấn cộng đồng về phương án cải tạo, phục hồi. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư khai thác khoáng sản mới phải lập, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định đề án cải tạo, phục hồi môi trường cùng với thời điểm lập, trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường.