Tính đến tháng 4-2018, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận hàng trăm trường hợp cá thể động vật hoang dã được giải cứu.
Trong 3 tháng đầu năm, có 110 cá thể động vật hoang dã được giải cứu từ 37 trường hợp vi phạm và 13 trường hợp tự nguyện chuyển giao. 132 trường hợp quảng cáo các sản phẩm từ động vật hoang dã trong thực đơn, treo biển hiệu quảng cáo ngoài trời và rao bán trái phép trên facebook đã bị xử lý.
Các cá thể này sau đó được thả về môi trường tự nhiên hoặc chuyển đến Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã để được chăm sóc và cứu hộ.
Gần đây nhất, ngày 18-4, một cá thể vích quý hiếm nặng gần 10kg mắc lưới, người dân tự nguyện chuyển giao và được thả về biển Khánh Hòa. Ngày 12-4, sau khi được vận động, một tiêu bản hổ được đại diện Đền thờ bà Chúa Đá Đen, Ba Vì tự nguyện chuyển giao cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam nhằm mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học cũng như các loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng…
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV, cho biết trên thực tế, việc nuôi nhốt hay sử dụng tiêu bản động vật hoang dã để trang trí, làm cảnh vô tình kích thích tình trạng săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt, quảng cáo trái phép các loài này, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học cũng như những nỗ lực của các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, đe dọa đến sự tồn vong của các loài động vật hoang dã trong tự nhiên, đẩy nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Cuộc chiến với tội phạm về động vật hoang dã ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục, rất cần sự chung tay hành động của cả cộng đồng. Nhiều cá thể động vật hoang dã được giải cứu nhờ tin báo của người dân thông qua đường dây nóng 18001522.