Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Minh Sơn đã đóng góp một phần đáng kể cho nguồn thu ngân sách nhà nước của huyện Bắc Mê (gần 50% tổng thu ngân sách của huyện) góp phần tạo ra việc làm và thu nhập cho gần 100 lao động địa phương. Tuy vậy, những hệ lụy của việc khai thác khoáng sản đã và đang tác động xấu đến môi trường sống của cộng đồng địa phương.
Trong đó phải kể đến hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ Sắt Sàng Thần, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê (Hà Giang) đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và cộng đồng dân cư tại đây.
Môi trường SOS
Theo số liệu khảo sát thực tế của Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Hà Giang, quá trình khai thác khoáng sản tại điểm mỏ này đã tác động đến địa hình, đất đai, hệ sinh thái khu vực; tại các khu vực khai thác đã để lại các bờ tầng, bờ lở, các hố sâu và những bãi thải xỉ quặng khổng lồ, tương lai sẽ khó có thể đầu tư để phục hồi được mặt bằng như nguyên trạng.
Trong đó, diện tích rừng phòng hộ của xã Minh Sơn giảm đi đáng kể do phải chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất khai thác khoáng sản là 30,30 ha. Trữ lượng rừng cũng bị hao hụt do phải chặt hạ cho khai trường 9,8 ha của mỏ sắt Sàng Thần, thôn Lũng Vầy (Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông thuộc Tập đoàn Hòa Phát) khoảng 1.751,63 m3, bao gồm các loại gỗ nhóm 2 đến nhóm 8 như: Đinh, hương, nghiến, trai, dổi, sồi, sến, dẻ, kháo, mỡ, trám. Trị giá trữ lượng gỗ ước tính trên 6 tỷ đồng, tuy vậy huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, tổ chức đấu giá chỉ được khoảng 2 tỷ đồng.
Khai thác khoáng sản đã tác động mạnh đến môi trường sống bởi khí thải, bụi, nước thải, chất thải, mà không thể kiểm soát và xử lý được triệt để. Ngoài ra, khai thác khoáng sản vùng đầu nguồn đã làm mất đi lớp thảm thực vật, làm cho nước mưa cuốn trôi bùn đất, xỉ quặng tràn vào đồng ruộng, làm đất canh tác bị vùi lấp và thoái hóa gây ra sự thay đổi dòng chảy bề mặt và cũng là tác nhân gây ra xói lở đất, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, phá hủy kết cấu hạ tầng giao thông khu vực.
Cứ vào mùa mưa, nước mưa rửa trôi từ mỏ lộ thiên, bãi thải quặng đuôi, bãi chứa đất đá bóc có chứa nhiều chất rắn lơ lửng và kim loại nặng, cùng với nước mưa rửa trôi bùn đất, xỉ quặng từ khu xưởng luyện đã tác động mạnh đến nguồn nước của các con suối lân cận, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, khiến cạn kiệt nguồn nước, giảm chất lượng nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân địa phương xung quanh khu vực khai thác và chế biến khoáng sản.
An sinh cũng bất ổn
Chất lượng không khí trong khu vực hoạt động khoáng sản tại xã Minh Sơn đang trở nên kém hơn nhiều so với những năm trước, do ảnh hưởng của khí, bụi và tiếng ồn bởi hoạt động khai thác, chuyên chở quặng từ nơi khai thác đến nhà máy sàng tuyển và vận chuyển quặng tinh từ nhà máy đến khu chế xuất.
Hàng ngày, hàng chục chuyến xe tải chở quặng và sản phẩm quặng đi lại trên trục đường chính từ thôn Lũng Vầy qua trung tâm xã Minh Sơn về Khu công nghiệp Bình Vàng thuộc huyện Vị Xuyên.
Tuyến đường huyết mạch nối từ Km 31 huyện Bắc Mê – xã Minh Sơn – Yên Minh dài hơn 10 km có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, đã được đầu tư nâng cấp, trải nhựa bằng nguồn ngân sách nhà nước với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Đến nay, con đường này gần như đã bị hư hỏng hoàn toàn bởi lượng xe tải nối đuôi nhau chuyên chở quặng từ nhà máy sàng tuyển quặng Minh Sơn về Khu công nghiệp Bình Vàng.
Ông Triệu Văn Màng, Trưởng thôn Khuổi Kẹn, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, cho biết: “Thôn có 60 hộ, với 342 nhân khẩu chủ yếu là người Dao. Từ khi mỏ Sàng Thần đi vào hoạt động năm 2010, xe cộ đi lại nhiều mỗi ngày 80 xe, mỗi xe chạy 4 lượt/ngày nên tiếng ốn và bụi ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân khu vực thôn. Để giảm lượng bụi, thôn đã tiến hành tưới nước 3 lần/ngày, còn nếu nắng 36 độ C phải tiến hành tưới đến 5 lần nhưng tình trạng vẫn không khá hơn. Hiện nay, người dân sống dọc suối Khuổi Kẹn không thể sử dụng nước suối này cho sinh hoạt hoặc những hoạt động khác nữa vì lý do nguồn nước bị nhiễm bẩn. Nếu tắm, giặt bằng nguồn nước này sẽ bị mắc bệnh ngứa da, viêm da”.
Anh Trương Văn Khương, thôn Khuổi Kẹn, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, bức xúc trao đổi với phóng viên: “Xe từ các mỏ hàng ngày làm việc liên tục từ 5 giờ sáng tới 9 – 10 giờ đêm, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống sinh hoạt của các hộ dân xung quanh bởi tiếng ồn, đường dân sinh bị phá nát, bụi bẩn liên tục bắn vào nhà, trẻ em thường mắc bệnh hô hấp như phổi, hen… Hầu hết hộ dân sống ven đường không dám lấy nước ở đầu nguồn suối thôn Khuổi Kẹn dù chỉ cách khoảng 1km, bởi 90% nước bị ô nhiễm dẫn đến nước đục vôi”.
Cũng theo phản ánh của các hộ dân thôn Khuổi Kẹn, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, hiện một số hộ dân không có đủ nước sinh hoạt vì lý do khai thác khoáng sản vùng đầu nguồn đã làm cho nguồn nước khu vực hạ lưu bị ô nhiễm vào mùa mưa và bị cạn kiệt vào mùa khô. Độ đục của nước suối Khuổi Kẹn là quá lớn đã dẫn đến sự biến mất của một số loài động vật thủy sinh như tôm càng xanh, cua, cá, ếch, nhái, đặc biệt loại cá sứt mũi và cá anh vũ quý hiếm.
Bên cạnh đó, sản lượng các loài thủy sinh tự nhiên sống ở suối cũng bị giảm đi rất nhiều. Nếu như trước đây, người dân chỉ cần đi đánh bắt khoảng 1 giờ là có đủ thức ăn cho gia đình (4 người) thì hiện nay không thể đánh bắt được nữa. Thậm chí nước để tưới rau, trồng lúa cũng bị ảnh hưởng bởi hầu hết không thể sinh trưởng và phát triển tốt.
“Để có nước tưới các hộ phải vào tận làng phía trong mua đất để đào giếng rồi kéo đường ống cả cây số mới ra được phần đất sản xuất. Các hộ giáp ranh không có điều kiện đào giếng phải xả nước máy pha với nước giếng để làm loãng độ mặn mới có thể tưới cây. Hết phương án, một số hộ phải chuyển đổi từ trồng hành, tỏi sang trồng rau ngò và một số cây trồng khác cần ít lượng nước tưới hơn. Không có nước tưới, hiệu quả kinh tế cây trồng thấp, đời sống bà con ngày càng khó khăn, một số hộ phải rời làng đi nơi khác”, ông Triệu Văn Màng lo âu nói.
Việc chặt hạ cây rừng đầu nguồn, cùng với việc sử dụng một lượng nước quá lớn từ nguồn nước suối Khuổi Kẹn (hơn 1.300 m3/ngày đêm theo Báo cáo tác động môi trường của Công ty An Thông và Minh Sơn) cho việc tuyển quặng đã làm suy giảm, cạn kiệt đáng kể nguồn nước sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng dân cư tại 5 thôn: Lũng Vầy, Khuổi Kẹn, Nà Sáng, Bình Ba và Ngọc Trì. Vào mùa khô, người dân ở một số thôn, bản đã phải đi gánh nước từ những nơi khác về sử dụng cho sinh hoạt.
Ngoài tác động xấu đến môi trường thì các hoạt động sản xuất lẫn mưu sinh bị hạn chế rất nhiều, đi lại hết sức khó khăn, nguy hiểm do đường xá bị xuống cấp, hư hỏng nặng bởi xe chở quặng ngày đêm đi qua. Nước suối nhiều nơi không còn sử dụng được cho sinh hoạt nữa, ngay cả việc mưu sinh hàng ngày như vào rừng lấy măng; khai thác củi bị hạn chế bởi các trạm barie của các nhà máy và công trường khai mỏ.
Bài cuối: Giảm thiểu tối đa việc khai thác tác động xấu đến môi trường