Để Cù Lao Chàm có một sức hút kỳ lạ, làm mê hoặc du khách như bây giờ, nhiều thế hệ lãnh đạo Hội An trước đây đã “nhìn thấy tương lai”, mạnh dạn “đầu tư” ý tưởng, giữ đất, trồng rừng, bảo tồn văn hóa từ hơn 20 năm trước…
Trùng tu di tích để an dân
Vừa đặt chân đến Cù Lao Chàm, ông Nguyễn Sự (nguyên Bí thư Thành ủy Hội An) lập tức hối thúc chúng tôi leo lên xe ôm, ra bãi Hương. Đây là cụm dân cư thứ 2, ngoài khu trung tâm xã Tân Hiệp là bãi Làng.
Bãi Hương, có tên cổ là làng Phú Hương, ở cực nam của hòn Cù Lao, nằm sát mép biển tây, nhìn vào đất liền. Bây giờ, bãi Hương vẫn là một làng chài nguyên sơ với chưa đầy 100 hộ dân. Ngoài đánh bắt thủy hải sản, tham gia khai thác yến sào, người dân nơi đây còn làm dịch vụ lưu trú, bán hàng lưu niệm cho du khách. Làng nằm dưới chân một cánh rừng tự nhiên xanh thẳm, ẩn mình trong một eo núi, có thể tránh được những cơn bão từ biển Đông. Có lẽ vì ở một nơi hẻo lánh, cách biệt với đất liền như vậy, nên người dân ở làng quê tịch mịch này vẫn giữ được nét hồn hậu, chân tình.
Chúng tôi vừa dừng chân, nhiều người dân túa ra, vây quanh đoàn. Cứ ngỡ nạn bu bám, chèo kéo khách du lịch đã lây lan ra tận chốn này. Hóa ra, họ chạy đến để chào hỏi một cách quý mến vì nhận ra ông Nguyễn Sự.
Ông Sự lý giải, dân ở đây quý mình là vì ngày xưa, khi vừa mới lên làm lãnh đạo, mình đặc biệt quan tâm đến vùng đất khó khăn ở hải đảo này. Dẫn chúng tôi về phía Miếu Tổ nghề Yến (Yến nghệ tổ miếu), ông giới thiệu, có thể nói, đây là di tích đầu tiên mà Hội An trùng tu để bảo tồn văn hóa.
Ông Sự nói, trầm tích văn hóa của Cù Lao Chàm vẫn còn nhiều điều bí ẩn chưa nghiên cứu hết. Nếu những cổ vật phát hiện được trong đất liền chỉ có niên đại 2.000 năm, thì những rìu đá, công cụ lao động cổ đã phát hiện tại di chỉ bãi Ông, Cù Lao Chàm lại có niên đại trên 3.000 năm. Điều đó chứng tỏ loài người sống ở đây từ rất sớm. Thế nhưng, thời điểm những năm 1994, 1995 ở đây cũng giống như đô thị cổ trong đất liền. Nghĩa là nhà cửa, di tích bị hoang phế, dân làng bỏ đi làm ăn xa. Bấy giờ lãnh đạo Hội An chúng tôi chưa ai nghĩ đến làm du lịch cả, nhưng tôi đã quyết định trùng tu miếu Tổ nghề yến để cho ấm cúng nơi thờ tự, phục dựng địa chỉ tâm linh của dân, mục đích chấn hưng làng chài. Hai nhà dân phải di dời để khơi lại giếng gạch cổ, xây dựng cổng mới và người dân đã vui vẻ ra đi.
Trên biển công nhận di tích cấp quốc gia, ghi rõ miếu để thờ Tổ nghề yến và Thành Hoàng bổn xứ, các vị thần bảo hộ nghề. Hằng năm, vào ngày 10.3 Âm lịch, cư dân ở đây tổ chức cúng rất linh đình để chuẩn bị bắt tay vào khai thác tổ yến. Tuy vậy, theo các vị cao niên ở Cù Lao Chàm, thì miếu này do ông Hồ Văn Hòa xây dựng đầu thế kỷ XIX để thờ những thợ khai thác yến sau sự cố sập giàn, làm chết 40 người. Ông Hòa là người cai quản xứ yến miền Trung từ Hội An đến Khánh Hòa. Còn miếu thờ ông tổ nghề yến thực sự nằm ở thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh, Hội An. Dẫu vậy, thì miếu thờ này đã trở thành chốn tâm linh của làng Phú Hương.
Trồng rừng dừa, giữ đất công cộng
Một trong những địa chỉ được cho là hấp dẫn như chốn thần tiên ở Cù Lao Chàm là bãi Ông. Đây là một bãi cát trắng sáng, mịn màng, trải dài ở một eo núi ở hướng bắc của hòn Cù Lao. Nước biển trong và xanh đến nao lòng, đến nỗi khi trầm mình trong nước mát, sẽ có cảm giác như da mình được trắng, mịn hơn, mắt được sáng hơn.
Ngay trên bãi Ông còn có hẳn một rừng dừa sum suê trái. Điều độc đáo hơn là sự hoang vắng nguyên sơ. Nhưng đây cũng chính là thắc mắc lớn nhất đối với du khách khi đặt chân đến đây. Vì sao một nơi chốn đẹp gần sát đường giao thông, khu dân cư trung tâm xã đảo, thuận tiện đến như vậy lại vẫn còn để hoang sơ? Vì sao các nhà đầu tư không nhìn đến địa chỉ tuyệt đẹp như thế này ở Cù Lao Chàm?
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An giải thích, thật sự, đã có rất nhiều nhà đầu tư “nhòm ngó”, nhiều tập đoàn kinh tế đặt vấn đề thuê đất để làm khu nghỉ dưỡng cao cấp tại đây. Nhưng lãnh đạo nhiều thế hệ ở Hội An đều từ chối. Mục đích là giữ bãi biển quý hiếm này để dành cho công cộng, cho người dân hưởng lợi chung.
Từ năm 1997, nguyên Chủ tịch thị xã Hội An bấy giờ là ông Nguyễn Sự đã chủ trương cho trồng dừa ở bãi biển hoang sơ này. Hơn 500 cây dừa con đã được trồng từ nguồn vốn ngân sách. Thậm chí, chính quyền còn chi trả thêm lương cho cho công nhân Cty yến sào để chăm bón, tưới nước suốt nhiều năm liền.
Phía bên trong rừng dừa, cách bãi biển hơn 100m, chính quyền đã cho xây dựng 1 con đường bê tông, chạy men dưới chân núi. Tại đây, cho phân lô, xây dựng hàng chục ki-ốt để nhân dân đấu giá, tham gia các dịch vụ ăn uống, buôn bán hàng lưu niệm, phục vụ khách du lịch.
Bây giờ vườn dừa và bãi cát trắng này đã trở thành vô giá. Nếu cho doanh nghiệp thuê, ngân sách địa phương sẽ có thể có ngay hàng trăm tỷ đồng, một nhóm người nào đó sẽ có lợi, nhưng người dân sẽ mất kế sinh nhai, và du khách không được tắm biển miễn phí.
Cũng ở thời điểm những năm 1997, 1998, UBND thị xã Hội An (bây giờ là TP.Hội An) đã bỏ ngân sách, gom mua những lô đất của các cá nhân trên Đồng Chùa để tạo cảnh quan. Nếu lúc đó chính quyền không mua những mảnh đất này, thì bây giờ các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ mua gom từ dân để làm dự án, Cù Lao Chàm chắc chắn sẽ không còn phóng khoáng tầm nhìn như hiện nay.
Bảo tồn rùa để giữ bãi biển
Ngoài việc trồng dừa, giữ đất ở bãi Ông, mua ruộng vườn để nhà nước nắm sở hữu ở Đồng Chùa, tạo ra quỹ đất công cộng, phục vụ nhân dân, chính quyền Hội An còn quy hoạch, giữ lại một bãi cát hoang sơ để thả nuôi và bảo tồn rùa biển. Gần 100 quả trứng rùa biển được vận chuyển từ Vườn quốc gia Côn Đảo về đã ấp, nở thành công ở bãi Ruộng cuối năm 2017.
Ông Nguyễn Sự kể: Nhìn lũ rùa con bé tí chui lên từ ổ cát, dùng 4 cái vi bé bỏng để lê về phía biển, đến mép nước, chúng đồng loạt đứng lại đợi nhau, rồi cùng dương cao cái đầu, hướng nhìn thật lâu về phía núi trước khi xuống biển, ai cũng xúc động. Giống rùa biển, sau nở ra sẽ bơi ra khơi xa để sinh sống. Tuy nhiên khi trưởng thành, tức là 30 năm sau đến tuổi sinh nở, chúng đồng loạt quay về chính nơi chốn cũ để đào cát, làm tổ. Lập được khu bảo tồn rùa, chính là bảo tồn được bãi biển, bảo vệ được rừng tự nhiên, giữ đảo. Ở nhiều nơi, do việc xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng được triển khai ào ạt, các bãi biển bị lấp kín, lũ rùa khi quay về cố hương thì không còn đất để sinh sản nữa. Giống rùa biển có nguy cơ bị tiệt vong là như vậy.
Đây cũng là quan điểm xuyên suốt mà lãnh đạo Hội An nhiều thế hệ đã kế thừa, phát huy để bảo tồn không gian văn hóa được đa dạng, hấp dẫn khách du lịch như hiện nay.
Từ một ốc đảo nghèo nàn, cư dân thưa thớt, thiếu đói, cách trở giao thông… ở những năm đầu thập niên 90, bây giờ Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An) đã trở thành một điểm đến du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng nổi tiếng trên thị trường du lịch thế giới. Chỉ hơn 2 ngàn dân, nhưng hòn đảo này đã đón trên 420 ngàn lượt khách tham quan mỗi năm, và có hàng chục hộ dân là tỷ phú… |
Hội An trân trọng các nhà đầu tư với những đóng góp lớn lao để phát triển hạ tầng, cơ sở lưu trú, nhưng nhất quyết là phải bảo vệ quan điểm “Giữ gìn môi trường tự nhiên, không gian sống và sinh hoạt truyền thống của người dân để cộng đồng cùng được hưởng lợi”. Vì thế mà kho báu Cù Lao Chàm còn giữ được đến bây giờ. |