Những năm gần đây, với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh của Đà Nẵng. Cùng với việc phát triển hạ tầng xã hội, chính quyền TP Đà Nẵng cũng cho phép xây dựng nhiều cao ốc ven khu vực sông Hàn, dễ dẫn đến nguy cơ phá vỡ cảnh quan đô thị xung quanh.
Những nguy cơ từ quy hoạch
Đà Nẵng là một trong những đô thị đặc biệt có lợi thế về địa lý – chính trị, sau hơn 20 năm trở thành TP trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã thực hiện quá trình quy hoạch, chỉnh trang đô thị một cách mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa diễn ra một cách nhanh chóng.
Theo Kiến trúc sư (KTS), Tiến sĩ Trần Văn Giải Phóng – Chuyên gia dự án ứng phó biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, trong những năm đầu, quá trình đô thị hóa quá nhanh đã tạo ra sự không đồng bộ về kiến trúc của một đô thị mới. Sự xuất hiện của nhiều công trình với một lối kiến trúc tùy hứng, đơn điệu có tính vay mượn, trong một không gian dường như bị bóp nhỏ của kiểu xây dựng thời bao cấp, với những con đường không hai ô tô con tránh nhau, những tuyến phố mà mỗi nhà chiều ngang không quá 4m, nhà nào cũng na ná nhau, phần nào làm cho đô thị Đà Nẵng thiếu tính nổi bật trong một không gian lý tưởng mà thiên nhiên đã ban tặng.
Chính điều đó đã tạo ra sự thiếu hài hòa giữa các công trình xây dựng và cảnh quan thiên nhiên đã làm cho TP mất dần đi những bản sắc riêng về kiến trúc của một đô thị hướng sông – biển, ít nơi nào có được. Hiện nay, ở Đà Nẵng, xu hướng vươn cao, chinh phục không gian của những ngôi nhà cao ốc ven bờ biển, ven sông Hàn đã tạo nên dáng dấp cho đô thị hiện đại, văn minh, nhưng chính sự vươn cao này đang dẫn đến nguy cơ phá vỡ cảnh quan đô thị xung quanh nó.
Nhìn từ hướng biển, Đà Nẵng với những tòa cao ốc sừng sững bên bờ biển Đông, đã tạo lập phong cách trẻ trung, năng động, hiện đại cho TP. Không gian đô thị cũng có nhiều thay đổi với sự ưu tiên cho đường lớn, cây xanh, công viên… tạo một diện mạo mới mẻ về kiến trúc của đô thị Đà Nẵng, những ngôi nhà đẹp được mọc lên đã đem lại sự hài hòa với thiên nhiên, sông biển.
Hình thành trục không gian đô thị
Quá trình đô thị hóa đã mang lại nhiều thay đổi về diện mạo kiến trúc đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, những ngôi nhà san sát thay thế dần cho những ngôi nhà nhỏ xây dựng theo thời kiểu bao cấp tạo một không gian đô thị mới.
Bên cạnh đó, với việc cho phép các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư để phát triển du lịch, dịch vụ đã tạo ra những mảng kiến trúc mang lại ấn tượng mạnh cho du khách, đó là Làng Pháp trên đỉnh Bà Nà hay chuỗi biệt thự nghỉ dưỡng sang trọng dọc tuyến đường ven biển từ Sơn Trà tới Ngũ Hành Sơn đã tạo nên một phong cách kiến trúc mới cho Đà Nẵng.
KTS Trần Văn Giải Phóng cho rằng, TP Đà Nẵng đã và đang hình thành các trục không gian đô thị, đặc biệt là khai thác và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên (núi, biển, sông), tạo các điểm nhấn kiến trúc đô thị kết hợp với sự bảo tồn hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên. Kiến trúc đô thị đã từng bước theo xu hướng hiện đại, tiện dụng. Điều dễ nhận thấy nhất là Đà Nẵng hầu như không có kiểu nhà siêu mỏng, dị dạng…
Trong bán kính khu vực đô thị trung tâm, TP đã xác định 46 điểm nhấn kiến trúc và hiện đang tập trung xác lập 14 điểm nhấn kiến trúc để tạo cảnh quan, xây dựng bản sắc kiến trúc đô thị. Các điểm nhấn kiến trúc ưu tiên phát triển chiều cao không gian, chiều cao công trình đối với các tuyến cảnh quan ven sông, ven biển, cũng như các điểm nhấn trên các trục đường phố chính để vừa có tính thẩm mỹ nhưng phải mang lại tiện ích đô thị.
“Gắn với đầu tư phát triển mới, TP cũng chú trọng bảo tồn công trình cổ có giá trị như Bảo tàng Lịch sử, Thành Điện Hải, đình làng, miếu mộ, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân, khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa… Vấn đề đối với Đà Nẵng hiện nay là giải quyết hài hòa giữa xây dựng nền tảng vững chắc cho kiến trúc hiện đại và bố cục đối với các công trình cũ; các công trình bê tông, cốt thép hài hòa với các công trình văn hóa, lịch sử đã hiện diện” – KTS Trần Văn Giải Phóng nói.