Thiên nhiên hoang dã và bàn tay con người đã tạo nên một vùng sông nước miền Tây tuyệt đẹp với những cánh đồng bất tận thẳng cánh cò bay, hệ thống kênh rạch chằng chịt, những cánh rừng xanh ngút ngàn tầm mắt và hàng ngàn loài chim, thú sum vầy… Nhưng miền Tây giàu có và trù phú ấy giờ đã đổi khác, tuy khang trang, hiện đại hơn nhưng quán nhậu cũng mọc lên nhiều và thiên nhiên thì bị săn lùng, tàn sát dữ dội, thậm chí các con buôn còn móc nối qua biên giới và mua chuộc kiểm lâm bằng mọi giá nhằm hợp thức hóa động vật tự nhiên thành động vật nuôi để buôn bán và xuất khẩu.
Kỳ 1: Mục sở thị chợ chim trời lớn nhất Tây Nam Bộ
Quốc lộ 62, đoạn qua khu 3, thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa tỉnh Long An từ lâu đã trở thành nối ám ảnh với cánh tài xế, không phải vì cung đường đi lại khó khăn mà bởi ở đây muông thú bị tàn sát vô cùng man rợ, ai chứng kiến cũng không khỏi rùng mình.
Ghé chợ chim Thạnh Hóa chiều muộn, nhóm được một chủ một cửa hàng “nức tiếng” đón tiếp nồng hậu. Chỉ nhỉnh chừng 30 tuổi nhưng bà chủ D.N. khiến cánh mày râu phải phục sát đất vì cái tài làm thịt chim, rắn đầy điêu luyện. Ngay khi khách hỏi mua cò ốc, chủ quán xốc luôn chú cò đang run rẩy trong lồng sắt rồi đập mạnh vào cây cột sắt treo đầy lồng chim, cú va đập khiến đầu cò vỡ nát, tóe máu. Trong lúc cò giãy giụa, tay trái D.N. cầm bật lửa, tay phải mồi bếp ga mini, chỉ chưa đầy một phút sau, con cò với bộ lông xám trắng từng sải cánh khắp cánh đồng miền Tây đã bị thiêu trụi lông, da vàng ruộm rồi bán cho thượng khách.
D.N. vừa ngơi tay, một tài xế đi qua đã chỉ vào chùm chim treo ngược. Rất thành thạo, bà chủ vặt lông thoăn thoắt, mỗi lần vặt là những con chim lại như co giật, kêu chí chóe, máu tứa ra qua lớp da mỏng, cái đầu nghển lên như cố giãy giụa để tẩu thoát. “Vặt sống như này thịt chim mới ngọt” – bà chủ đon đả, và sau chừng vài phút, khi những chú chim non còn lẩy bẩy chưa kịp hoàn hồn thì chủ quán đã thản nhiên châm lửa khò cả chùm. Toàn thân gần như co cứng bởi ngọn lửa xanh lét nhưng những chú chim tội nghiệp vẫn cố cất tiếng kêu vô vọng trước sự gật gù của thượng khách.
Trao tay xâu chim chưa ráo, lại có bạn hàng hỏi mua rắn, bà chủ lập tức bắt rắn rồi đổ ồng ộc cả phích nước sôi vào chậu, rắn chỉ còn biết giãy giụa, vùng vẫy đến chết cứng.
Có lẽ điểm cộng của cửa hàng là bà chủ quán hoạt bát và làm nghề nhanh như cắt nên xung quanh còn hàng chục cửa hàng khác nhưng tiệm của D.N. lúc nào cũng tấp nập, nhất là vào buổi chiều, khi các gia đình tụ họp ăn uống và dân nhậu bắt đầu các màn tỉ thí.
Chứng kiến guồng quay làm việc của bà chủ, nhóm PV không khỏi ám ảnh, sởn da gà. Thấy đám khách lạ hỏi mua với số lượng nhiều, bà đon đả giới thiệu tỉ mỉ về những loài hiện có như cò ốc, giang sen, gà nước, đại bàng con…, tất cả đều được săn bắt tự nhiên và được bán với giá khoảng 300.000đ/kg đã làm sạch: “Chim của em toàn là tự nhiên, khách hàng khắp cả nước, một số quán thịt chim ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nam toàn là em cung cấp cả, các anh muốn mua bao nhiêu cũng có”.
Cũng theo D.N., ngoài những loài chim nuôi làm cảnh và phóng sinh thì cửa hàng còn rất nhiều loài chim quý, hiếm như đại bàng, cú… và nhiều loại rắn, trăn, rùa, đặc biệt có cả chim non mới mọc lông ống chưa rời tổ cũng được cánh thợ săn chim bắt về bán cho cửa hàng.
Được biết, chợ chim Thạnh Hóa đã có thâm niên hàng chục năm, trước đây chỉ là khu chợ nông sản nhỏ nép mình ven quốc lộ, chủ yếu bán hàng cho cánh tài xế đường dài hay khách du lịch, nhưng gần đây biến tướng thành chợ chim hoang dã lớn nhất miền sông nước. Nó còn được quảng cáo với cái tên chỉ nghe đã thấy rùng rợn – “cỗ máy” ăn thịt chim của vùng đồng bằng châu thổ.
“Ở đây em bao hết”
Chia sẻ “bí quyết” buôn bán công khai các loài tự nhiên quý, hiếm nhưng chưa từng bị “sờ gáy”, D.N. cho biết: “Ở đây em bao hết, em bán bao nhiêu năm có sao đâu, mình cứ bán, khi họ kiểm tra loài nào quý là mình cất giấu vào phía trong. Cả chục cửa hàng đều thế cả, đã tồn tại bao năm rồi… Mà bọn em không chỉ bán mỗi chim, cò thôi đâu, còn cả đại bàng nhập khẩu đã qua huấn luyện, em bán giá 250 triệu đồng/con, rồi khỉ, vượn”.
Ngỡ vớ được ông chủ xịn tận ngoài Hà Nội, D.N. đồng ý cho nhóm xem hàng quý. Một cá thể khỉ bị xích cổ, nhốt trong lồng sắt được giấu sâu bên trong. Thấy người lạ, nó nhảy lên lồng lộn như muốn cấu xé thủ phạm đã bắt giữ nó. “Con khỉ này em mới lấy về hơn hai tháng, khỉ hoang dã đó, các anh mua em để lại giá 4 triệu… Khỉ bọn em mới dám để đây chứ vượn mà để thì nguy hiểm lắm, hàng quý hiếm mà, nếu anh có thiện chí em cho xem ảnh, video, giá chừng 30 triệu”. Khi nhóm tỏ vẻ chưa tin, D.N. quả quyết: “Các anh yên tâm, em nói không có sai, kể cả các anh mua cọp, em cũng có luôn nhưng hàng này muốn xem phải đặt cọc trước nhé”.
Rời chợ chim, thú và tạm gác nỗi ám ảnh từ những con vật nhỏ nhoi, tội nghiệp, nhóm hẹn gặp ông Ngô Lê Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Hóa để nghe ông trần tình. Dù đã sống và làm việc ở thị trấn nhỏ bao năm nhưng khi nghe và xem những hình ảnh mà nhóm phóng viên ghi lại, ông Dũng vẫn hơi bất ngờ: “Chợ chim ban đầu chỉ là nơi bán buôn nông sản, về sau biến tướng ra rùa, rắn, chim hoang dã. Không biết họ mang từ đâu ra cả vượn và khỉ, động vật từ đâu về chứ ở đây không có khỉ”.
Ông bảo cái khó là không biết đâu là chim, thú quý hiếm để mà cấm, mà bắt bởi ở chợ có hàng trăm loài, cả thể dễ cũng lên đến hàng vạn, và chính bản thân ông cũng thắc mắc: “Con rắn hổ hành không phải động vật cấm nhưng ở đây rất hiếm, còn rắn bông súng tràn lan chỉ vài nghìn đồng một kg lại là động vật cấm. Rắn hổ hành mua cả triệu giá chợ đen sao không cấm?”. Ông cũng biện minh thêm là địa phương đã nhiều lần ra quân giải quyết và xử lý tình trạng buôn bán động vật quý hiếm nhưng chủ yếu mới tuyên truyền cho bà con về ý thức kinh doanh không mất vệ sinh môi trường, không treo những hình ảnh nhẫn tâm và đặc biệt không gây mất an toàn giao thông.
Tuy không bất ngờ như ông chủ tịch thị trấn nhưng vị đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Thạnh Hóa cũng viện dẫn cái khó của ngành: “Tại khu chợ chim Thạnh Hóa, Kiểm lâm đã nhiều lần ra quân và có lần bắt cu li và rắn, hổ rồi, chúng tôi mặc đồng phục ra khám xét thì không thấy, nếu khám xét mà không thấy thì không có bằng chứng xử lý họ. Chỉ đi bất thình lình nếu thấy động vật quý mới bắt được. Về rùa, rắn không biết họ lấy từ đâu đến, chủ yếu là ở nơi khác chứ ở đây không có những con vật đó, vừa rồi mới xử lý gần 100 kg rắn bông súng và rắn nước. Mình ra mình bắt, nó thấy mình là bỏ hàng hoặc không nhận hàng”.
Trái với lời tâm sự của vị đại diện, một số chủ hàng lại thổ lộ: “chúng em bán hàng ở đây chưa bao giờ bị bắt hay bị phạt hành chính, ngoài chim ra em còn nhiều mặt hàng quý, hiếm khác” (?!).
Vậy là trong khi chính quyền và kiểm lâm vẫn loay hoay với hàng mớ khó khăn, trách nhiệm thì ở ngoài kia, muông thú Tây Nam Bộ ngày một vơi đi, nếu bạn hâm mộ miền sông nước này và có dịp ghé qua để ngắm chim, xem thú thì chắc chỉ cần tới Thạnh Hóa là đủ nhưng sẽ là chim, thú đang chờ… lên bàn của thực khách!
Dưới đây là một số hình ảnh về thế giới tự nhiên bị cầm tù và tận diệt tại Thạnh Hóa mà chúng tôi ghi được:
(Còn nữa)