Thời gian gần đây, nhiều cánh rừng già ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam bị tàn phá nghiêm trọng, khiến dư luận bức xúc. Cũng như những lần trước, sau khi nhận được thông tin, chính quyền tỉnh Quảng Nam lại thành lập đoàn công tác kiểm tra hiện trường, ra văn bản chỉ đạo các cơ quan vào cuộc điều tra, xử lý. Nhưng xem ra, cách làm này chưa thật hiệu quả, cho nên nạn phá rừng chưa có dấu hiệu dừng lại…
Rừng liên tục bị tàn phá
Theo chân người dân địa phương vào sâu khu rừng tự nhiên nằm phía nam Sông Bung, chúng tôi chứng kiến khu rừng lim cổ thụ bị tàn phá nghiêm trọng. Những cây lim có đường kính 1 đến 2 m chưa kịp xẻ, nằm rải rác dọc lối mòn. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hiện có 33 cây lim xanh và một cây xoan đào ở tiểu khu 335 (thuộc thôn cần Ðôn, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang) bị đốn hạ; với tổng khối lượng gỗ thiệt hại hơn 235 m3 (trong đó, có 223 m3 gỗ lim xanh). Riêng số gỗ còn bỏ lại hiện trường lên đến 125,9 m3 gỗ tròn và hơn 3,9 m3 gỗ xẻ. Những gốc lim còn đỏ au, tứa mủ nằm xen với gốc lim đã mọc rêu cho thấy, khu rừng này đã bị lâm tặc chặt phá trong một thời gian dài, nhưng không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Mới đây, một vụ phá rừng khác xảy ra tại khu vực rừng phòng hộ Sông Kôn, vùng giáp ranh giữa xã Zơ Ngây và Tà Lu (thuộc huyện Ðông Giang). Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện 33 cây rừng ở tiểu thu 41 (thuộc địa bàn xã Tà Lu) và tiểu khu 140 (xã Zà Hung) bị chặt phá; trong số này 21 cây bị chặt thuộc lâm phận Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn quản lý và có 12 cây bị chặt phá thuộc UBND xã Tà Lu quản lý. Tổng khối lượng cây đứng bị thiệt hại hơn 72 m3; phần lớn đã được chuyển đi tiêu thụ, lượng gỗ còn sót lại hiện trường đo được còn hơn 13 m3… Cách đây khoảng nửa tháng, người dân phát hiện hơn chục cây gỗ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (huyện Nam Giang) bị chặt phá. Tại hiện trường, còn một cây gỗ gõ (đường kính 0,8m đến 1,4 m) mới hạ xuống chưa kịp chuyển đi và một số vật dụng bỏ lại bên lán trại… Tuy nhiên, đến nay, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh và Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh vẫn chưa có báo cáo cụ thể về vụ phá rừng đặc dụng này.
Xử lý chậm, chưa đủ sức răn đe
Quảng Nam là một trong những tỉnh ở khu vực miền trung, Tây Nguyên có nhiều động thái tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Vào năm 2002, tỉnh đã có chủ trương đóng cửa rừng nhưng việc thực hiện chủ trương này còn nhiều bất cập. Nạn phá rừng bừa bãi ngày càng rộ lên ở nhiều nơi. Ðiển hình trong vòng ba năm trở lại đây, đã có bốn vụ phá rừng nghiêm trọng, khiến dư luận bất bình và đặt ra nhiều câu hỏi trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tháng 8-2017, khi vụ phá rừng pơ-mu nghiêm trọng ở huyện Nam Giang chưa được xử lý dứt điểm, thì lại xảy ra vụ hàng chục héc-ta rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước) bị hủy hoại để trồng keo. Và trong khi vụ phá rừng phòng hộ ở Tiên Lãnh chưa kịp đem ra xét xử, thì lại xảy ra hai vụ phá rừng liên tiếp ở khu vực Sông Kôn và nam Sông Bung.
Mặc dù tỉnh Quảng Nam đã thành lập nhiều ban quản lý rừng và tăng cường lực lượng kiểm lâm cho cơ sở, nhưng đội quân “giữ rừng”, ở nhiều nơi vẫn chưa phát huy tác dụng. Nhiều khi rừng bị tàn phá, nhưng chủ rừng và cả lực lượng kiểm lâm đóng trên địa bàn không hay biết, để đến khi người dân phát hiện mới vào cuộc, chủ yếu là đi đo đếm từng gốc cây rừng bị thiệt hại, hoặc biết nhưng cố tình làm ngơ để lâm tặc hoành hành. Ðiển hình là vụ phá rừng pơ-mu ở huyện Nam Giang, chính một số cán bộ biên phòng được giao nhiệm vụ bảo vệ biên cương nơi đây lại có hành vi bao che, tiếp tay cho kẻ phá rừng. Những cán bộ này sau đó đã bị kỷ luật và phải ra hầu tòa. Liên quan đến vụ phá rừng pơ-mu cổ thụ (ở huyện Nam Giang) và vụ phá rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước), đến nay đã có nhiều cán bộ biên phòng, hải quan, ban quản lý rừng và kiểm lâm… bị xử lý kỷ luật, nhưng dường như mức án kỷ luật này chưa đủ sức răn đe.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, trước những cánh rừng bị tàn phá liên tiếp, UBND tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ cấp bách. Theo đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các ngành liên quan và các địa phương tiến hành kiểm tra thực trạng các xưởng cưa xẻ, gia công và chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, yêu cầu các chủ cơ sở ký cam kết không sử dụng gỗ bất hợp pháp, trường hợp cơ quan chức năng phát hiện vi phạm sẽ thu hồi giấy phép hoạt động vô điều kiện.
Chủ tịch UBND các huyện miền núi không cấp mới hoặc đề nghị cấp mới các cơ sở cưa xẻ, gia công, chế biến gỗ trên địa bàn. Chi cục Kiểm lâm tỉnh lập bản cam kết và tổ chức cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành ký cam kết không có bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng hoặc tiếp tay, dung túng, bao che cho các đối tượng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép… Nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, các hành vi vi phạm cam kết sẽ bị xử lý kỷ luật ở khung hình phạt cao nhất theo quy định hiện hành.
UBND tỉnh đã yêu cầu Công an tỉnh lãnh đạo trực tiếp, lập chuyên án điều tra, triệt phá các đường dây buôn bán lâm sản trái phép, nhất là các đầu nậu tại các địa phương miền núi của tỉnh; khẩn trương hoàn thành hồ sơ, khởi tố các vụ án phá rừng, hủy hoại rừng, khởi tố bị can, kết thúc điều tra và đề nghị truy tố ở mức độ có tính răn đe cao, phù hợp quy định của pháp luật.
Sắp tới, Quảng Nam sẽ thay đổi hình thức giao khoán bảo vệ rừng, theo hướng không giao cho nhóm hộ mà giao cho cộng đồng; đồng thời sẽ quản lý theo đơn vị hành chính thay vì quản lý theo lưu vực như hiện nay; tách công tác quản lý nhà nước về thực thi pháp luật bảo vệ rừng ra khỏi ban quản lý rừng; Sẽ triển khai dự án giám sát, cảnh báo sớm tình trạng phá rừng bằng công nghệ cao. Trước hết, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án kiện toàn, tổ chức lại bộ máy kiểm lâm, ban quản lý rừng. Chủ trương của tỉnh sẽ phân cấp mạnh cho cấp huyện, quy rõ trách nhiệm của chủ tịch UBND huyện về việc quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Mặt khác, giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẩn trương rà soát lại đội ngũ cán bộ kiểm lâm; trên cơ sở đó, tiến hành chấn chỉnh, củng cố lại đội ngũ quản lý, bảo vệ rừng từ cấp cơ sở. Ðối với những cán bộ kiểm lâm không đủ năng lực, lớn tuổi, sức khỏe không bảo đảm thì cần bố trí vị trí công tác phù hợp, hoặc vận động nghỉ hưu trước tuổi theo quy định hiện hành…
Liên quan vụ phá rừng tại khu vực Sông Kôn và nam Sông Bung, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã tạm đình chỉ sáu cán bộ kiểm lâm, trong đó, có ba trưởng trạm quản lý bảo vệ rừng và ba cán bộ kiểm lâm địa bàn các xã: Tà Lu (huyện Ðông Giang), Chà Vàl và Tà Pơ (huyện Nam Giang). Ðến nay, Công an huyện Ðông Giang đã khởi tố và tạm giam nhiều đối tượng liên quan vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn.