3 năm liên tiếp hạn hán 50 ngàn dân thiếu đói vì thiếu nguồn nước sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt
Người Chăm cư trú chủ yếu ở hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, nơi xưa kia còn gọi là Chăm Panduranga với khoảng trên 110.000 người. Đây là nhóm cộng đồng Chăm lớn nhất nước ( chiếm 67,60% tổng số người Chăm ở Việt Nam).
Những năm gần đây, nhất là 3 năm liên tiếp 2014-2015-2016 hạn hán kéo dài một cách bất thường do sự biến đổi khí hậu đã làm bà con Chăm điêu đứng vì thiếu nguồn nước dành cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Việc đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân nói chung, đồng bào Chăm nói riêng ở hai tỉnh này. Và ngay từ đầu năm nay, dấu hiệu của hạn hán đã hiện diện ở tỉnh Ninh Thuận.
Mới đây, theo dự báo, trong 3 tháng tới, hạn hán có thể xảy ra nếu nắng nóng kéo dài. Ngày 19/4, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức hội nghị triển khai công tác ứng phó với hạn hán đang có nguy cơ xảy ra tại địa phương.
Những ngày này, nắng nóng vẫn đổ lửa xuống vùng đất “nắng cháy da người” Ninh Thuận – Bình Thuận. Nhiều hồ chứa nước tại một số vùng có nuôi gia súc trên địa bàn tỉnh đã cạn kiệt, hàng nghìn con cừu khát nước, vài trăm con đã chết khát.
Theo dự báo, mùa khô sẽ còn kéo dài tại Ninh Thuận tới tháng 9. Một dấu hiệu chẳng lành từ thiên nhiên nhắc nhở bà con Chăm về cơn đại hạn mới hơn một năm trước.
Cơn đại hạn khủng khiếp đó với sức tàn phá mùa vụ và đàn gia súc một cách kinh hoàng luôn hằn sâu trong kí ức của mỗi người Chăm nơi đây. Khi đó, lượng nước tích tại 20 hồ chứa nước tỉnh Ninh Thuận có lúc tụt xuống gần trơ đáy, chỉ còn khoảng 27% dung tích thiết kế. Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong tỉnh Ninh Thuận từ năm 2014 đến năm 2016 đã có tới 5 vụ không sản xuất được. Còn tỉnh Bình Thuận có 78 công trình thủy lợi với tổng dung tích trữ nước là 324,14 triệu mét khối. Tổng năng lực tưới theo thiết kế là 70.360 ha nhưng năng lực tưới thực tế chỉ có 48.706 ha. Do vậy, khi hạn hán xảy ra, hệ thống này đã không đáp ứng được nhu cầu nước tưới cho nông nghiệp.
Hạn hán kéo dài gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bà con Chăm ở các huyện Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Hải… của tỉnh Ninh Thuận. Đã có trên 50.000 người dân bị thiếu đói, thiếu nước uống. Hoa màu bị thiệt hại nặng nề, hơn 2.000 ha đất phải tạm ngừng sản xuất, hàng ngàn con gia súc bị chết do suy kiệt…
Ông Phan Quang Thựu – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Ninh Thuận là tỉnh thường xuyên phải đối mặt với hạn hán, đặc biệt là từ cuối năm 2014 đến năm 2016 hạn hán trên địa bàn tỉnh diễn ra hết sức khốc liệt và kéo dài. Riêng năm 2015, diện tích phải ngừng sản xuất ở tỉnh Ninh Thuận là trên 21 ngàn ha và diện tích bị thiệt hại do hạn hán là 2.079 ha, mất trắng khoảng 1.240 tỷ đồng”.
Huyện Thuận Nam có 138 ngàn con gia súc, nhưng do không có nước, khiến cho hơn 30% số đàn gia súc bị chết do thiếu nước và suy dinh dưỡng. Trong đó có hàng chục nghìn con cừu của bà con Chăm. Người chăn nuôi ở nhiều trang trại phải bán cừu với giá thấp hay thả hoang rồi vào TP HCM hay các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… kiếm việc làm. Số còn lại phải di dời đàn gia súc của mình đến các địa phương khác tìm kiếm nguồn nước và thức ăn để duy trì đàn.
Chúng tôi gặp chị Ninh Thị Mộng Thu đang canh gần 45 con cừu và hơn 20 con bò của gia đình tại cánh đồng xã Văn Lâm, huyện Thuận Nam. Chị cho biết: hạn hán khốc liệt năm 2016 là lần thứ hai trong đời chị được chứng kiến sau 12 năm. Hạn hán đã khiến nhiều nơi hoàn toàn không có nước. Đàn gia súc của gia đình chị suy yếu từng ngày do thiếu nước: “40 con cừu đây mà chăn còn khó, còn các hộ hơn 100 con chăm như thế nào? Lấy cái gì để ăn. Nắng hạn diễn ra chăn nuôi rất khó khăn mỗi khi lùa ra đồng. Đối với bò thì thiếu nước trầm trọng, bởi khu vực này rất là thiếu thốn. Mùa nắng là nước ở đây chuyển mặn, đàn bò không thích uống, tới đó ngửi rồi bỏ đi”.
Ở huyện Thuận Nam, hạn hán đã làm hàng ngàn hecta đất trồng lúa phải ngưng canh tác và hàng ngàn con bò, dê, cừu chết do thiếu nước.
Trước tình hình hạn hán xảy ra nghiêm trọng và kéo dài trên địa bàn, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phải ban hành Quyết định số 558/QĐ-UBND công bố thiên tai (hạn hán) xảy ra từ ngày 1/3/2016 tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.
Trong khi đó tại tỉnh Bình Thuận, trong 3 năm liền từ 2014 đến 2016, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng xuất hiện với cường độ ngày càng gay gắt, trong khi mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm nên lượng nước thiếu, dẫn đến hạn hán tại đây hết sức khốc liệt.
Hàng nghìn ha ở các huyện Đức Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Bắc Bình … phải bỏ hoang.. Vụ lúa Đông Xuân 2015 – 2016 toàn tỉnh Bình Thuận chỉ sản xuất được 18.748 ha, giảm 15.423 ha so với diện tích gieo trồng năm trước.
Và cực chẳng đã, chỉ sau 2 ngày, UBND tỉnh Ninh Thuận công bố thiên tai (hạn hán) xảy ra trên địa bàn, đến lượt tỉnh tỉnh Bình Thuận cũng buộc phải ban hành Quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 03/3/2016 công bố thiên tai (nắng hạn) vụ Đông Xuân 2015 – 2016, trong đó yêu cầu bà con không sản xuất lúa vụ 3 do thiếu nước trầm trọng. Nhớ lại vụ đông xuân 2014 -2015 khốc liệt nêu trên, ông Khê Thanh Mai – một nông dân người Chăm ở thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận cho biết: “Lúc đó nghe tỉnh thông báo nước năm nay không đủ để sản xuất vụ đông xuân nên bà con đừng xuống giống. Bà con mình nhớ tích trữ lúa gạo để ăn, khoảng 3 tháng sau là mình có nước để làm vụ hè thu sớm. Không được làm lúa đông xuân bà con ý kiến ghê lắm, cũng nhờ chính quyền cùng với chức sắc xuống tuyên truyền, vận động bà con mới nghe theo”.
Không chỉ cây trồng thiếu nước, ngay cả bà con nông dân, trong đó có bà con người Chăm ở hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cũng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, có lúc cao điểm, cả hệ thống chính trị và lực lượng quân đội cũng phải vào cuộc để ứng cứu nước sạch cho bà con.
Vốn là các vùng đất có dư địa nắng hạn mức độ cao, cả năm có tới 10 tháng nắng; lượng nước mưa hàng năm rất ít, đất đai chủ yếu là đất cát nên độ thấm nước rất lớn, lại do nền nhiệt cao nên độ bốc hơi cũng rất nhanh; nước tổn thất cho sản xuất và sinh hoạt hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vì thế nhiều hơn hẳn các vùng khác. Trong khi đó, hệ thống tưới tiêu, thủy lợi vùng Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận hàng chục năm sau giải phóng chưa được quan tâm đúng mức nên không đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân.