Theo lý giải của lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Thạnh Hóa (Long An), hầu hết “hàng rừng” ở “chợ động vật hoang dã lớn nhất miền Tây” đều được đem về từ Campuchia. Tuy nhiên, theo điều tra của chúng tôi, chim trời, rùa, rắn… vẫn được bắt ở thiên nhiên Việt Nam rất nhiều…
Trong vai người gom hàng để đem sang Trung Quốc, tại Vĩnh Long, An Giang, nhóm PV đã bắt mối được với nhiều người cung cấp cả tạ hàng mỗi ngày. Toàn bộ động vật ấy đều có được từ “bới đất lật cỏ” thiên nhiên vốn trù phú của miền Tây Nam Bộ để bán buôn giết thịt.
Chúng tôi thậm chí còn chứng kiến người ta treo biển ven quốc lộ “Thu mua rùa, rắn” rồi tìm cách hợp thức hóa chúng thành hàng có nguồn gốc “giấy tờ” từ trang trại để tuồn ra Bắc, đến các nhà hàng trong cả nước hoặc chủ yếu đem sang Trung Quốc.
Với sự buông lỏng quản lý này, chẳng mấy chốc, ruộng đồng, sông suối, núi rừng Việt Nam sẽ tiệt bóng các loài từng gắn bó với dân ta tự ngàn đời.
Cõng hàng tạ rắn “vượt biên trái phép” mỗi ngày
Có một điều chắc chắn: Hổ, vượn, khỉ, nhiều loài rắn, rùa “sách đỏ” không còn hoặc gần như không còn ở thiên nhiên miền Tây Nam Bộ nước ta. Nguồn cung cấp chính mà các đầu nậu tự tin rao bán với chúng tôi là Campuchia.
Từ chợ Thạnh Hóa, chúng tôi đi ngược về Đồng Tháp, sang huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) rồi về vùng biên giới với Campuchia. Đi đâu cũng gặp bạt ngàn rùa, rắn và nhiều loài hoang dã bị bán buôn giết thịt. Các chợ dọc từ Châu Đốc lên phía An Phú, Tịnh Biên, rất nhiều chợ cấp xã có cả một khu vực bán rùa, rắn các loại. Ngoài một lượng nhỏ vét nốt ở ngoài thiên nhiên đang cạn kiệt đến cay xót của miền Tây, hầu hết hàng tràn lậu qua biên giới về.
Theo chân H, một “trùm” đánh hàng rùa, rắn qua biên giới xã Khánh Bình (huyện An Phú, tỉnh An Giang), mới thấy các lỗ hổng quản lý khổng lồ.
Hai quốc gia với đường “phân thủy” cách nhau một con sông nhỏ. Hàng đánh bằng xe tải ra tận biên, “cửu” vác xuống thuyền, sang bên này, H và cánh hẩu cùng rầm rầm chở bằng xe máy vù vào nội địa. Một ngày, H sẵn sàng cung cấp cho chúng tôi 1 tạ rắn các loại, nhiều loài rắn quý và đắt. “Đấy là mùa này cạn, chứ mùa nước nổi thì bao nhiêu em cũng có”.
Qua nhiều mối quen biết, chúng tôi chia nhau vào vai lãnh đạo và nhân viên của “Công ty xuất khẩu nông sản Đại Minh”, xuất hàng ra biên giới Lạng Sơn rồi sang Trung Quốc, lập tức, H và các chủ vựa trong khu vực tiếp đón nồng hậu. Gặp ở các quán cà phê, chuyện thì rủ rỉ, nhưng không lúc nào thiếu các “nhân vật bí ẩn” nằm võng, ngồi tán gẫu rồi theo dõi chúng tôi 24/24.
H vốn làm nghề buôn gỗ từ Campuchia về, cùng với bố đẻ. Bây giờ hàng gỗ khó khăn. H đi tìm cách cung cấp khỉ, culi (địa phương gọi là con lười), rồi rùa, rắn cho các vựa ở nội địa. Gầy choắt, da sạm đen, tóc bù xù do cả ngày chạy xe máy không mũ mãng, H bảo, thỉnh thoảng “nhậu” với cán bộ hoặc “chi đẹp” vài ba triệu đồng thôi.
Khi thấy chúng tôi đòi nhập hàng của H số lượng nhiều, với chiếc xe tải to đùng. H tỏ ra rất hào hứng. H tiết lộ cách mà người Việt, rồi người Campuchia bắt động vật, nuôi nhốt rồi bán sang Việt Nam. Họ bán hàng tạ, hàng tấn, vì bên đó thiên nhiên còn màu mỡ.
Nhờ “quen thân” với các chủ vựa “đồ rừng”, chúng tôi được một dân buôn tay chơi giới thiệu với Tân Thị Thúy H, mới ngoài ba mươi tuổi, chủ một trang trại nuôi le le, rắn, rùa lớn nhất trong khu vực. Khi gọi điện lần đầu, H tỏ ra nghi ngờ, nói thẳng là “chúng tôi làm ăn quen mối, khép kín rồi, không biết các anh là ai”.
Theo “tin mật báo”, H là chủ vựa lớn, đánh hàng từ Campuchia về, rồi sẵn chiêu bài “trang trại” để hợp thức hóa hàng lậu, trước khi tuồn vào các nhà hàng hoặc xuất Trung Quốc.
Hôm chúng tôi đến, H đang đi spa ở TPHCM. Gần 3 ngày sau, H về và chấp nhận tiếp đón chúng tôi tại khu vực dường như vừa là nhà riêng vừa là trang trại. Có đến nhiều nghìn con le le được nuôi ở đây. Nhiều bể sâu nuôi vô số rùa. Rắn nhốt nhiều lồng lớn, từng bó rắn chết thối kinh hoàng, xú uế bủa vây không gian. Chiếc ôtô cáu cạnh đỗ trong sân, hai phom cổng sắt sơn xanh bề thế. Trang trại của H đối diện một nhà thờ sát biên giới Campuchia.
Sau khi đã kiểm tra đủ thông tin đầu mối, giá bán rắn, rùa; chủ làm ăn của chúng tôi tên gì ở Lạng Sơn; có biết “anh Sơn” đầu nậu lớn nhất ở đó không; tại sao quen “anh C” là người ở Khánh Bình để rồi có được số điện thoại của H? Tại sao lại đi hàng khu vực này mà không chọn khu vực khác?
Vượt qua đủ thứ “mật khẩu”, H có vẻ hài lòng với sự cầu thị của chúng tôi. Nhưng vẫn không quên thòng thêm một câu: “Em thấy anh lạ nên đề phòng, sợ nhà báo nó vô hỏi mua bán rồi nó ghi âm” (tố cáo).
Nhân viên của H đưa chúng tôi xem từng bể rùa. Con sống, con chết thối oẳng. Rau xanh, bắp cải, xu hào vứt xanh cả bể để cho rùa ăn. Anh này thẳng thắn: Rùa từ Campuchia về, đến biên giới, chúng tôi chạm tay vào hàng, thì nó thành hàng có giấy tờ và là của chúng tôi rồi.
H đưa chúng tôi xem cả tải mai rùa vàng phơi khô, dùng để nấu cao, một “nhân viên” của tôi hỏi: “Hàng này có giấy tờ không?”, lại thủng thẳng: “Hàng Miên (Campuchia), nhưng về đến trại này, thì nó là hàng của trang trại chúng tôi xuất bán mà” – H buột miệng.
Kiểm lâm đi “giao” những tờ “giấy phép hàng ảo”
Có cảm giác, suốt 10 năm qua, kể từ khi mở trang trại, H luôn coi trang trại là cái bình phong để đưa hàng nhập lậu hoặc bắt ngoài tự nhiên vào trở thành “hàng có giấy tờ” và buôn bán thả phanh! Chúng tôi bịa ra một cái “Công ty Đại Minh”, một cái tên người chắc chắn chưa có ở Việt Nam:Aanh “Lý A Bình, ở thị trấn Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn.
Cái tên không có thật, cái công ty càng không “ảo tung chảo”. Vậy mà, ngay lập tức Tân Thị Thúy H hứa sẽ cung cấp giấy tờ khống cho chúng tôi “chạy hàng” thu gom từ Campuchia về rồi chuyển ra Bắc, bán sang Trung Quốc.
H ngồi ghi chép rồi hôm sau bảo chúng tôi cứ ở khách sạn tại thành phố tỉnh lỵ Long Xuyên, sẽ có người gọi và mang giấy tờ ra. Kể cả chúng tôi tuồn 5 tấn rùa, rắn nhập lậu từ Campuchia về cũng được, cứ nhân tiền lên là có “giấy tờ” nguồn gốc và quyền vận chuyển xuyên Việt Nam: Cụ thể 20.000 đồng/kg hàng, bởi “chi phí xã hội” bây giờ nó cao! Giấy cho 1 tạ rắn, rùa thì 2 triệu, 1 tấn thì 20 triệu.
“Thừa ký lô nào là lỗi của anh nhé. Cẩn thận vận chuyển qua khu vực Thanh H, họ làm chặt lắm, dỡ hàng ra cân, thừa là họ sẽ tịch thu xử lý đấy. “Tụi em tự xuất giấy (giấy phép nguồn gốc và “quyền” vận chuyển) không à”, “nếu cần giấy thì em làm giấy rồi tính (thu) tiền giấy cho anh thôi” – H thổ lộ.
Điều hết sức bất ngờ là sáng hôm sau, người gọi điện cho chúng tôi để đưa giấy tờ lại là một cán bộ kiểm lâm đứng tuổi. Trước đó, chúng tôi đóng giả là người bán cóc, bán xoài ngồi ở cổng Chi cục, thì liên tục nhận được điện thoại và tin nhắn: Sếp đi họp bên Ủy ban, chưa về.
Đợi đến 11h trưa thì thấy nhiều người về và lần lượt ra cổng đi ăn trưa. Nghĩ là mình đã bị lừa, chúng tôi gọi ngược lại thì đầu bên kia nhấc máy hẹn ở bờ hồ có nhiều cây sao ở ven sông…
Anh ta đi xe máy đến. “Tôi tên T, là kiểm lâm”, H nó báo là đưa giấy, xuất hàng. Anh ta cằn nhằn sếp đi vắng, “Chi cục phó ký”, anh phải mượn chìa khóa lấy mộc (dấu) để tự đóng vào cho kịp ra đưa giấy phép vận chuyển động vật cho chúng tôi.
Về nhà xem lại video quay ở cổng Chi cục kiểm lâm, thì đúng là anh T đi từ đó ra gặp chúng tôi. Tờ giấy ghi rõ: “Tân Thị Thúy H, Trại nuôi sinh sản/ nuôi sinh trưởng/ trồng cấy nhân tạo động, thực vật hoang dã” có “Giấy đề nghị xác nhận nguồn gốc động vật”.
Rồi Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh An Giang – ông Trương Minh Hùng ký, đóng dấu đỏ, xác nhận 100kg rắn gáo trâu “ảo” của chúng tôi là: “Số động vật rừng nêu trên, có nguồn gốc gây nuôi tại cơ sở” của Tân Thị Thúy H ở xã Khánh Bình. Được phép vận chuyển đến cho Lý A Bình ở Lạng Sơn “bằng ôtô”.
Hàng ảo, người ảo, giấy phép thật. Với “lá bùa” đó, chúng tôi có thể nghênh ngang tuồn hàng nhập lậu từ Campuchia về và đem ra tận Lạng Sơn bán, bất chấp mọi hiểm họa.
Lúc ấy mới vỡ lẽ ra, H không có hàng bán, cán bộ kiểm lâm kia cũng không kiểm tra gì cả, cứ thế viết giấy và thu tiền. Trang trại là bình phong để H và nhiều người tuồn động vật từ tự nhiên hoặc thẩm lậu qua biên giới vào nội địa hoặc sang nước khác. Nó là một thứ siêu lợi nhuận cho chủ trang trại và nhiều cán bộ tha hóa. Cứ với giá 20.000 đồng/kg động vật được vận chuyển, thử hỏi một cái giấy “khống” chở 3 tấn rùa, rắn thì có giá 60.000.000 đồng (sáu mươi triệu đồng) ư?
Chúng tôi từng mở rộng điều tra ở Đồng Tháp, TPHCM, tình trạng “bán giấy” nguồn gốc, vận chuyển hàng hóa dưới chiêu bài trang trại cũng diễn ra tương tự. Nhiều trang trại liên tục xuất hàng chục tấn hàng động vật hoang dã nhưng khu chăn nuôi chỉ lác đác dăm bảy con rùa nằm chờ chết đói.
Cứ với tình trạng này, con buôn sẽ cạo trọc, vét nhẵn, tận diệt thiên nhiên môi trường Việt Nam và các nước bạn. Đấy là chưa kể, các thảm họa dịch bệnh, tham nhũng nhiều tầng cấp từ thị trường siêu lợi nhuận của “mặt hàng con” sẽ còn tác yêu tác quái đáng sợ hơn nữa…
(Còn nữa)