Là tỉnh có thế mạnh về rừng, đất lâm nghiệp, có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp phát triển các loài cây dược liệu, Kon Tum đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia.
Vùng trồng cây dược liệu của Kon Tum tập trung chủ yếu tại huyện Kon Plông, Đắk Glei, Tu Mơ Rông, là 3 huyện có khí hậu mát mẻ quanh năm, có độ che phủ rừng cao nên thuận lợi cho việc phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên đến nay tại đây mới có hơn 515 ha trồng cây dược liệu, chủ yếu là sâm Ngọc Linh (trên 300 ha), còn lại là sâm đương quy và hồng đẳng sâm.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum thì việc đầu tư phát triển, chế biến và sử dụng cây dược liệu còn mang tính tự phát, manh mún, chưa trở thành sản xuất hàng hóa. Tình hình khai thác, buôn bán dược liệu tự nhiên chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến một số dược liệu quý hiếm có nguy cơ cạn kiệt. Tỉnh cũng chưa có chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành dược liệu; chưa có sự liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu…
Từ thực tế đó, tỉnh Kon Tum đặt ra mục tiêu quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trồng và tự nhiên, trong đó chú trọng bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý hiếm, phục vụ cho mục tiêu phát triển y tế và kinh tế; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu… Phấn đấu đến năm 2030, Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Kon Tum đã xây dựng nhiều giải pháp nhằm tập trung phát triển lĩnh vực thế mạnh này.
Trước hết, vấn đề quy hoạch, bảo tồn, đầu tư và phát triển các vùng trồng dược liệu tập trung được chú ý đặc biệt. Trong đó, tỉnh sẽ lập và triển khai quy hoạch phát triển từng loài dược liệu phù hợp, nhất là tại các huyện trọng điểm nói trên.
Bên cạnh đó, Kon Tum sẽ đầu tư vùng trồng dược liệu tập trung đối với 10 loài cây dược liệu quý, có thế mạnh gồm sâm ngọc Linh, đẳng sâm, đương quy, ngũ vị tử, lan kim tuyến, nghệ vàng, đinh lăng, sa nhân tím, ý dĩ, nấm dược liệu. Đây là những loài dược liệu có sức tiêu thụ lớn trên thị trường (nhất là sâm ngọc Linh, đẳng sâm, đương quy, nghệ vàng).
Việc đầu tư phát triển mạnh các cơ sở bảo tồn và sản xuất giống dược liệu bảo đảm nguồn gốc, có chất lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhất là giống sâm Ngọc Linh được chú ý.
Trước mắt, từ nay đến năm 2020, tỉnh hình thành cơ sở sản xuất giống dược liệu tại huyện Kon Plông; phát triển 2 vườn ươm giống sâm Ngọc Linh. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ cung ứng 50% và đến năm 2030 đạt 100% nhu cầu giống các loại dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Việc cấp giấy chứng nhận nguồn giống, giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ đối với cây thuốc địa phương quý hiếm sẽ được thực hiện.
Trong quá trình phát triển cây dược liệu, tỉnh sẽ tiến hành xây dựng chuỗi liên kết từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến, phân phối dược liệu, đồng thời hỗ trợ giống một số loài dược liệu có thế mạnh cho tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm hộ để liên kết trồng và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Đồng thời, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ đầu tư hợp lý, phấn đấu đến năm 2030, huy động nguồn lực đầu tư để hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và hình thành các khu vực sơ chế, sản xuất, chế biến dược liệu theo quy hoạch.
Ngoài nguồn lực địa phương, tỉnh sẽ có biện pháp thu hút đầu tư để xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến… nhằm tiêu thụ hết sản lượng nguyên liệu dược liệu trên địa bàn.