Một cuộc nghiên cứu toàn diện về ô nhiễm không khí toàn cầu chỉ ra rằng, hơn 95% dân số thế giới đang hít thở không khí không an toàn.
Theo The Guardian, các thành phố tập trung nhiều người dân sinh sống và làm việc là nơi có bầu khí quyển ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là những thành phố ở các nước đang phát triển. Ở khu vực ngoại ô và nông thôn, nguy cơ ô nhiễm không khí trong nhà lại xuất phát từ hành động đốt nhiên liệu.
Báo cáo từ Viện nghiên cứu Tác động sức khỏe, không khí ô nhiễm là tác nhân gây ra khoảng 6,1 triệu cái chết trên toàn cầu trong năm 2016, trong đó có nhiều trường hợp chết trẻ với các căn bệnh như đột quỵ, đau tim, ung thư phổi và bệnh viêm phổi mãn tính. Ô nhiễm không khí được cho là tác nhân nguy hiểm thứ 4 gây tử vong trong các nguy cơ về sức khỏe trên toàn cầu, sau huyết áp cao, chế độ ăn uống không lành mạnh và khói thuốc lá.
CNN dẫn lời ông Bob O’Keefe, Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu Tác động sức khỏe, cho biết, các xu hướng trong báo cáo cho thấy những tiến bộ thực sự ở một số nước trên thế giới song vẫn còn nhiều thách thức đặt ra. Theo đó, Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia chịu trách nhiệm tới 50% ca tử vong liên quan đến ô nhiễm trên toàn cầu. Năm 2016, có tới 1 triệu người Ấn Độ chết trẻ vì các bệnh hô hấp. Trong khi Trung Quốc phần nào thành công trong nỗ lực hạn chế ô nhiễm không khí, tình trạng này tại Pakistan, Bangladesh và Ấn Độ lại gia tăng chóng mặt từ năm 2010.
Báo cáo cũng chỉ ra ô nhiêm không khí xuất phát từ việc đốt nhiên liệu cứng trong nhà như củi để nấu ăn và sưởi ấm. Năm 2016, khảo sát trên 2,5 tỷ người cho thấy, cứ 3 người thì có 1 đã hít thở không khí ô nhiễm từ nhiên liệu cứng như gỗ và than.
Năm 2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra số liệu, khu vực Đông Nam Á và bờ tây Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia… là những quốc gia bị ô nhiễm nặng nhất.