Nguyên nhân gây nhiễm mặn đất và nguồn nước ở khu vực xung quanh bãi xỉ hoàn toàn không có nguồn gốc nào từ tự nhiên mà chủ yếu là do tác động của con người.
Ngày 17-4, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND huyện Bình Thuận, đã có văn bản đồng ý với đề xuất của UBND huyện Tuy Phong, đồng ý chi hỗ trợ gạo cho 13 hộ dân ở thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng.
Cụ thể, 57 khẩu của 13 hộ dân trên sẽ nhận mỗi người 15 kg gạo/tháng trong vòng tám tháng và kinh phí do Tổng Công ty Phát điện 3 hỗ trợ toàn bộ.
Trước đó vào tháng 1-2018, UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định phê duyệt dự toán kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại cho 13 hộ dân tại thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.
Cụ thể, quyết định này phê duyệt dự toán hơn 120 triệu đồng trong đó hỗ trợ về cây trồng gồm ngô, rau màu hơn 14 ha và cây trôm hơn 3 ha bị thiệt hại 70% tổng số tiền hơn 40 triệu đồng. 57 nhân khẩu của 13 hộ dân nói trên cũng được hỗ trợ gạo trong ba tháng hơn 38 triệu đồng và được hỗ trợ nước sinh hoạt trong 330 ngày hơn 45 triệu đồng.
Theo quyết định trên, nguồn kinh phí hỗ trợ do Tổng Công ty Phát điện 3 chi trả cho 13 hộ dân để khắc phục thiệt hại do ngập lụt, nhiễm mặn xảy ra.
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, tháng 2-2017, một số hộ dân sinh sống tại khu vực sân xe chùa Linh Sơn Tự, phía Tây Nam bãi thải xỉ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân có phản ánh về tình trạng cây trồng lâu năm và hoa màu bị chết, nước giếng nhiễm mặn làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Để xác định nguyên nhân dẫn đến ngập úng, cây chết, nước bị nhiễm mặn, UBND tỉnh Bình Thuận đã chọn đơn vị độc lập là Viện Môi trường và Tài nguyên (MT&TN) ĐH Quốc gia TP.HCM xác định nguyên nhân.
Kết quả khảo sát thực tế kết hợp phân tích bản đồ địa hình đã xác định được khu vực bị ngập úng cục bộ với diện tích khoảng 13,2 ha. Trong khu vực này, nước thường tồn đọng lại thành từng cụm nhỏ trên bề mặt, mực nước trong các giếng đào đã dâng lên xấp xỉ gần bằng với mặt đất tự nhiên và phần lớn diện tích cây trôm bị thiệt hại đều nằm trong vùng này.
Trong đó đáng chú ý là sự hình thành bãi thải xỉ làm thay đổi địa hình tự nhiên, thay đổi chế độ dòng chảy bề mặt và dòng chảy ngầm ngang qua khu bãi xỉ, dẫn đến sự dồn đọng nước tập trung về khu vực trũng thấp phía Tây bãi xỉ và gây ra ngập úng.
Đặc biệt, về nguyên nhân gây nhiễm mặn đất và nguồn nước ở khu vực xung quanh bãi xỉ hoàn toàn không có nguồn gốc nào từ tự nhiên mà chủ yếu là do tác động của con người.
Qua các kết quả khảo sát và nghiên cứu, Viện MT&TN đã kết luận: Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cây trôm bị chết là do bị ngập úng (dấu hiệu phổ biến là rễ cây bị hư thối), không phải do bị nhiễm mặn.
Từ kết quả công bố này, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và đề nghị Tổng Công ty Phát điện 3 thực hiện các giải pháp để hạn chế tình trạng ngập úng, ngăn ngừa việc nhiễm mặn nước dưới đất, nước mặt trong khu vực; triển khai thực hiện kiểm kê, xác định mức độ thiệt hại của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng và đề xuất biện pháp hỗ trợ để sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân tại khu vực.