Trong hơn ba tháng qua, nắng nóng kéo dài tại Ninh Thuận đã dẫn đến khô hạn, thiếu nước tưới, tác động đến sản xuất nông nghiệp của nhiều vùng trên địa bàn tỉnh. Ninh Thuận là địa phương có hệ thống công trình thủy lợi tương đối nhiều, với 21 hồ chứa nước lớn nhỏ, tổng dung tích chứa hơn 194 triệu mét khối. Tuy nhiên, hiện có 9 hồ chứa đang thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng. Thực trạng này đã buộc người dân phải cắt giảm hàng trăm héc-ta diện tích đất sản xuất, nhiều nhất là tại các huyện Thuận Nam, Ninh Hải và Bác Ái để tránh thiệt hại. Cụ thể, tại địa bàn xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, gần 150 ha đất đã phải ngưng sản suất, các hoạt động chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng và đã có thiệt hại bước đầu do gia súc thiếu thức ăn, nước uống. Còn tại huyện miền núi Bác Ái, từ đầu năm đến nay, khô hạn đã làm nhiều vùng chăn nuôi ở vào tình trạng đồng khô, cỏ cháy. Nhiều hồ chứa trên địa bàn huyện đã bắt đầu cạn kiệt nguồn nước. Vì thiếu thức ăn, nước uống, nhiều trang trại chăn nuôi đã lâm vào cảnh khốn khó, dê cừu suy kiệt và chết.
Hiện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã chủ động thực hiện phương án sản xuất vụ hè thu và vụ mùa tới. Theo đó, ngoài một số diện tích phải ngưng sản xuất do hồ chứa cạn, toàn tỉnh phấn đấu thực hiện chuyển đổi gần 900 ha đất trồng lúa sang trồng cây trồng cạn, trồng hoa màu để tiết kiệm nước tưới.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích sản xuất lúa, kể cả hoa màu để phù hợp với điều kiện thiếu hụt nước hiện nay. Nhưng đối với bà con nông dân, nếu thu hẹp sản xuất cũng đồng nghĩa với giảm nguồn thu nhập. Vì vậy, bà con mong muốn các cơ quan chức năng có giải pháp tăng cường đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống và công nghệ, thiết bị phù hợp, nhất là công nghệ tưới tiết kiệm nước để đưa vào sản xuất, nhằm khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới đã diễn ra nhiều năm nay. Ðồng thời, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo hạn; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn để điều chỉnh hợp lý kế hoạch cấp nước; bảo đảm cung cấp nước theo thứ tự ưu tiên khi xảy ra thiếu hụt nguồn nước.