Nhiều ngôi làng ở miền Trung đang chìm dần. Bài 2: “Chìa khóa” chống sạt lở

Những triền đê chắn sóng tiền tỷ bị công phá trơ xương; những rọ đá xếp bị sóng đánh sạt; những hòn đá hộc bị cuốn văng xa hàng chục mét; những ngôi làng trù phú bị triều cường nhấn chìm xuống lòng biển sâu…

Người dân và bộ đội biên phòng Thừa Thiên- Huế trồng ngập mặn nơi bờ biển sạt lở

Cuộc “đuổi bắt” bên biển lở trở nên dai dẳng khi phương án làm đê mới không khả thi, ngành chức năng và người dân các tỉnh miền Trung nhận ra rằng, việc chống lở tốt nhất là phải giữ được những cánh rừng ven biển…

Trồng rừng nơi biển lở

Sau trận “lũ chồng” cuối năm 2017, người dân xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế) yên tâm vì hệ thống đê bao, ao hồ nuôi trồng thủy sản không bị sạt lở, hư hỏng như mấy mùa lũ trước. Đặc biệt, người dân đã thay đổi nhận thức trong việc bảo vệ và chăm sóc rừng ngập mặn. Họ không còn tư tưởng “quai đê lấn biển”, phá rừng nuôi tôm tự phát như cách làm cũ nữa.
Ông Đặng Hoàng, một trong những hộ nuôi tôm ở Quảng Lợi tham gia vào dự án trồng rừng ngập mặn trên phá Tam Giang không giấu nổi niềm vui khi mấy ao, hồ nuôi tôm của gia đình vẫn còn nguyên vẹn sau lũ lớn. Trong khi nhiều năm trước, cứ sau lũ là đê bao hư hỏng, phải chi phí khá lớn để khôi phục.

“Tất cả đều nhờ hệ thống vành đai rừng ngập mặn ven phá Tam Giang được phục hồi, trồng lại cách đây 2 năm. Đến nay, rừng lên cao, phát triển rất nhanh, phát huy tác dụng rồi. Rừng ngập mặn giúp cải tạo hệ thống đáy ở các lạch, hói, môi trường lòng đất, giúp cá, tôm và các loài thủy sản sinh sôi nảy nở, hạn chế dịch bệnh… vì vậy, cá tôm ngày càng nhiều trở lại, ông Hoàng phấn khởi cho biết.

Chiếc xuồng đuôi tôm chở chúng tôi rẽ sóng phá Tam Giang, luồn lách qua từng dãy nò sáo, trộ chuôm, rồi chạy dọc các bãi rừng ngập mặn rộng lớn được trồng mới từ dự án “Đầu tư phát triển rừng vùng đầm phá ven biển”. Ấn tượng là những giống cây đước, bần, vẹt, trang… được trồng mới tại rừng ngập mặn đều sống rất khỏe, rắn chắc, sinh trưởng đạt khoảng 80%.

Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế thông tin, mô hình trồng rừng ngập mặn tại địa phương manh nha từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng phải đến năm 2010, việc hồi sinh những khu rừng ngập mặn ở vùng cửa sông, ven biển, đầm phá của tỉnh mới gặt hái thành công.

“Với mật độ trồng 1.650 cây/ha, nếu quy đổi ra diện tích rừng tập trung thì được khoảng 45ha rừng ngập mặn. Ngoài hiệu ứng mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học; vành đai rừng ngập mặn còn là những “bức bình phong” vững chắc trước sóng gió, bão tố; giúp người dân chống chọi với thiên tai, biến đổi khí hậu và hơn thế là sinh kế…”, ông Dũng khẳng định.

Trong “sách đen” sạt lở biển ở Hà Tĩnh, mấy năm trở lại đây, người ta không còn nhắc đến 2 cái tên Lộc Thịnh, Xuân Hội (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Bởi, từ rất sớm dân làng nơi đây đã ý thức được sức tàn phá của triều cường, sóng biển. Cộng đồng này đã đứng ra tự bảo vệ, phục dựng thậm chí lập “lời thề” để bảo vệ dãy rừng phi lao phòng hộ gân guốc bên biển lở. Tận mắt chứng kiến những dãy rừng phi lao sừng sững của dân làng Lộc Thịnh, ai ai cũng cảm nhận rằng, chẳng sóng gió nào có thể khuất phục nổi. Với cuộc chiến nơi biển lở, rừng phi lao ấy như những tấm khiên chắc chắn bảo vệ cho cuộc sống hàng ngàn hộ dân làng. Không những vậy, rừng phi lao còn tạo cảnh quan môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, hạn chế tác động biến đổi khí hậu.

“Trước đây, khi chưa có rừng phi lao phòng hộ, bao nhiêu đất đai, ruộng vườn bị sóng biển gây xói lở, cuốn trôi hết, đặc biệt năm nào cũng phải di dời hàng chục nhà dân đến địa điểm an toàn. Giờ thì dân làng không phải chạy trốn nữa”, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc Nguyễn Công Trình vui mừng nói.

“Đạo luật” trong những khu rừng

Một lần trò chuyện ngắn với PGS-TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, mới thấy được rằng, ngay trong những khu rừng ngập mặn điển hình như ở Huế, Sóc Trăng, Vườn quốc gia Xuân Thủy… người ta đã xây dựng được 1 “đạo luật”!

Theo ông An, ngoài biến đổi khí hậu, các hoạt động xây dựng, khai thác của con người thiếu thân thiện với môi trường, như làm thủy điện, đắp ngăn xây đập, phá rừng; đặc biệt nhất là nạn đào cát ở cửa sông, cửa biển đi bán nơi khác khiến cho việc sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng hơn.

“Việc ứng phó với sạt lở biển ở nước ta là bài toán nan giải, cần phương án lâu dài do bờ biển ta quá dài, đến 3.400km. Khoa học đã chứng minh rằng, nếu có rừng ngập mặn tiến ra phía biển 100m thì sóng sẽ hạ 50% khi vào tới bờ, những con đê biển chắn sóng được vững vàng hơn do giảm áp lực của nước; cân bằng được môi trường sinh thái. Viện Hải dương học đưa ra đánh giá, rừng ngập mặn là hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học và năng suất cao ở vùng nhiệt đới. Rừng ngập mặn không những cung cấp cho nhân dân trong vùng các loại lâm sản như gỗ, củi, thức ăn, thuốc chữa bệnh… mà còn là nơi cư trú, sinh sản và kiếm ăn của nhiều loài thủy sản có giá trị, các loài chim nước, chim di cư và một số động vật sống trên cạn. Rừng ngập mặn còn có những chức năng to lớn trong việc bảo vệ đường bờ của sông, biển khỏi xói lở, bảo vệ đê điều, ruộng vườn, nhà cửa, làng mạc và điều hòa khí hậu cho khu vực. Nhưng việc tạo dựng được vành đai rừng ngập mặn theo mô hình cộng sinh “rừng cây + sinh thái + con người” lại là bài toán “dài hơi”.

Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng, không như nhiều vùng đất ở miền Tây Nam bộ, Thừa Thiên – Huế và các tỉnh ven biển miền Trung không có những bãi triều rộng nên việc trồng rừng ngập mặn chưa được “sướng”! Đất trồng manh mún, mỗi xã chỉ trồng được vài hécta. Hơn nữa trồng rừng ngập mặn là hoạt động còn khá mới, nhiều đơn vị chưa có kinh nghiệm nên khi triển khai dự án “Đầu tư phát triển rừng vùng đầm phá ven biển tỉnh Thừa Thiên – Huế” giai đoạn 2015 – 2020, chủ đầu tư là Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế xem như “ôm trọn” từ khâu sản xuất, chuẩn bị cây giống, thiết kế cho đến tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát…

Đặc biệt, do nước ngập thường xuyên, độ mặn thay đổi rất lớn, diện tích phân tán nên quá trình triển khai dự án phải dùng nhiều giải pháp kỹ thuật. Trong khi đó, sau nhiều năm theo dõi quá trình phục hồi các diện tích rừng ngập mặn ven đầm Thị Nại (Bình Định) để ứng phó với sạt lở bờ biển tại địa phương này với tỷ lệ đạt 80% cây trồng mới sinh trưởng tốt, Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội Hoa Kỳ (ISET) đã đưa ra kết luận cuối cùng, quản lý rừng ngập mặn đòi hỏi cam kết của cộng đồng địa phương cũng như cam kết của những người quản lý rừng về việc chia sẻ quyền lợi trong dài hạn. Khi cộng đồng nhận ra được giá trị dài hạn của các khu rừng ngập mặn, họ cần chia sẻ những lợi ích đó và tiếp tục một thỏa thuận đồng quản lý dài hạn.

Báo động rừng ngập mặn suy giảm nghiêm trọng

Theo kết quả khảo sát của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế từ năm 1961 đến nay, được Viện Hải dương học công bố: Thành phần loài cây ở các khu rừng ngập mặn ven biển từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận khá đa dạng với 40 loài cây được xác định. Trong đó có 26 loài cây ngập mặn thực sự và 14 loài cây tham gia rừng ngập mặn. Các loài cây ngập mặn phổ biến ở vùng Nam Trung bộ gồm: đước đôi, đưng, vẹt dù, mắm trắng, mắm biển, bần trắng, giá, dừa nước…; đặc biệt có loài cóc đỏ quý hiếm ở Khánh Hòa, có tên trong sách để bảo tồn. Hiện các khu rừng ngập mặn ở Nam Trung bộ đều suy giảm đáng báo động, điển hình tại Khánh Hòa, Đà Nẵng, Ninh Thuận; nhiều khu rừng đã bị “xóa sổ” hoàn toàn. Nguyên nhân suy giảm do con người phá rừng ngập mặn để phát triển khu dân cư, cơ sở hạ tầng, xây dựng ao, đìa nuôi trồng thủy sản, thiếu sự quản lý…

Nguồn: