Ngay sau tuyên bố xem xét việc tái gia nhập đàm phán TPP của Tổng thống Donald Trump, các nước thành viên CPTPP rất hoan nghênh đề nghị của Hoa Kỳ, nhưng rất khó để có thể tái đàm phán.
Trước thông tin, ngày 13/4, trong cuộc họp với các thượng nghị sĩ và thống đốc bang, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bất ngờ tuyên bố ông đang xem xét việc tái gia nhập đàm phán TPP, nhiều nước thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã bày tỏ thái độ của mình.
Ngày 15/4, Australia cho biết các nước thành viên của CPTPP không nhận thấy sự “hấp dẫn” nào trong việc đàm phán lại hiệp định này nhằm đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo nhấn mạnh, không thể đàm phán lại toàn bộ để đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ vào thời điểm này, tuy nhiên cũng không có nghĩa là các thành viên hiện nay của CPTPP không chào đón sự quay trở lại của Hoa Kỳ.
Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất trong 11 nước, dù hoan nghênh thiện chí của ông Donald Trump, nhưng họ cũng cho biết không hào hứng với việc trở lại đàm phán.
“Thỏa thuận hiện tại rất cân bằng, nhưng cũng như tác phẩm nghệ thuật bằng kính vậy, cực kỳ khó tái đàm phán hay thay đổi dù chỉ một phần”, báo New York Times dẫn lời Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật – Toshimitsu Motegi.
Trong khi đó Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Mustafa Mohamed của Malaysia có cùng quan điểm, khi cho rằng tái đàm phán sẽ “ảnh hưởng đến cân bằng lợi ích của các bên”.
Lý giải về hành động bất ngờ muốn quay lại hiệp định của Tổng thống Hoa Kỳ, Phó phát ngôn Nhà Trắng Lindsay Walters cho biết: “Năm ngoái, Tổng thống giữ lời hứa khi rút khỏi một hiệp định không công bằng đối với nông dân và công nhân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định Hoa Kỳ luôn sẵn sàng ký kết những hiệp định có điều khoản tốt hơn”.
TPP từng bao gồm 12 nước tham gia đàm phán gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Hoa Kỳ. Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, 11 nước còn lại vẫn cố gắng tiếp tục thỏa thuận này và đổi tên thỏa thuận thành CPTPP, được chính thức ký kết tại Chile ngày 8/3 vừa qua. |