“Cát tặc” tổng tấn công sông Hàm Luông

Ước tính khúc sông dài khoảng 2 km này bị “rút ruột” khoảng 30.000 m3 cát/ngày đêm.

Sông Hàm Luông đoạn qua xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre hằng ngày phải “oằn mình” chống chọi với “cát tặc” hoành hành. Tình trạng này đã xảy ra từ nhiều năm nay, tuy nhiên chính quyền và ngành chức năng sở tại chưa thật sự quyết liệt vào cuộc. Trong khi đó, người dân vô cùng bức xúc vì tình trạng sạt lở do khai thác cát lậu gia tăng, ảnh hưởng trầm trọng đến đất sản xuất, canh tác của họ.

Ban ngày rần rần hút trộm cát

Nhiều người dân ở xã Thanh Tân liên tục phản ánh tình trạng “cát tặc” hoạt động rầm rộ trên khúc sông Hàm Luông qua địa bàn xã, nhiều nhất là đoạn thuộc ấp Thanh Xuân 1. Theo người dân, mỗi ngày đêm trên khúc sông dài gần 2 km này thường xuyên có hàng chục tàu gỗ, tàu sắt và sà lan tải trọng 40-200 tấn hút cát. Thậm chí ban đêm, “cát tặc” còn tiến sát vào bờ dọc theo hàng bần ven sông để hút trộm cát.

Ghi nhận của PV tại khúc sông trên vào trưa 13-4, dù trời nắng gay gắt nhưng có ba tàu sắt tải trọng 60-80 tấn đang thả vòi xuống sông, nổ máy “phình phịch” để bơm cát từ lòng sông Hàm Luông lên tàu. Tầm khoảng 30-45 phút nổ máy, cát được hút đầy, “cát tặc” rút vòi cho tàu chạy đi. Chiếc này vừa đi khỏi thì chiếc khác tiến vào tiếp tục hút cát. Hoạt động khai thác cát trái phép nơi đây diễn ra công khai, thậm chí tấp nập đã nhiều năm nay.

Đứng trên bờ tận mắt chứng kiến “cát tặc” lộng hành, dù rất bức xúc nhưng người dân đành bất lực. Ông Nguyễn Văn Trắng, ngụ ấp Thanh Xuân 1, cho biết: “Cả tháng nay các sà lan, tàu hút cát hoạt động thường xuyên, ầm ĩ trên khúc sông này bất chấp ngày đêm. Đất vườn nhà tôi bị sạt lở nghiêm trọng. Đã rất nhiều lần tôi ra sông xua đuổi nhưng chúng vẫn không đi”. Do sạt lở ngày càng lấn sâu, ông Trắng đã bỏ ra gần 5 triệu đồng mua hàng rào lưới B40 rào xung quanh bãi lở để giữ đất tạm thời nhưng không mấy hiệu quả.

Ban ngày “cát tặc” vẫn ngang nhiên hút trộm cát trên sông Hàm Luông. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Ông Trắng cũng chia sẻ: Với số lượng tàu cát hoạt động rầm rộ như hiện nay, ước tính khúc sông này bị “rút ruột” khoảng 30.000 m3 cát/ngày đêm. Thực trạng khai thác cát trái phép ồ ạt nhiều năm nay đã và đang gây ra nhiều hệ lụy. Đó là dòng chảy bị thay đổi khiến bờ sông Hàm Luông đang bị bào mòn dần. Và thực tế ven khúc sông này có những chỗ sạt lở đã ăn sâu vào trong gần 20 m.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về tăng cường quản lý cát, sỏi. Thông báo nêu rõ: Do số lượng và trữ lượng các mỏ cát dần cạn kiệt, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với công tác quản lý khai thác, sử dụng cát và tài nguyên, chưa có biện pháp ngăn chặn đầu cơ, tích trữ cát xây dựng trái phép…

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 325/TB-VPCP ngày 25-7-2017 về nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi; chống việc đầu cơ, tích trữ để tăng giá.

Chính quyền than khó

Trước nạn “cát tặc” ngày đêm ngang nhiên hoành hành, người dân xã Thanh Tân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương có giải pháp mạnh để xử lý triệt để. Nhưng chính quyền và ngành chức năng cũng “lực bất tòng tâm”.

Ông Nguyễn Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân, thừa nhận tình trạng khai thác cát trái phép trên khúc sông Hàm Luông thuộc địa bàn xã này đang rất phức tạp. Tuy nhiên, lực lượng của địa phương không đủ để túc trực và truy bắt thường xuyên. “Tình trạng “cát tặc” rầm rộ trên khúc sông này diễn ra từ khi mỏ cát gần khu vực này bắt đầu được gia hạn thêm. Nhằm đối phó với lực lượng chức năng, các tàu cát vào mỏ mua phiếu hút cát đàng hoàng nhưng lại ra ngoài mỏ để trộm cát” – ông Vĩnh nói.

Ông Vĩnh cũng cho biết nhiều năm nay lực lượng công an xã phối hợp cùng Công an huyện Mỏ Cày Bắc thường xuyên tuần tra trên khúc sông này. Lực lượng đã phát hiện, bắt quả tang và xử phạt rất nhiều tàu hút cát trái phép.

Ông Nguyễn Văn Chinh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bến Tre, cho biết toàn tỉnh hiện chỉ còn hai mỏ cát được cấp phép hoạt động là mỏ Phụng Châu (sông Cổ Chiên, huyện Chợ Lách) và mỏ An Hiệp (sông Hàm Luông, huyện Châu Thành). Việc khai thác cát ngoài hai mỏ này đều là trái phép. Ông Chinh cũng cho biết hiện nay pháp luật quy định về mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực khai thác cát trái phép chưa cao, chưa mạnh nên chưa đủ sức răn đe. “Do nguồn cát hiện rất khan hiếm, những người khai thác cát dùng mọi phương thức nắm thông tin từ lực lượng chức năng để lén lút trộm cát nên việc đấu tranh với “cát tặc” hiện nay đang còn là bài toán khó” – ông Chinh nói.

“Thời gian tới, ngành TN&MT tỉnh sẽ tăng cường siết chặt công tác quản lý. Trong đó, hiệu quả nhất chủ yếu là củng cố và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp cơ sở và phát huy vai trò của người dân cùng với chính quyền tham gia bảo vệ, chống “cát tặc”” – ông Chinh nêu ý kiến.

Xử lý “cát tặc” sông Cổ Chiên

Trước đó Pháp Luật TP.HCM cũng đã đưa tin nạn “cát tặc” lộng hành tại khu vực tuyến sông Cổ Chiên, đoạn thuộc hai ấp Phú Hòa và Hòa Thuận, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre. Tình trạng khai thác cát trái phép tại đây diễn ra cả ngày lẫn đêm, gây sạt lở đê bao nghiêm trọng. Vì quá bức xúc “cát tặc” lộng hành, người dân buộc phải ra sông xua đuổi nhưng lại bị nhóm người trên tàu cát dùng ná thun bắn đá vào khiến hai người bị thương. Người dân nhiều lần tập trung ra mé sông xua đuổi nhưng bị “cát tặc” ném đá và giơ mã tấu lên dọa chém.

Do khai thác cát trái phép ồ ạt diễn ra ngày đêm, tại khúc sông này đã bị sạt lở nghiêm trọng đê bao. Sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh,cuối tháng 3-2018, UBND tỉnh Bến Tre có văn bản chỉ đạo Sở TN&MT tỉnh phối hợp với công an tỉnh và UBND huyện Chợ Lách tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép như báo đã nêu. Trường hợp phát hiện, yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Kiểm điểm chủ tịch xã nếu xảy ra trộm cát

Trước thực trạng “cát tặc” hoành hành ở nhiều tuyến sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre như hiện nay, mới đây ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đã ký công văn chỉ đạo chủ tịch UBND các huyện phải chịu trách nhiệm quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn; kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định. Đặc biệt, địa phương nào buông lỏng, thiếu trách nhiệm để xảy ra tình hình khai thác cát trái phép “nóng” trên địa bàn thì chủ tịch UBND xã sẽ bị kiểm điểm trách nhiệm. Đồng thời UBND tỉnh còn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; nắm bắt thông tin hỗ trợ các địa phương trong công tác kiểm tra xử lý “cát tặc”.

 

Nguồn: