Ông Nguyễn Hữu Ánh (khóm 1, P.Tân Thành, TP.Cà Mau) ngắm đi ngắm lại tấm ảnh chụp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng ông bằng khen nhân dịp nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017” vào ngày 20.10.2017, mà nước mắt chảy dài. “Người ta lấy hết đất rồi còn đâu nữa mà sản xuất, mà làm giàu…”.
Tơi bời làng cá
Ông Bảy Ánh gắn với làng cá Tân Thành từ hồi trai trẻ. Năm nay ông đã gần 70 tuổi. Thuở trước, Tân Thành là vùng đất nắng không ưa mưa không thích. Cây lúa trầy trật chen với cỏ năng yếu đuối vươn lên. Quyết tâm bám đất, bám làng để sống, năm 1990, ông cùng một số người dân trong xã Tân Thành (nay là phường Tân Thành) lặn lội đi học nghề nuôi cá.
Đất không phụ lòng người. Con cá bống tượng, rồi cá chình đã thật sự làm thay đổi cuộc sống của người dân một vùng quê một thời gian khó. Tân Thành được biết đến là một làng cá nức tiếng cả nước. Người ta ví von, con cá bống tượng, cá chình đã “cho đời lên hương”, tạo thành làng tỉ phú Tân Thành. Nơi đây là một trong số rất ít vùng đất ở Cà Mau được công nhận CLB 200 triệu/ha/năm.
Ông Bảy cầm tờ chiết tính bồi hoàn với giá 1,8 tỉ đồng, ngậm ngùi “10 năm nay, không năm nào tôi lãi 1 tỉ đồng/năm cả, mà dự án bồi thường cho tôi tổng cộng có 1,8 tỉ đồng. Nhận tiền rồi, không còn đất chọi chim không biết lấy gì để sống”.
Ông Hứa Văn Giáo (khóm 1, phường Tân Thành) có 4ha nuôi cá bống tượng, cá chình là một trong những người nuôi cá bống tượng đầu tiên của Tân Thành khẳng định “Năm nào tôi thu hoạch dưới 700 triệu đồng coi như thất mùa”. Người có ít đất, chỉ có vài ao với diện tích 1.000m2 cũng có thu nhập ổn định mỗi năm 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Chí Hiền có 4.000m2 nuôi cá khẳng định “Không năm nào tôi thu nhập dưới 300 triệu đồng từ con cá bống tượng, cá chình”. Ông cam đoan “Nếu thu nhập dưới con số này, các anh cứ lấy đất của tôi, tôi cho không”.
Bà Huỳnh Thị Chừ, 78 tuổi, ngậm ngùi: “Tôi có gần 8.000m2 đất nuôi cá, mỗi năm thu trên 200 triệu đồng vậy mà người ta đã thu hồi của tôi. Tôi già chừng này rồi mai mốt biết làm gì sống bây giờ”.
Ông Bảy Ánh kể “Hôm ra Hà Nội dự lễ tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao bằng khen, chúc mừng tôi. Thủ tướng dặn về quê cố gắng làm ăn, phấn đấu hơn nữa để làm giàu cho mình và làm giàu cho quê hương. Tôi cười mà ruột gan tơi bời hết. Đất của tôi đã bị thu hồi rồi, mai mốt lấy đâu nuôi cá, lấy gì để sản xuất mà làm ăn bây giờ?”.
Hầu hết những hộ nuôi cá bống tượng, cá chình tại Tân Thành có đất bị thu hồi đều không muốn bỏ đất. Họ cương quyết bám đất, bám cá để sống, bởi không nuôi cá, trồng cây thì biết làm gì ngày mai.
Nông dân rơi vào cảnh “Trùm Sò mất trộm”
Theo phản ảnh của người dân làng cá Tân Thành, họ đồng loạt bị thu hồi đất là để giao cho doanh nghiệp xây dựng dự an Khu đô thị cao cấp Happy Home do Cty cổ phần Thương mại 268 Sài Gòn làm chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Tài Phiên, người dân có đất bị thu hồi kể “Ngày 6.12.2017, chủ đầu tư Happy Home kết hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tổ chức buổi họp dân, bốc thăm nền tái định cư. Người ta thông báo nếu ai có diện tích thu hồi 1.000m2 mới hoán đổi 1 nền tái định cư có diện tích 80m2. Tỉ lệ hoán đổi đất từ đất nông nghiệp thành đất ở là 8%. Tuy nhiên, dự án không có nền nào 80m2 mà có 2 loại nền tái định cư với diện tích 100m2 và 125m2. Nhà đầu tư đưa ra nếu nhận nền tái định cư phải bù vào phần chênh lệch với giá 5.500.000 đồng/m2 – 7.500.000 đồng/m2. Nghĩa là nếu nhận nền thấp nhất là 100m2, chúng tôi phải bù vào đến 110 triệu đồng”. Ông Phiên phân tích “Dự án thu hồi đất áp dụng đơn giá cho chúng tôi 190.000 đồng/m2 rồi bán lại chính mảnh đất của tôi với giá 5,5 triệu đồng/m2. Chúng tôi khiếu mại không được. Áp dụng vậy khác nào câu chuyện Trùm Sò mất trộm”. Ông Hứa Văn Giáo bức xúc “Đất tôi còn nuôi cá dưới ao, không chấp nhận bồi hoàn, tái định cư vậy mà họ bán trên chính miếng đất tôi với giá hàng tỉ đồng thật không hiểu được”.
Đầu năm 2018, Dự án Khu đô thị Happy Home rầm rộ rao bán nền với hình thức hợp đồng góp vốn. Điều khá lạ là toàn bộ hạ tầng chưa được xây dựng, thậm chí khu đấy chưa được rào chắn, cổng dự án chưa làm xong. Ngày 23.3 một nhân viên kinh doanh cho biết, “dự định tháng 5 này bên em mới xây xong cái cổng rào. Còn anh mua đất không phải lo, đằng nào cũng giải tỏa mà. Đây là dự án lớn, đẹp và hiện đại nhất Cà Mau”.
Hạnh phúc không thuộc về làng tỉ phú
Sự thật, Cà Mau không phải thu hồi đất của dân để giao cho dự án Happy Home như người dân phản ảnh. Sự toan tính “xóa sổ” làng tỉ phú có từ rất lâu.
Khởi nguồn là ngày 30.12.2014, UBND tỉnh Cà Mau có văn bản số 7150/UBND-NĐ do ông Dương Tiến Dũng – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – ký chấp nhận cho Cty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đồng Tâm (Cty Đồng Tâm) thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cứu hộ, cứu nạn đê biển Tây, phục vụ quốc phòng, an ninh khu vực Hòn Đá Bạc kết hợp phòng chống cháy rừng Vườn Quốc gia U Minh Hạ tỉnh Cà Mau (Đường Tắc Thủ – Vàm Đá Bạc). Dự án có tổng mức đầu tư 54 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Do ngân sách khó khăn, Cà Mau chủ trương cho Cty Đồng Tâm xây dựng bằng hình thức BT. Theo đó Cty Đồng Tâm xây dựng dự án nói trên, đổi lại Cà Mau cho Cty Đồng Tâm lập dự án đầu tư khai thác quỹ đất tại Khu D (khoảng 94ha) và một phần của Khu C (khoảng 39ha) thuộc Khu đô thị cửa ngõ đông bắc thành phố Cà Mau được quy hoạch từ năm 2009.
Sau khi Dự án Đường Tắc Thủ – Vàm Đá Bạc được khởi công (31.1.2016), Cà Mau làm các bước thủ tục để giao tổng diện tích trên 149ha tại Khu B, Khu C3, Khu D bằng Quyết định điều chỉnh quy hoạch ký ngày 13.6.2017.
Để hợp thức hóa việc thu hồi đất, ngày 1.8.2017, UBND có văn bản gửi thường trực HĐND tỉnh đưa toàn bộ diện tích nói trên sau khi đã công bố quy hoạch xin ý kiến đưa vào danh mục dự án thu hồi đất năm 2017. Tại văn bản số 263/HĐND-TT của thường trực HĐND, ngoài việc chấp thuận đưa vào quy danh mục thu hồi đất năm 2017 còn ghi rõ “Nguồn vốn GPMB do Cty Đồng Tâm ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng để chi trả và được khấu trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định”.
Ngày 25.8.2017, UBND tỉnh Cà Mau ký kết văn bản cho phép Cty Cổ phần thương mại phát triển Sài Gòn 268 (Dự án Happy Home) tiếp nhận một phần của Cty Hoàng Tâm trong việc thực hiện BT trước đó. Diện tích được xác định là 80,056ha thuộc Khu D dự án Khu đô thị cửa ngõ đông bắc thành phố Cà Mau.
Tiếp đó, ngày 8.11.2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bị có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở thương mại An Sinh (trước đây là dự án Happy Home) của Cty Cổ phần thương mại phát triển Sài Gòn 268 thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở thương mại An Sinh. Mục tiêu của dự án xây dựng khu đô thị với diện tích 80,056ha, địa điểm Khu D – Khu đô thị cửa ngõ đông bắc, phường Tân Thành, thành phố Cà Mau. Tổng mức đầu tư của dự án trên 1.352 tỉ đồng.
Dù từ 2014, Khu D đã được giao cho Cty Đồng Tâm, nhưng những người bị ảnh hưởng dự án bị thu hồi vào năm 2015, 2017, 2018 vẫn được ghi là “thực hiện dự án xây dựng Khu D Khu đô thị cửa ngõ đông bắc TP.Cà Mau”.
Bức xúc trước việc làm này nhiều người không ký biên bản, không chấp nhận bồi hoàn tái định cư. Ngay lập tức, Trung tâm phát triển quỹ đất thông báo “Đất vắng chủ” và không giải quyết mọi khiếu nại về sau. Ông Bảy Ánh trầm ngâm “Phải chi đổi làng cá để lấy trường học, bệnh viện chúng tôi sẵn sàng, đằng này làm dự án đô thị, trong khi Cà Mau không thiếu những khu đô thị”.
Hằng ngày đi ngang sàn giao dịch của dự án Happy Home, người dân làng cá Tân Thành ngậm ngùi. Ông Hứa Văn Giáo trầm ngâm, “Người ta nói đây là ngôi nhà hạnh phúc, dự án hạnh phúc, nhưng nói thiệt hạnh phúc này không dành cho làng cá Tân Thành chúng tôi”.
Dẫu biết rằng quá trình đô thị hóa, người nông dân sẽ bị ảnh hưởng đến đất đai. Nhưng việc thu hồi đất “làng tỉ phú” để thực hiện dự án Đông Bắc mà kỳ thực là giao cho DN làm khu đô thị với mức giá bồi thường rẻ mạt rất cần được xem xét lại. Bởi hạnh phúc sẽ không thể có được bằng nước mắt, mồ hôi, tài sản của những người khác.