Bùng phát nhà xưởng trong khu dân cư

Chủ trương của UBND TPHCM đưa các nhà máy, cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư ở nội thành, tập trung vào các khu công nghiệp, nhằm chống ô nhiễm đã được thực hiện triệt để.

Nhưng rồi nhiều doanh nghiệp đã chọn huyện Củ Chi làm điểm chuyển đến, hàng loạt nhà xưởng, cơ sở sản xuất lại xây dựng không đúng quy hoạch, xen lẫn trong khu dân cư. Người dân gánh ô nhiễm, chủ đầu tư chịu nhiều thua thiệt.

 

Nhiều khu nhà xưởng xây dựng trong khu dân cư

Nhà xưởng mọc trên đất nông nghiệp 

Trong số các doanh nghiệp phải di dời, nhiều công ty không tìm đến các khu công nghiệp, điểm sản xuất tập trung mà mua đất tại các quận, huyện vùng ven, xây dựng nhà xưởng, lập điểm sản xuất mới. Địa phương được nhiều doanh nghiệp lựa chọn là huyện Củ Chi, nơi có địa hình cao, ít ngập nước, giao thông thuận tiện và giá đất còn rẻ. Nhiều khu dân cư, vườn cây ăn trái đã chuyển thành nhà xưởng, cơ sở sản xuất.

Tốc độ chuyển đổi nhà, vườn sang nhà xưởng ngày một tăng và trải rộng ra nhiều xã trong huyện. Nhà máy, kho bãi không chỉ xây dọc đường lộ mà vào sâu trong các khu dân cư. Trên các trục đường như Tỉnh lộ 8 (Tân Thạnh Tây), Trần Văn Chẩm (Phước Vĩnh An), Trần Văn Hoài (Tân An Hội), Hồ Văn Tắng (Tân Phú Trung), Võ Văn Bích (Bình Mỹ – Tân Thạnh Đông)… thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, đã có nhiều nhà xưởng, cơ sở sản xuất mọc lên.

Các xã có nhiều nhà xưởng, cơ sản xuất xây dựng nhiều là Tân Thạnh Đông, Tân Phú Trung, với con số hàng chục nhà máy, cơ sở sản xuất. Tại xã Tân Phú Trung, mặc dù đã có Khu công nghiệp Tân Phú Trung, nhưng lại là nơi có cụm công nghiệp nhỏ tự phát trong các khu dân cư. Trung bình mỗi cụm chừng 3 – 7 nhà xưởng nằm xen lẫn nhà cửa của người dân, lọt vào giữa khu dân cư.

Doanh nghiệp đổ dồn đến Củ Chi xây dựng nhà xưởng không chỉ ngày một nhiều mà quy mô xây dựng mỗi lúc càng lớn hơn. Mấy năm trước, các khu nhà xưởng trên đường Trần Văn Hoài, Trần Văn Chẩm thường có quy mô vừa, diện tích xây dựng trên dưới 3.000m2 sàn. Những năm trở lại đây, chủ đầu tư xây dựng nhà xưởng mới trên Tỉnh lộ 8, đường Hồ Văn Tắng có quy mô lớn, diện tích trên dưới 10.000m². Các doanh nghiệp tìm đến Củ Chi xây dựng nhà xưởng, một số để trực tiếp sản xuất và có nhiều chủ đầu tư xây dựng nhà xưởng để kinh doanh, cho thuê và sang nhượng kiếm lời. Thị trường cho thuê, mua bán và sang nhượng đất đai, nhà xưởng nóng lên từng ngày.

Có một điểm chung, hầu hết nhà xưởng, cơ sở sản xuất xây dựng trong khu dân cư đều chưa chú trọng đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước cũng như khói bụi, tiếng ồn. Chất thải, khói bụi cứ thế xả ra môi trường xung quanh. Việc các cơ sở sản xuất trong khu dân cư chưa có hệ thống xử lý chất thải hoàn chỉnh là do chủ doanh nghiệp thiếu ý thức, thiếu sự kiểm tra của cơ quan chức năng và thiếu tập trung, không thể nối kết. Ô nhiễm từ khu vực nội thành, trung tâm đã được chuyển ra ngoại thành và người dân sở tại phải gánh chịu môi trường sống ngày càng xấu đi.

Doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép

Nhà xưởng, cơ sở sản xuất mọc lên trong khu dân cư tại Củ Chi ngày một nhiều và quy mô lớn. Các doanh nghiệp chọn khu dân cư ở Củ Chi làm điểm đến có lợi trước mắt là bớt tiền thuê mặt bằng vì không vào khu công nghiệp, hạn chế đầu tư cho xử lý chất thải, không có sự giám sát của các cơ quan bảo vệ lao động. Điều lợi thấy rõ trước mắt, nhưng về lâu dài luôn tiềm ẩn rủi ro, bất lợi cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp đổ dồn về Củ Chi xây nhà xưởng, mở rộng nhà xưởng theo kiểu tự phát, không đúng chủ trương chung sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường, còn các doanh nghiệp đưa mình vào thế phải đối mặt nhiều rủi ro, thiệt thòi.

Các nhà xưởng xây dựng trong khu dân cư phần lớn làm trên đất nông nghiệp và không phù hợp quy hoạch. Các doanh nghiệp nhận được lời hứa từ cán bộ cơ sở sẽ hỗ trợ cấp giấy phép xây dựng và điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với thực tế sử dụng đất. Tuy nhiên, theo xu thế hiện nay, thành phố đầu tư xây dựng khu công nghiệp, chế xuất tập trung, chứ không cho nhà máy nằm trong khu dân cư. Vì thế, điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi cục bộ vài ngàn mét vuông từ đất ở, trồng lúa sang đất phi nông nghiệp, để xây dựng nhà xưởng là không khả thi.

Vì xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp không đúng quy hoạch nên việc cấp giấy phép xây dựng cũng gặp nhiều khó khăn. Đã có nhiều công trình nhà xưởng bị cưỡng chế tháo dỡ vì lý do xây bất hợp pháp. Ngày 18-8-2017, UBND xã Tân An Hội trao quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép của ông Nguyễn Hồng Bắc tại tổ 5 ấp Mũi Lớn 2. Hai công trình nhà xưởng vừa mới xây dựng, với diện tích gần 500m², chưa kịp sử dụng đã bị cưỡng chế cũng vì xây không phép, không phù hợp quy hoạch.

Để tránh bị cưỡng chế, giảm bớt thiệt hại, chủ Công ty TNHH TMSX Tân Phương Phát (ấp Phú Lợi, xã Tân Phú Trung) đã tự nguyện xin tháo dỡ hơn 2.000m² nhà xưởng, khi cơ quan chức năng phát hiện đơn vị xây dựng không đúng quy định. Đây chỉ là số ít trong nhiều nhà xưởng, cơ sở sản xuất xây dựng không đúng quy hoạch đã bị chính quyền phát hiện, xử lý.

Đối với những doanh nghiệp được chính quyền địa phương “xé rào” cấp giấy phép xây dựng tạm, cũng không an tâm và sẽ có nhiều thiệt hại được báo trước. Do xây dựng nhà xưởng không đúng quy hoạch, doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép và nguy cơ mất trắng tài sản là điều khó tránh khỏi.

Sẽ mạnh tay với những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm

Liên quan đến hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất nói chung, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết sẽ tiến hành phối hợp với các quận huyện liên quan thanh tra, kiểm tra. Nếu phát hiện cơ sở vi phạm sẽ tiến hành xử lý thật mạnh tay.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM giải thích thêm, để xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch, có nguy cơ cháy, nổ xen cài trong khu dân cư trên địa bàn thành phố, từ năm 2003, thành phố đã có chủ trương di dời, chuyển đổi hoặc ngưng hoạt động các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nằm xen cài trong khu dân cư.

Kết quả có hơn 1.400 cơ sở sản xuất đã di dời, chuyển đổi và ngưng hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm kể từ khi thực hiện chương trình trên, tình trạng sản xuất gây ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục phát sinh mới và có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đời sống người dân thành phố cả trong nội thành lẫn ngoại thành. Từ quận 12 đến huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi…

Trong đó, đặc biệt nghiêm trọng là khu vực sản xuất gây ô nhiễm môi trường phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Tại khu vực này có đến 21 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng dân cư sống trong khu vực.

Trước thực tế đó, Sở TN-MT đã phối hợp cùng quận huyện thực hiện rà soát tổng thể những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch trong khu dân cư. Theo đó, có tổng cộng 163 cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch trong khu dân cư được xác định nằm rải rác ở cả nội thành và ngoại thành. Sở đã thực hiện tham mưu UBND TP ban hành hàng loạt các quyết định xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên. Đồng thời, UBND TP cũng đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt danh mục các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn thành.

Trong các quyết định của UBND TP cũng đã yêu cầu những cơ sở này phải thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để. Tùy vào tình hình mà phải cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt tiêu chuẩn cũng như thực hiện các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, mùi, hơi dung môi đạt tiêu chuẩn. Riêng trường hợp 21 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12, UBND TP yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường có kế hoạch thí điểm xử lý 21 cơ sở này để làm cơ sở rút kinh nghiệm tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch đã ban hành.

Cho đến nay, tình hình thực hiện đạt được một số kết quả như 16/21 cơ sở đã tuân thủ kế hoạch di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề phù hợp quy hoạch. 5 cơ sở còn lại vẫn chưa thực hiện việc di dời theo kế hoạch. Hiện Sở và UBND quận 12 cũng đang tích cực vận động tuyên truyền, cũng như tìm giải pháp hỗ trợ các đơn vị tiến hành di dời đến khu vực tập trung sản xuất.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với các cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phải di dời vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan nhà nước. Do vậy, một mặt sở đang phối hợp với các ban ngành, quận huyện liên quan tập trung tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Mặt khác, xây dựng cơ chế để tháo gỡ các vướng mắc trong công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các cơ sở không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị trong khu dân cư. Đến năm 2020 hoàn tất việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
Đại biểu Quốc hội TRẦN ANH TUẤN, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM: Cần tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành về xử lý môi trường

Hầu hết cơ sở gây ô nhiễm trong nội thành được di dời đến các khu công nghiệp, được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tốt. Song hiện nay, trên địa bàn TPHCM còn một số lượng lớn các cơ sở sản xuất hoạt động ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp. Các cơ sở này không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị, đa số là cơ sở vừa và nhỏ, công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức.

Đặc biệt, đối với khu vực ngoại thành như huyện Củ Chi, Bình Chánh… thì thực trạng này là khá phổ biến. Ở đó, các cơ sở sản xuất xen cài trong khu dân cư nhưng chưa tuân thủ chặt chẽ các quy định về bảo vệ môi trường. Việc xử lý chất thải, nước thải và khí thải chưa được đầu tư thỏa đáng, nhất là các cơ sở sản xuất có công nghệ thiết bị cũ, lạc hậu. Ngoài ra, nhiều khu vực ở vùng ngoại thành có tốc độ đô thị hóa nhanh, hệ thống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt không kịp đầu tư đồng bộ. Đây cũng là lý do khiến nhiều nơi ở vùng ngoại thành ô nhiễm, gây tác động xấu đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Hầu như ngành nghề nào cũng có khả năng phát thải nguồn gây ô nhiễm rắn, lỏng và khí, thậm chí tiếng ồn và mùi hôi. Vấn đề là phải có hệ thống xử lý, biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để. Pháp luật hiện hành cũng có các quy định chặt chẽ, yêu cầu tuân thủ nghiêm và thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm như cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt tiêu chuẩn cũng như thực hiện các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, mùi hôi… đạt tiêu chuẩn. Đi kèm đó là các biện pháp chế tài cụ thể. Tuy nhiên, trong thực tế cơ chế giám sát, kiểm tra, phát hiện cũng như xử lý vi phạm đối với các trường hợp gây ô nhiễm môi trường còn nhiều hạn chế. Điều này không đảm bảo tính răn đe, không khiến các cơ sở, doanh nghiệp chấm dứt các hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Do đó, đối với nguồn ô nhiễm phát sinh từ dân cư thì có sự phân loại, thu gom các chất thải sinh hoạt và đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đồng bộ. Riêng đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần có cơ chế giám sát hiệu quả và tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp không tuân thủ quy định, gây ô nhiễm môi trường.
KIỀU PHONG (ghi)

Chủ tịch UBND huyện Củ Chi NGUYỄN HỮU HOÀI PHÚ: Đảm bảo 2 điều kiện, huyện mới chấp thuận
Nếu nói đơn thuần di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường từ nội thành ra ngoại thành thì tôi không đồng ý chuyện đó. Huyện Củ Chi không nhận những cơ sở này. Khi xét thấy về các mặt quy hoạch kiến trúc, không gian, khu dân cư… mà không đảm bảo được môi trường sống thì huyện không nhận phát triển mới các cơ sở sản xuất.

Điều kiện thành lập cơ sở xí nghiệp trên địa bàn huyện Củ Chi là phải đúng quy hoạch. Thứ nhất, phải xem địa điểm lập cơ sở có nằm trong đất của khu dân cư không, nếu nằm trong đất của khu dân cư thì huyện không đồng ý. Nếu địa điểm lập cơ sở nằm trong quy hoạch đất sản xuất, thì huyện xét tiếp điều kiện thứ hai là hoạt động sản xuất đó có gây ô nhiễm về không khí, tiếng ồn, môi trường nước, hay ảnh hưởng tới khu dân cư hay không? Chỉ khi thỏa mãn 2 điều kiện đó thì huyện mới chấp nhận phát triển mới cơ sở sản xuất.

Trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và môi trường, hiện nay huyện còn tồn tại tình trạng một số doanh nghiệp hoạt động từ vài ba chục năm trước, bây giờ có ảnh hưởng đến môi trường, đến dân cư. Đó là do lúc các doanh nghiệp hình thành, xung quanh không có dân cư, sau này mới có cư dân sinh sống và hoạt động của doanh nghiệp gây tác động không tốt. Huyện đã kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu khắc phục, cưỡng chế…

Trong việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, tôi đề nghị TP cần tập trung quy hoạch vùng sản xuất công nghiệp, hình thành các cụm công nghiệp để đón nhận các cơ sở di dời vào đó. Ở đó, có hệ thống xử lý chất thải cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất. Chứ nếu doanh nghiệp di dời tới các khu vực khác ngoài khu công nghiệp, thì làm sao các cơ sở, nhà máy có điều kiện giải quyết vấn đề nước thải.
MẠNH HÒA (ghi)