Siết chặt quản lý tài nguyên khoáng sản

Vì lợi nhuận lớn nên tình trạng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản dù đã bị xử lý, nhưng vẫn không ngừng tái diễn. Các đối tượng không từ mọi “chiêu trò”, thủ đoạn để khai thác trái phép… Tình trạng này không chỉ dẫn đến thất thoát nguồn tài nguyên mà còn gây mất ổn định an ninh trật tự khu vực, đòi hỏi có sự tăng cường trong công tác quản lý.

Một bãi khai thác cát sông Hồng tại quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Anh Tuấn

Trên địa bàn TP Hà Nội có một số loại khoáng sản chính có triển vọng khai thác là: Đá xây dựng, cát xây dựng, cát san lấp, sét gạch ngói, than bùn và puzolan… Tuy nhiên thời gian qua, do công tác quản lý ở một số địa phương còn lỏng lẻo nên đã không kịp thời phát hiện, xử lý, giải tỏa các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép.

Từ lén lút… đến ngang nhiên

Vụ việc khai thác đất tại khu đồi Yên Ngựa (thôn Đồng Chằm, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai) gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến chết người vừa xảy ra là một ví dụ điển hình. Vi phạm về khai thác tài nguyên, khoáng sản diễn ra trong thời gian dài, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương. Phổ biến là tình trạng khai thác trái phép đất đồi để cung cấp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu san lấp, hoặc tự ý hạ cốt nền còn diễn ra ở các xã: Tiến Xuân, Cần Kiệm, Yên Bình, Yên Trung (huyện Thạch Thất); Thái Hòa, Minh Quang, Khánh Thượng, Cẩm Lĩnh, Phú Sơn, Sơn Đà, Yên Bài, Ba Trại (huyện Ba Vì); thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức)…

Tại xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) có mỏ nước khoáng nóng, tuy có triển vọng khai thác thực tế, nhưng chưa được điều tra, đánh giá. Tuy nhiên, nhiều năm nay, các hộ dân ở xã Thuần Mỹ đã tự khai thác nước khoáng nóng phục vụ sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ với quy mô nhỏ…

Đối với khoáng sản cát san lấp, cát xây dựng, từ đầu tháng 7-2017, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến, triển khai nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi, đồng thời chỉ đạo các địa phương trong cả nước tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép… Tuy nhiên, do đây là nguồn tài nguyên mang lại lợi nhuận rất lớn, nên mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý, nhưng hoạt động khai thác cát trái phép vẫn diễn ra, bất chấp việc hút cát ở lòng sông sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là sạt lở đất, lở kè, đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân ở ven sông. Điển hình, trên sông Hồng, đoạn qua địa bàn các xã: Phương Độ, Xuân Phú, Vân Nam, Vân Hà (huyện Phúc Thọ), một số cá nhân, tổ chức lợi dụng ban đêm, ngày nghỉ, dùng máy xúc, ống hút cát để khai thác cát trộm. Điều đáng quan tâm là đoạn sông này có kè Xuân Trù (nằm trên địa bàn xã Xuân Phú). Việc khai thác cát trái phép đã gây sạt lở bờ sông, đe dọa nghiêm trọng đến kè Xuân Trù và các mỏ kè chỉnh trị dòng chảy, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, gây bức xúc trong nhân dân.

Ông Nguyễn Việt Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết: Tháng 11-2017, Công ty cổ phần TMS khoáng sản và vật liệu xây dựng Vĩnh Phúc (nay là Công ty cổ phần An Thịnh – Vĩnh Lạc) dùng 2 máy xúc công suất lớn đào bồi trái phép, tạo luồng lạch để dùng tàu cuốc khai thác cát trên khu vực bãi nổi sông Hồng, thuộc địa bàn xã Phương Độ (giáp ranh huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Sau khi có sự phối hợp, chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện Phúc Thọ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 12-2017, công ty này mới dừng khai thác cát. Tuy nhiên, từ tháng 2-2018 đến nay, có 2-3 tàu cuốc của Công ty lại neo đậu tại bãi bồi thuộc xã Phương Độ. Nhân dân khu vực phản ánh các tàu này thường khai thác cát lúc 1-2h sáng. Khi lực lượng chức năng xuất hiện thì các tàu này dừng hoạt động, công nhân rời khỏi tàu.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Ba Vì, các xã như Chu Minh, Đông Quang, Tản Hồng, Châu Sơn, Minh Châu còn có hiện tượng các tàu hút cát trộm hoạt động vào ban đêm, nhưng không thường xuyên…

Bất cập trong xử lý

Thực tế cho thấy, tình trạng hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn tồn tại do một số nguyên nhân: Việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong quản lý hoạt động khoáng sản nhìn chung chưa đồng bộ; công tác phối hợp bảo vệ khoáng sản và việc ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn lơ là. Đơn cử, tại địa bàn xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai), UBND xã đã phát hiện, lập biên bản vi phạm khai thác đất trái phép tại đồi Yên Ngựa, thôn Đồng Chằm từ ngày 1-3 nhưng không báo cáo kịp thời với UBND huyện Quốc Oai, không có biện pháp xử lý, ngăn chặn, để cho vi phạm tiếp diễn nên xảy ra hậu quả sạt lở đất, làm chết người ngày 17-3.


Hoạt động khai thác đá tại thôn Trán Voi, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai. Ảnh: Trung Nguyên

Vấn đề mấu chốt hiện nay là nhu cầu cần vật liệu xây dựng để san lấp mặt bằng, xây công trình trụ sở làm việc, trường học, cầu, làm đường, nhà ở… của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố rất lớn, trong khi nguồn cung vật liệu xây dựng chính thống không đủ để đáp ứng, dẫn đến tình trạng khai thác đất, cát trái phép luôn có “cơ hội” để tồn tại.

Ngoài ra, lực lượng, phương tiện trang bị phục vụ cho công tác tuần tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế trong công tác đấu tranh với các hành vi khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép. Theo đánh giá của Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện Ba Vì: Việc xử lý phương tiện vi phạm đang là vấn đề nan giải đối với các cơ quan chức năng do không có nhà kho, bến bãi để lưu giữ, chủ yếu phải thuê bến bãi, hoặc để neo đậu tàu, thuyền trên sông và phải cắt cử lực lượng canh giữ. Trong khi phương tiện vi phạm của các đối tượng khai thác cát trái phép có giá trị lớn, thậm chí là nơi ăn ở, sinh hoạt của gia đình họ, dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Bên cạnh đó, chế tài xử lý đối với các đối tượng vi phạm còn thấp, chưa đủ sức răn đe, khiến các đối tượng vi phạm “nhờn luật”. Trong khi lực lượng cán bộ tại cấp huyện và cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cả về số lượng và chuyên môn, do kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực (đất đai, môi trường và khoáng sản) dẫn đến chưa phát hiện kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, chưa ngăn chặn, xử lý triệt để vi phạm…

Có thể ví dụ như việc quản lý khai thác khoáng sản là nước khoáng nóng trên địa bàn xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) đang là vấn đề đặt ra đối với Hà Nội. Do thẩm quyền cấp phép khai thác thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các hộ gia đình ở Thuần Mỹ hiện chưa thể thực hiện được các thủ tục thăm dò, phê duyệt trữ lượng… để được cấp phép khai thác theo quy định của Luật Khoáng sản. Cơ quan chức năng và UBND thành phố đang đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, hướng dẫn phương pháp quản lý việc khai thác nước khoáng nóng của các hộ gia đình ở xã Thuần Mỹ cho phù hợp với điều kiện thực tế.

(Còn nữa)

Tăng cường quản lý cát sỏi, chống đầu cơ tăng giá

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tăng cường quản lý cát sỏi tại các địa phương, nhu cầu sử dụng, khai thác, vận chuyển làm vật liệu xây dựng và vật liệu san lấp; thường xuyên nắm thông tin về giá cả, nguồn cung, chống việc đầu cơ, tích trữ để tăng giá.

Đối với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương có nhu cầu sử dụng cát lớn, Phó Thủ tướng yêu cầu tổng hợp nhu cầu cụ thể, lập quy hoạch và kế hoạch cung ứng sử dụng cát, sỏi làm vật liệu xây dựng để chủ động đáp ứng nhu cầu cát, sỏi cho xây dựng và san lấp…

Phương Nguyên