Hầu hết kênh mương, ao hồ trên địa bàn các xã Hoài Mỹ, Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) đang bị nước thải của những hồ nuôi tôm “bức tử”. Mùi hôi lan tỏa đến các vùng dân cư khiến người dân vô cùng bức xúc.
Tại xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn) có hai vùng nuôi tôm. Một là khu vực Bắc Lý thuộc thôn Công Lương với diện tích 19ha. Đây là khu nuôi tôm nằm trong vùng nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học thuộc Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD). Hai là vùng nuôi tôm tự phát nằm dọc đầm Nam Lý cũng thuộc thôn Công Lương với diện tích 18ha.
Riêng khu nuôi tôm tự phát dọc đầm Nam Lý, do không được quy hoạch nên cách nuôi cũng rất tùy tiện, mỗi ao nuôi có một kiểu cải tạo khác nhau, nên việc nuôi và xử lý nước và chất thải không hề tuân theo quy trình.
Bởi thế, nhiều ao hồ, kênh mương dọc đầm Nam Lý bị “bức tử” bởi nước thải, chất thải từ các hồ tôm tích tụ, lâu dần chuyển sang bốc mùi hôi thối trầm trọng. Không loại thủy sản nào sống trong đầm Nam Lý có thể sinh tồn nổi trong nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng này.
Khu nuôi tôm thuộc khu vực Bắc Lý là vùng nuôi trồng thủy sản “an toàn sinh học” đã được dự án CRSD đầu tư xây dựng hệ thống ao xử lý nước thải. Nhưng người nuôi không tuân thủ xả thải theo quy trình đã được hướng dẫn, mà nước thải, chất thải ở đây được xả rất tùy tiện. Nước thải trong các hồ nuôi chưa xử lý được xả thẳng ra môi trường, ngập ngụa các tuyến kênh mương, ao hồ trên địa bàn, khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm kéo dài.
Theo người dân địa phương, vùng nuôi tôm này chỉ cách các khu dân cư ở thôn Kim Giao Trung, Kim Giao Nam (xã Hoài Hải) bằng con kênh rộng chừng 100m. Do vậy, mỗi khi nước, chất thải nuôi tôm được xả ra tuyến kênh nói trên đã phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của họ.
Ngoài ra, tình trạng nuôi tôm “vượt rào” ở thôn Kim Giao Thiện (xã Hoài Hải) cũng đang diễn ra ồ ạt với hàng chục ao nuôi, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Hầu hết các hồ nuôi tôm không có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo quy trình, làm nước mặn và chất thải ngấm vào mạch nước ngầm, đất dẫn đến nước sinh hoạt bị ô nhiễm, không thể sử dụng được.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ, quan ngại: Việc quản lý nuôi tôm còn nhiều hạn chế, bất cập. Tại vùng nuôi tôm dọc đầm Nam Lý, người nuôi chỉ biết nuôi chứ không nghĩ đến việc xử lý nước thải, chất thải từ hồ nuôi sau khi thu hoạch. Toàn vùng nuôi không có hệ thống cung cấp nước và xử lý nước thải. Bởi thế, nước thải và chất thải đều được người nuôi xả thẳng ra môi trường.
“Khu vực nuôi tôm thuộc vùng nuôi trồng thủy sản “an toàn sinh học” ở Bắc Lý đã được dự án CRSD đầu tư xây dựng ao xử lý nước thải, nhưng một số hộ nuôi thiếu ý thức vẫn lén lút xả thẳng ra môi trường”, ông Dũng bộc bạch. |
“Chúng tôi sẽ rà soát lại tình hình nuôi tôm trên địa bàn, yêu cầu các hộ nuôi ký cam kết bảo vệ môi trường trong quá trình nuôi. Không nương nhẹ nữa, trong thời gian tới sẽ đề nghị ngành điện ngưng cung cấp dịch vụ đối với các hộ cố tình vi phạm về vấn đề môi trường trong quá trình nuôi. Đối với các diện tích hồ nuôi tự phát, xã sẽ rà soát, kiểm tra cụ thể và sẽ thu hồi các ao nuôi nếu phát hiện có vi phạm về Luật đất đai”, ông Dũng kiên quyết.
Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, Phòng Kinh tế và Phòng TN&MT huyện đã tiến hành kiểm tra tình trạng các hộ nuôi tôm xả thải gây ô nhiễm môi trường tại 2 xã Hoài Mỹ và Hoài Hải.
“UBND huyện đã có văn bản gửi UBND 2 xã trên, yêu cầu tăng cường công tác quản lý nuôi tôm tại địa phương, khẩn trương kiểm tra, rà soát, tổng hợp danh sách và đề xuất biện pháp xử lý các hộ nuôi tôm xả thải ra môi trường, báo cáo UBND huyện chỉ đạo, giải quyết”, ông Công cho hay.