Tính đến hết năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 14,5 triệu tấn than đá, tăng tăng 9,8% so với năm 2016. Trị giá nhập khẩu đạt khoảng 1,52 tỷ USD, tăng 58,4% so với năm trước. Đáng nói là trong bối cảnh tồn kho than trong nước vẫn đang lớn thì chúng ta lại phải bỏ ra một nguồn ngoại tệ không nhỏ để nhập khẩu loại tài nguyên này.
Nghịch lý xuất nhiều, nhập lớn
Một thời gian dài, sẵn lượng tài nguyên dồi dào, Việt Nam đã không ngần ngại xuất khẩu một lượng lớn than đá ra nước ngoài. Và đến bây giờ, khi nguồn tài nguyên vàng đen trong nước đang ngày một vơi dần, chúng ta mới nhận ra rằng, chúng ta đang đào tài nguyên để bán một cách uổng phí. Và một chiến dịch nhập khẩu than bắt đầu.
Theo kế hoạch của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong giai đoạn từ 2016 đến 2020 sẽ phải nhập một lượng than lớn. Theo đó, kế hoạch nhập than được bắt đầu từ năm 2017 và tăng mạnh từ năm 2020, chủ yếu là than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Cụ thể, lượng than nhập khẩu năm 2017 là 11,71 triệu tấn, 2018 là 20,972 triệu tấn, năm 2020 là 40,256 triệu tấn, năm 2025 là 70,331 triệu tấn, năm 2030 sẽ lên đến trên 100 triệu tấn.
Tại sao lại có nghịch lý này? Nhìn lại những năm trước, Việt Nam bắt đầu nhập khẩu than từ năm 2013 và sản lượng than nhập khẩu tăng lên theo từng năm. Theo quy hoạch của Chính phủ thông qua vào đầu năm 2016, số lượng than nhập khẩu về Việt Nam trong năm này mà Bộ Công thương và TKV đưa ra là khoảng 3 triệu tấn than dành cho các nhà máy nhiệt điện. Nhưng đến hết 2016, thực tế con số này đã tăng lên hơn 4 lần, tức là 13,3 triệu tấn.
Giá nhập khẩu than bình quân năm 2017 là 105 USD/tấn, tăng 44,2% so với năm 2016. 3 thị trường nhập khẩu than lớn của Việt Nam là Indonesia, Australia và Liên bang Nga. Tổng lượng than nhập khẩu từ 3 thị trường này lên tới 12 triệu tấn, chiếm 83% tổng lượng nhập khẩu than của cả nước trong năm 2017. Trong đó, nhập khẩu từ Indonesia là 6 triệu tấn, trị giá đạt 404,7 triệu USD, so với năm 2016 tăng 106,7% về lượng và tăng 171% về trị giá. Nhập khẩu từ thị trường Australia đạt 3,6 triệu tấn, trị giá đạt 469,7 triệu USD, so với năm 2016 giảm 7% về lượng nhưng lại tăng 45% về trị giá.
Những con số nói trên thực sự khiến cho dư luận không khỏi ngạc nhiên bởi Việt Nam đã nhiều năm luôn đứng ở vị trí đầu về xuất khẩu than. Thậm chí có những thời điểm, lượng than xuất khẩu của chúng ta đạt đến mức 50% sản lượng. Chính vì “tiêu xài” một cách phung phí nguồn tài nguyên sẵn có, giờ đây chúng ta đang rơi vào thực trạng thiếu nguồn than chất lượng cao, trong khi đó lượng than tồn kho cũng không phải là con số nhỏ: 9 triệu tấn. Các chuyên gia dự báo, than trong nước sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu cho nhiệt điện và các hộ tiêu dùng khác, cộng với việc khai thác than hiện đã rất khó khăn nên việc nhập khẩu than chắc chắn sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.
Bất cập trong điều hành
Theo TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên trưởng Ban chiến lược Tập đoàn TKV, đáng lẽ ra chúng ta cần phải làm chính sách và chiến lược một cách khoa học và bài bản, thì chắc chắn chúng ta sẽ không phải rơi vào tình thế như hiện nay, rằng đã đến lúc tài nguyên sẽ hết và chúng ta buộc phải nhập về. Và điều bất hợp lý hơn cả là chúng ta lại phải nhập chính những loại than mà chúng ta đã từng xuất khẩu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sai lầm của TKV là từ trước đến nay luôn sản xuất ra loại than mình có chứ không phải sản xuất ra loại than thị trường cần. Và chưa bao giờ TKV gặp khó khăn, thách thức như thời điểm hiện tại, khi phải cạnh tranh với giá than nhập khẩu rẻ hơn rất nhiều lần. Ông Phạm Quang Tú, trưởng nhóm Chương trình hỗ trợ liên minh vận động chính sách (tổ chức Oxfam) đánh giá, tư duy quản lý và sử dụng tài nguyên của chúng ta đang có vấn đề, bên cạnh đó là công tác lập kế hoạch, chiến lược trong sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên thường theo cách thức ăn sổi.
Nhận định về thực trạng của ngành than hiện nay, TS. Nguyễn Thành Sơn không ít lần đưa ra quan điểm rất thẳng thắn rằng, trong công tác điều hành quản lý ngành than của chúng ta, ở đâu đó đang có vấn đề. Điều đáng nói là ngành than đã từng rơi vào tình thế chúng ta phải sang tận Indonesia để mua than trong khi chính nước này lại khai thác than ở Quảng Ninh.
Về sự trái ngược này, nhiều ý kiến trong ngành cho rằng, cách quản lý, điều hành hiện nay thực sự cần phải xem lại. Và thật không sai khi đến thời điểm này, chúng ta đang phải bỏ ra một nguồn ngoại tệ lớn để nhập khẩu than hàng năm với số lượng ngày càng gia tăng. “Nếu như trước đây, khi chúng ta đào tài nguyên mà nghĩ đến ngày hôm nay, để có cách điều hành hợp lý hơn, thận trọng hơn, chắc chắn kết cục sẽ không trái ngang đến vậy” – một chuyên gia trong ngành than đánh giá.