Di tích Quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, khí hậu trong lành, nguồn nước không bị ô nhiễm luôn hấp dẫn du khách và là điểm nhấn trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, di tích này đang bị xâm hại nghiêm trọng. Cảnh quan dần bị phá vỡ bởi tình trạng xây dựng các công trình trái phép.
Cốc Tộc, Pắc Ngòi và Bó Lù là ba thôn thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, chạy dọc theo hồ Ba Bể, nằm lọt trong vùng đệm và vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể. Do quản lý lỏng lẻo, thậm chí sai phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của chính quyền huyện Ba Bể và Vườn Quốc gia Ba Bể, thời gian qua, một số cá nhân ở ba thôn này đã lấn chiếm đất rừng đặc dụng, xây dựng nhà nghỉ, nhà ở và hàng quán trái phép làm biến dạng cảnh quan di tích.
Ngay trên con đường độc đạo dẫn vào thôn Cốc Tộc nằm trong vùng đệm hồ Ba Bể, thuộc xã Nam Mẫu, có 8 căn nhà được xây dựng kiên cố. Mặc dù các công trình này cách trụ sở UBND xã Nam Mẫu không xa, con đường này cũng là tuyến đường tuần tra thường xuyên của lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Bể, việc xây dựng diễn ra trong một thời gian dài nhưng không được chính quyền và cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện. Chỉ đến khi việc thi công đến giai đoạn đổ bê tông sàn thì các cơ quan quản lý mới kiểm tra và phát hiện cả 8 căn nhà đều xây dựng không có giấy phép.
Nhận chuyển nhượng của người dân 1.087m2 đất trồng cây hằng năm ở thôn Cốc Tộc, ngày 5/11/2015, UBND huyện Ba Bể cấp sổ đỏ cho ông Nguyễn Văn Viện, cư trú ở tiểu khu 4, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, trong đó cho phép chuyển đổi 200m2 làm đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Trên diện tích được cấp sổ đỏ, năm 2016, ông Viện xây dựng 3 nhà sàn bê tông cốt thép. Tất cả đều với mục đích làm nhà nghỉ và không có giấy phép xây dựng theo quy định.
Tương tự, UBND xã Nam Mẫu quản lý khu đất có diện tích 294m2 tại thôn Bó Lù, phía sau giáp mặt hồ Ba Bể, phía trước giáp đường vòng quanh hồ Ba Bể, nhưng đầu năm 2017, bà Triệu Thị Xuyến ở thôn Bó Lù đã lấn chiếm, sử dụng để xây dựng một nhà bê tông cốt thép hai tầng, không hề có giấy phép xây dựng.
Gần đối diện với những căn nhà của ông Viện là hộ ông Nguyễn Văn Từ ở thôn Bó Lù (cạnh UBND xã), xây dựng nhà bê tông cốt thép ba tầng không phép, tầng hai và tầng ba mỗi tầng có 7 phòng nghỉ trên khu đất hơn 600m2. Hiện tại, hộ ông Từ đang cho thợ gấp rút thi công hoàn thiện công trình để đưa vào sử dụng ngay trước mắt các cơ quan quản lý?
Ðây là những điển hình trong số các trường hợp vi phạm quy định về chuyển nhượng, sử dụng đất và xây dựng nhà ở, nhà nghỉ không phép phá vỡ cảnh quan, hiện trạng di tích đặc biệt danh thắng hồ Ba Bể. Theo quan sát của phóng viên, tại một số vị trí, đang có hiện tượng ken cây để chuẩn bị cho những ngôi nhà mới mọc lên.
Ði thuyền trên hồ Ba Bể trong những ngày nước dâng cao, ai cũng dễ dàng nhìn thấy một số ngôi nhà bê tông cốt thép xen lẫn những ngôi nhà gỗ, nhà sàn dùng để ở và đón khách du lịch tại thôn Bó Lù xây dựng từ những năm trước chìa ra đến tận mép nước hồ, rác thải, nước thải gần như xả ra hồ, rất phản cảm, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên cần được bảo tồn nghiêm ngặt.
Tại bản Pắc Ngòi, không gian văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày với những ngôi nhà sàn đặc trưng gần hồ Ba Bể, địa chỉ ưa thích của du khách muốn khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa cũng dần bị phá vỡ bởi tình trạng cơi nới, cải tạo nhà ở làm nhà nghỉ. Thậm chí, việc xây dựng nhà bê tông, cốt thép tràn lan khiến tình trạng ô nhiễm chất thải, rác thải ở hồ Ba Bể ngày càng trầm trọng.
Nghiêm trọng hơn, ngay tại các điểm du lịch trong vùng lòng hồ như đền An Mạ, Ao Tiên, các công trình hàng quán, lều lán bán hàng nhếch nhác, đã và đang làm phá vỡ cảnh quan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các điểm di tích này.
Một người dân sống lâu năm tại khu vực Ao Tiên cho biết: Ngày xưa, đường vào Ao Tiên hai bên là hai hàng cây Ô Rô xanh mướt thơ mộng, nước ao trong xanh cảnh quan tuyệt đẹp. Giờ, để có chỗ bán hàng, hai hàng cây bên đường đã bị chặt đi nhường chỗ cho những lều bạt nhếch nhác, nước hồ ô nhiễm đục ngầu. Bản thân tôi cũng không còn muốn đưa bạn bè và du khách vào thăm…
Sau khi phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về sử dụng đất, xây dựng nhà không phép, các cơ quan chức năng đã xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo xử lý vi phạm, nhưng qua một thời gian dài các vi phạm này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Ngay trong việc xác định phạm vi quản lý và bảo vệ giữa Vườn Quốc gia Ba Bể với chính quyền sở tại cũng đang còn chồng lấn, lúng túng. Việc xác định ranh giới giữa khu dân cư và Vườn cũng chưa thực sự rõ ràng. Không hiểu tới đây các cấp chính quyền tỉnh Bắc Kạn sẽ quản lý, bảo vệ Di tích Quốc gia hạng đặc biệt hồ Ba Bể như thế nào?
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.