Qua các giai đoạn lịch sử và từ nhiều lý do khác nhau, hiện nay tỉnh Thái Bình đang tồn đọng hơn 70 nghìn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ký nhưng chưa trao cho người sử dụng. Chính quyền địa phương vẫn loay hoay xử lý vì gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình, hiện nay toàn tỉnh có 71.252 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là Giấy chứng nhận) đã ký nhưng chưa trao được cho đối tượng sử dụng. Trong đó, Giấy chứng nhận cấp giai đoạn từ năm 1995 đến năm 1999 là 20.609 giấy và cấp từ năm 2000 đến trước ngày 1-7-2014 là 50.643 giấy. Việc tồn đọng diễn ra ở hầu khắp bảy huyện và TP Thái Bình, nhưng tập trung nhiều nhất tại huyện Kiến Xương (21.873 giấy) và huyện Tiền Hải (12.998 giấy).
Lý giải nguyên nhân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình Trần Duy Hùng cho biết: Đối với Giấy chứng nhận cấp trong giai đoạn năm 1995-1999 không trao được cho người sử dụng là do tình hình mất ổn định an ninh nông thôn ở địa phương những năm 1997-1999. Khi đó, cán bộ cũ thay đổi hoặc sử dụng Giấy chứng nhận làm tài liệu phục vụ thanh tra, kiểm tra sau đó không bàn giao cụ thể cho cán bộ mới (hiện nay số giấy này không còn). Điều đáng nói là khi thực hiện giải quyết tồn đọng về đất đai và dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp (hai lần dồn đổi) thì số Giấy chứng nhận đã ký không còn phù hợp với hiện trạng sử dụng đất, nên cấp xã, cấp huyện không trao được cho hộ sử dụng đất (hiện nay vẫn còn lưu tại huyện, xã). Còn đối với số Giấy chứng nhận cấp từ năm 2000 đến trước ngày 1-7-2014 (trước ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành) bị tồn đọng là do phần lớn người sử dụng đất chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính (chủ yếu khi thực hiện Dự án đo đạc lập bản đồ địa chính gắn với cấp Giấy chứng nhận, gọi tắt là Dự án VLAP).
Tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân đang sinh sống tại Khu Tân Tiến, thị trấn Thanh Nê (huyện Kiến Xương), chúng tôi được biết lý do không đến nhận Giấy chứng nhận theo Dự án VLAP vì họ phải nộp 0,5% lệ phí trước bạ. Theo lý giải của người dân, từ đời ông cha đã cư ngụ trên mảnh đất này, đất không có tranh chấp, các hộ dân cũng không cần Giấy chứng nhận để thế chấp ngân hàng vay vốn sản xuất, nên việc có hay không có Giấy chứng nhận ảnh hưởng không nhiều đến cuộc sống. Trong thời điểm hiện nay việc phải đóng phí trước bạ 0,5% là cả một vấn đề đối với người dân nông thôn. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Đặng Văn Nhu, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Kiến Xương: Nếu cấp được hết Giấy chứng nhận theo Dự án VLAP thì địa phương có hệ thống bản đồ chính quy giúp tra cứu, cập nhật thường xuyên và cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng đất; hình thành một hệ thống đăng ký đất đai hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai. Bên cạnh đó, tiết kiệm chi phí cho người sử dụng đất khi thực hiện cấp mới hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận, giảm bớt tình trạng tranh chấp, nhất là tranh chấp về ranh giới.
Khảo sát tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình, chúng tôi thấy số lượng Giấy chứng nhận đang tồn đọng chưa trao được cho người sử dụng phần lớn tập trung ở giai đoạn thực hiện Dự án VLAP, bởi các nguyên nhân như: Người sử dụng đất chỉ đề nghị nhận Giấy chứng nhận khi có nhu cầu; người sử dụng đất không nộp đủ các thủ tục dân sự; có sự thay đổi về ranh giới, mốc giới, diện tích thửa đất so với nguồn gốc… Do không bàn giao được Giấy chứng nhận cho nên các huyện, các xã đang phải dán niêm phong toàn bộ hồ sơ bảo quản, chờ chỉ đạo của tỉnh. Chỉ có số ít nơi như huyện Hưng Hà, huyện Vũ Thư, số lượng Giấy chứng nhận tồn đọng ở mức thấp bởi cách làm xuất phát từ nhu cầu thực tế của người sử dụng đất chứ không làm đồng loạt như các nơi khác.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay tỉnh Thái Bình khá lúng túng trong việc giải quyết số lượng Giấy chứng nhận tồn đọng. Nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai vốn phức tạp. Tỉnh cần thực hiện ngay việc rà soát, phân loại Giấy chứng nhận đã cấp. Đối với trường hợp cấp theo đúng quy định nhưng chưa trao cho người sử dụng đất, đang lưu tại Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc UBND cấp xã thì các đơn vị này phải chuyển bản chính Giấy chứng nhận đã cấp cho Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai để lưu, lập hồ sơ cấp đổi Giấy chứng nhận. Trường hợp người sử dụng đất chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì thông báo cho người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính trước khi trao Giấy chứng nhận, hoàn thiện thủ tục cấp đổi hoặc đăng ký biến động về đất đai. Đối với trường hợp Giấy chứng nhận đã ký nhưng không bảo đảm theo quy định thì Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cần lập danh sách, tổng hợp gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để làm thủ tục tiêu hủy phôi Giấy chứng nhận theo quy định.
Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ có hiệu quả khi đến được tay người sử dụng đất. Vì vậy, tỉnh Thái Bình cần tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, có nhận thức đúng và có trách nhiệm cùng các cấp, các ngành hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai.