Có thể nói tại Quảng Nam chưa bao giờ tình trạng phá rừng nóng như giai đoạn này. Khi vụ phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước) chưa nguội thì đến phá rừng ở Sông Kôn (huyện Đông Giang) và tiếp đến là phá rừng lim hàng trăm năm tuổi ở Nam Giang. Vừa qua, lại phát hiện vụ tàn phá tan nát Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (KBTTN).
Tan nát khu bảo tồn thiên nhiên
Nhận được tin báo, phóng viên báo Đại Đoàn Kết nhanh chóng có mặt tại KBTTN Sông Thanh. Đây là KBTTN nằm trên địa bàn 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn, giáp biên giới nước bạn Lào với diện tích vùng lõi hơn 93.000ha và hơn 108.000ha vùng đệm.
Nơi đây có khoảng gần 1.000 loài động, thực vật, trong đó có hơn 20 loài đặc hữu của Việt Nam, cùng gần 40 loài nằm trong danh sách đỏ.
Khu bảo tồn thiên nhiên này đã được Bộ NN&PTNT thống nhất chủ trương lập hồ sơ nâng hạng thành Vườn quốc gia Sông Thanh, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đặt mục tiêu xây dựng một trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, cùng một trung tâm nghiên cứu, bảo vệ thực vật loài quý hiếm và định hướng tạo nơi đây thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng lý tưởng. Thế nhưng những gì đang diễn ra thật đáng lo ngại.
Sau khi thương lượng và thống nhất đóng vai nhóm người đi tìm hái nấm lim xanh, một thanh niên ở thôn Pà Xua, xã Bhing, huyện Nam Giang đã đồng ý dẫn đường chúng tôi đi vào vùng rừng bị tàn sát.
Phải băng qua những chặng đường quanh co, với những con dốc dựng đứng đầy nguy hiểm, chúng tôi mới vào đến KBTTN này.
Tại đây, ngay từ bìa rừng đã thấy rất nhiều cây gỗ bị xẻ ra từng phách nằm rải rác dọc bờ sông.
Nhiều cây gỗ to bị triệt hạ nằm ngổn ngang. Có những cây đường kính từ 1m đến hơn 1,5 m. Thân, gốc cây còn ứa nhựa cho thấy lâm tặc vừa mới đốn hạ.
Tiến sâu vào trong rừng, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều phách gỗ vừa mới được xẻ chất thành đống, cùng với đó thân, cành và cây cối ngã đổ cùng những lán trại được dựng lên giống như một đại công trường khai thác gỗ.
Trong lán trại dựng trong KBTTN này, chúng tôi bắt gặp 4 người đàn ông đang làm thịt những con thú vừa mới săn bắt được. Bên cạnh đó là khẩu súng giống AK 47; 2 khẩu súng thể thao khác dùng để bắn thú rừng.
Người dẫn đường cho biết: “Đây không phải là lần đầu những vụ tàn phá rừng diễn ra. Lâm tặc hoạt động lâu dài rồi, cả ngày lẫn đêm. Những phách gỗ sau khi xẻ xong, được bọn chúng chuyển theo đường sông Thanh về xuôi và bằng nhiều cách chuyển bằng đường bộ để đem đi tiêu thụ”.
Ai tiếp tay cho lâm tặc?
Hết tàn phá rừng phòng hộ ở Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước đến huyện Nam Giang, Đông Giang lần này là KBTTN Sông Thanh. Nơi đâu phá rừng cũng quy mô lớn như những đại công trường khai thác gỗ.
Thế nhưng kiểm lâm lúc nào được hỏi cũng cho rằng, mới được nghe thông tin!? Tại sao lực lượng kiểm lâm có chức năng phải bảo vệ rừng lại không biết, luôn luôn đi sau?
Đối với vụ phá rừng này, sau khi ra khỏi rừng, chiều ngày 7/4, trao đổi với ông Đinh Văn Hồng, Hạt trưởng, Giám đốc Ban Quản lý KBTTN Sông Thanh, ông Hồng cho biết, chỉ vừa mới nhận được thông tin trên và khá bất ngờ!?.
Ông Hồng cho rằng: “Tôi mới về đây nhận nhiệm vụ, hiện nay chỉ mới có 19/150 biên chế, thế nhưng trong thời gian qua chúng tôi rất quyết liệt trong Kế hoạch 147 của UBND tỉnh. Ở đây có 75.000 ha, tiếp cận hết không phải một sớm một chiều.
Quanh Sông Thanh thì có vùng lõi và sản xuất của địa phương, không biết ở tọa độ nào nên chưa dám khẳng định cái này của Sông Thanh, của Phước Xuân, Phước Sơn hay của Nam Giang. Nếu có tọa độ chính xác thì tôi mới biết có phải vùng lõi hay không. Chiều nay (7/4), lực lượng của Hạt sẽ băng rừng để vào kiểm tra”.
Còn theo ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam. “Cũng chỉ vừa mới nghe thông tin và đã liên lạc với ông Hồng, nhưng chưa được. Tôi sẽ xác minh thông tin và trả lời sau”- ông Tuấn hứa.
Như Đại Đoàn Kết đã có những bài điều tra phản ánh, về nhiều vụ phá rừng phòng hộ nghiêm trọng, trong đó có vụ tàn phá rừng phòng hộ Sông Kôn, huyện Đông Giang; vụ phá rừng lim hàng trăm năm tuổi ở huyện Nam Giang.
Những vụ việc còn đang rất nóng thì bây giờ đến việc tàn sát KBTTN Sông Thanh. Câu hỏi đặt ra ai tiếp tay để lâm tặc phá rừng? Lâm tặc từ đâu ra? Câu hỏi này rất cần UBND tỉnh Quảng Nam sớm làm rõ.