Quá lo cho Phú Quốc!

 

Đất tăng giá nhanh, giang hồ đổ xô về, rác thải hết chỗ đổ… là những vấn đề làm đau đầu lãnh đạo huyện Phú Quốc (Kiên Giang)

Thông tin Phú Quốc sẽ thành lập đặc khu kinh tế đã kéo theo nhiều đại gia bất động sản từ khắp nơi đổ về mua đất khiến thị trường bất động sản “nóng” lên từng giờ.

Ôm hận vì lỡ bán đất

Từ khi sốt đất đến nay, “cò” đất len lỏi vào tất cả ngóc ngách của Phú Quốc để “săn” đất. Họ là lái xe, chủ quán ăn, công chức, viên chức… Ai cũng có thể trở thành “cò” đất lúc này ở đảo ngọc.

Đất đai ở Phú Quốc “sốt” đến nỗi mỗi sáng ra các quán cà phê hay quán ăn, đâu đâu cũng nghe người ta bàn tán về giá đất. Theo các “cò” đất, đất có vị trí đẹp ở mặt tiền đường Trần Hưng Đạo có giá trên 100 tỉ đồng/công (1.000 m2), đất ở xã Cửa Dương giá dao động từ 1,5-5 tỉ đồng/công, tùy từng vị trí đẹp. Còn đất mặt biển đẹp giá trên 25 tỉ đồng/công nhưng chủ đất vẫn chưa muốn bán. Còn các điểm phân lô bán nền thì giá cũng cao, lúc giá đất chưa “sốt” thì chỉ khoảng 250 triệu đồng/nền 100 m2, bây giờ giá lên cả tỉ đồng.

Anh Hồ Thanh Tú (ở ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương) lúc trước làm lái xe chở nhiều người đi mua đất, bây giờ đất “sốt” giá nên anh cũng kiếm bộn tiền hoa hồng từ nghề “cò” đất. “Tôi dự định mua ô tô chạy dịch vụ nhưng giá đất lên quá nên không mua nữa, để tiền đầu tư đất. Cứ mua bán sang tay kiếm mỗi công vài ba trăm triệu đồng” – anh Tú hồ hởi nói.

Nhiều người dân ở Phú Quốc bỗng chốc giàu lên nhờ đất nhưng cũng có gia đình “ôm hận” vì vội bán đất với giá rẻ do “cò” đất nâng giá, ăn phần chênh lệch cao. Có trường hợp gia chủ vừa bán đất buổi sáng với giá thấp, buổi chiều người mua bán sang tay cao gần gấp đôi. Từ đây phát sinh ra nhiều tranh chấp, lừa đảo.

Mới đây, Công an tỉnh Kiên Giang ra quyết định bắt tạm giam Phạm Thị Thảo Trang (39 tuổi; thường trú xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc) để điều tra hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trang đã dùng 2 thửa đất rộng khoảng 5.500 m2nằm trên đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Dương Đông để bán cho một người dân Phú Quốc với giá 50 tỉ đồng. Việc mua bán đã được công chứng, chờ làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng. Khoảng 1 tháng sau, Trang tiếp tục dùng 2 thửa đất này bán cho một người khác với giá 63 tỉ đồng. Trang nhận tiền cọc 10 tỉ đồng, hứa 30 ngày sau sẽ làm thủ tục chuyển nhượng nhưng không thực hiện.

Tại buổi làm việc của UBND huyện Phú Quốc tại xã Cửa Dương ngày 4-4, ông Đinh Khoa Toàn, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho biết hiện UBND huyện nhận được 253 đơn khiếu kiện, khiếu nại về việc tranh chấp đất đai. Theo ông Toàn, ở đâu có dự án thì ở đó có tranh chấp đất và đặc biệt số lượng đơn đang tăng cao khi giá đất ngày càng “sốt”.

Do nhu cầu mua bán đất ngày càng tăng nên hiện nay, các phòng công chứng trên địa bàn huyện Phú Quốc luôn trong tình trạng quá tải. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại Phòng Công chứng số 1 trên đường 30 Tháng 4 và Phòng Công chứng số 2 trên đường Nguyễn Trung Trực, mỗi ngày có hàng trăm người đến làm công chứng giấy tờ mua bán đất, sang tên đất. Nhiều người phải làm mọi cách để mong được xong việc sớm.


Một phòng công chứng ở Phú Quốc luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Anh Thy

Băng nhóm đổ về

Trước tình hình “sốt” giá đất, huyện đảo này xuất hiện các băng nhóm đến bảo kê trong các vụ tranh chấp, bao chiếm đất. Công an huyện Phú Quốc đã huy động lực lượng trấn áp các băng nhóm bảo kê đất đai, giải quyết 13 vụ tranh chấp đất có đối tượng phức tạp tham gia, mời 138 đối tượng về làm việc, trong đó lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc 5 đối tượng, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 13 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy…. Trong số 138 đối tượng bảo kê bao chiếm đất, 23 đối tượng có tiền án, 66 đối tượng từ nơi khác đến. Ngoài ra, hàng chục vụ khai thác đất đai, khoáng sản trái phép bị phát hiện.

Theo ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, dân cư ở các nơi đi, về Phú Quốc cũng khá nhiều, đặc biệt là số lượng công nhân ra Phú Quốc làm việc. “UBND tỉnh hiện rất chú tâm tới vấn đề tội phạm băng nhóm có tổ chức ở Phú Quốc” – ông Hồng nói.

Vấn đề môi trường cũng khiến lãnh đạo tỉnh và huyện “đau đầu”, đặc biệt là nước thải và rác thải. Theo đó, Phú Quốc đang tiếp nhận hơn 150 tấn rác thải mỗi ngày. Ông Huỳnh Văn Minh, Trưởng Ban Quản lý công trình công cộng huyện Phú Quốc, lo lắng những ngày sắp tới, không biết đổ rác ở đâu, chắc phải cho nhân viên nghỉ làm đến khi có chỗ đổ rác mới.

Theo ông Minh, Phú Quốc hiện có 2 bãi rác, trong đó bãi rác Ông Lang đã đóng cửa nhiều tháng, không tiếp nhận rác nữa. Rác tập trung đổ ở bãi rác An Thới nhưng bãi này đã quá tải, không thể tiếp nhận rác. Trong khi đó, nhà máy xử lý rác thải ở Bãi Bổn đang đóng cửa để nâng cấp, bảo trì, không tiếp nhận để xử lý rác thải.

Ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho biết nhà máy rác ở Bãi Bổn phải đóng cửa vì dây chuyền xử lý rác thải chưa đạt yêu cầu, dự kiến đến tháng 6-2018 mới nhận lại rác. Về nước thải, ông Phạm Vũ Hồng thừa nhận UBND tỉnh đã tìm từ hơn 10 năm trước, tới nay vẫn chưa tìm được nhà đầu tư xử lý nước thải phù hợp.

Công ty A B là nhà đầu tư chuyên nghiệp

Thời gian gần đây, Công ty TNHH Toàn Thịnh Phát liên tục gửi đơn đến ngành chức năng cho rằng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã cấu kết với UBND tỉnh này và Công ty Cổ phần A B Phú Quốc (gọi tắt là Công ty A B) nhằm chiếm đoạt dự án đầu tư và tiền đền bù giải phóng mặt bằng dự án Móng Tay Resort & Spa tại Hòn Móng Tay và mũi Móng Tay ở Phú Quốc mà không thương thảo đền bù thiệt hại cho Công ty Toàn Thịnh Phát.

Về việc này, ông Phạm Vũ Hồng cho rằng Công ty A B là nhà đầu tư có năng lực về tài chính và chuyên nghiệp. Công ty này đầu tư rất nhiều dự án lớn ở TP HCM, Nha Trang… “Ở Phú Quốc, Công ty A B mới đầu tư dự án Móng Tay Resort & Spa là nhỏ thôi nhưng họ làm đúng trình tự thủ tục và rất bài bản. Khi dự án này đưa vào khai thác, tôi cùng đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ghé qua tham quan thì thấy họ làm rất chuyên nghiệp” – ông Hồng nói.

C.Tuấn