Các thành viên đều là tay ngang bởi ở Việt Nam chưa từng có ngành học liên quan voi, tất cả đều bắt đầu từ con số 0 nhưng các anh đều vượt qua bởi lòng yêu nghề vô bờ bến
“Tại sao các anh có thể nói về voi như đang nói về người yêu với tất cả sự quan tâm và niềm thương mến?” – tôi đã thốt lên khi tiếp xúc với những thành viên của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk. Từ anh Thịnh “voi nhà” đến anh Thụ “voi rừng” (tên gọi vui của Trưởng Phòng Bảo tồn voi nhà Phạm Văn Thịnh và Trưởng Phòng Bảo tồn voi hoang dã Đỗ Viết Thụ) đều gãi đầu, gãi tai cười hiền khô: “Voi là loài rất thông minh và tình cảm. Bất cứ ai tiếp xúc nhiều với voi thì dù sớm hay muộn cũng sẽ yêu voi như chúng tôi thôi”.
Bắt đầu từ con số 0
Anh Thụ quê Nam Định, tốt nghiệp ĐH Lâm nghiệp rồi “hành Tây Nguyên” làm kỹ sư. Năm 2011, tỉnh Đắk Lắk thành lập Trung tâm Bảo tồn voi (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thế là anh trở thành nhân viên bảo tồn voi bất đắc dĩ. Còn Cao Quân đã ở tuổi 35 mà đôi mắt lúc nào cũng mơ màng như thiếu nữ. Anh lưu giữ hình ảnh của từng dáng cây, ngọn cỏ trong rừng Yok Đôn. Đang là nhân viên của Vườn Quốc gia Yok Đôn thì anh nhận lệnh chuyển công tác sang trung tâm này.
Khác hẳn Cao Quân, Phan Phú bụi bặm, gầy gò, tóc đôi khi buộc túm trên đỉnh đầu. Tốt nghiệp Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm Đà Nẵng, chuyên ngành công nghệ sinh học nhưng bây giờ Phú là đội trưởng đội chăm sóc voi. Phú “mê” voi đến độ ảnh đại diện trên mạng xã hội của anh thường xuyên là hình những chú voi. Ngay cả chiếc mũ đội trên đầu Phú cũng là một chú voi bông ngộ nghĩnh.
Cao Quân vừa tắm cho Gold vừa hạnh phúc nói: “Phải là những người rất may mắn mới được sống và làm việc cùng voi”
Thịnh cao ngỏng, điềm đạm. “Tôi học ngành bác sĩ thú y của ĐH Tây Nguyên rồi học lên cao học. Mong muốn được giảng dạy nhưng đơn vị mà tôi ứng tuyển thì một năm nữa mới cần người nên đến với việc “chăn voi” làm tạm trong thời gian chờ đợi. Không ngờ lại bị voi níu giữ bước chân từ năm 2011 đến nay”.
Các thành viên của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đều tay ngang rẽ lối “chăn voi”, bởi ở Việt Nam chưa từng có ngành học liên quan voi. Tất cả đều bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh.
Các anh tự tìm mọi kiến thức liên quan đến voi. Đọc, dịch rồi đối chiếu thực tế để tìm ra sự khác biệt giữa voi Việt Nam và voi châu Phi hay voi ở những quốc gia châu Á khác rồi mới lựa chọn kinh nghiệm phù hợp để áp dụng. Thiếu hụt kiến thức thì tự xoay xở khắp các kênh để bổ sung. Trung tâm còn nhận được những giúp đỡ to lớn của các chuyên gia bảo tồn voi quốc tế. Những vấn đề mà các anh phải đối mặt thì quá ư nan giải: Đàn voi hoang dã vì bị con người xâm lấn mất rừng mà sinh ra hung tợn, hết phá phách ruộng rẫy lại xung đột với voi nhà.
Số lượng voi nhà của tỉnh Đắk Lắk suy giảm trầm trọng. Năm 1980 có hơn 500 con nhưng đến năm 2011 chỉ còn lại con số ngoài 40. Đàn voi nhà thì già nua, ốm yếu, bị vắt kiệt sức để phục vụ du lịch. Suốt mấy chục năm trời chỉ có những con voi già chết đi chứ không thấy voi con chào đời, rất nhiều voi cái về trời mà không một lần được biết thế nào là chửa đẻ.
Voi không chỉ là lao động quan trọng như bất cứ thành viên nào trong các gia đình người M’Nông mà còn là biểu tượng của sự quyền quý nên trong một thời gian dài các gia đình không cho voi đực, voi cái “tìm hiểu” nhau. Nhà này kém nhà kia đâu phải là một chú voi con mà đó là quyền thế và “đẳng cấp”. Anh em phải đến từng buôn, gõ cửa từng nhà để thuyết phục các chủ voi tạo điều kiện cho trung tâm lên kế hoạch “gán ghép” các cặp voi, tạo không gian tốt nhất cho chúng “yêu nhau”. Hết chuyện duy trì nòi giống cho voi nhà lại đến chuyện “đấu tranh giảm giờ làm” cho voi.
Anh Thịnh nói giọng lạc hẳn: “Nắng gió mùa hè Tây Nguyên, đến con người còn không muốn ra ngoài đường nhưng mùa hè lại là mùa du lịch. Cứ giữa trưa là du khách đến Buôn Đôn và nhiều vị khách lại muốn thưởng thức “đặc sản” cưỡi voi. Nhìn cảnh những con voi già nua, cắm đầu khó nhọc nhấc từng bước chân trên mặt đường nhựa mà ứa nước mắt”.
Nhờ cả sự hướng dẫn trực tuyến
H’Ban Nang năm nay 38 tuổi, là “nàng” voi mồ côi. H’Băn thành mẹ nuôi, chăm sóc H’Ban Nang từ tấm bé. Khi H’Ban Nang trưởng thành thì H’Băn chuyển đến nơi ở khác. Năm 2016, H’Ban Nang mang thai trong niềm hân hoan của cả cộng đồng người M’Nông. Tỉnh Đắk Lắk, huyện Buôn Đôn và trung tâm đều khấp khởi mừng bởi sau 30 năm Đắk Lắk mới có được một “nàng” voi sinh nở.
“Tập tính của voi là khi có một con trong đàn trở dạ thì những con voi cái khác quây quần xung quanh để hướng dẫn và hỗ trợ. Voi nhà thuần dưỡng đã lâu, lại quá nhiều năm mới có một con chửa đẻ nên hầu hết chúng đã quên tập tính ấy. Trung tâm và các chuyên gia quốc tế quyết định mời mẹ nuôi H’Băn về giúp đỡ H’Ban Nang. Ngay khi hai mẹ con gặp lại và được ở cùng nhau, chúng đã vui mừng, quấn quýt. 13-28 là độ tuổi sinh sản lý tưởng của voi nhưng H’Ban Nang sinh con khi tuổi đã ngấp nghé 40, cơ địa không còn dẻo dai nên voi con chết ngạt trước khi rời bụng mẹ. Lúc đó, mọi người có mặt đều khóc. Cả mẹ H’Ban Nang và bà ngoại H’Băn cũng khóc” – anh Thịnh nhớ lại cuộc vượt cạn giữa năm 2017 của H’Ban Nang mà đôi mắt loáng nước.
Quân, Phú, Ninh thì xúc động thay nhau kể về 2 chú voi con ở Bản Đôn đang sống trong trạm cứu hộ của trung tâm. Ba năm trước, Jun dính bẫy rồi trở thành một ca cứu hộ của trung tâm. Sau một thời gian dài nhiễm trùng chân trái trước, chuyên gia nước ngoài phải chụp X-quang mới phát hiện một cọng thép dài nằm trong chân của Jun. Trung tâm vừa điều trị vừa thuê một voi nhà đến để chơi với Jun. Vết thương chưa lành thì trong lúc 2 voi con nô giỡn, Jun gãy chân. Mỗi lúc thấy Gold chạy nhảy, Jun chỉ biết nhìn theo. Nó trầm tĩnh, già hơn tuổi lên 8 rất nhiều.
Gold nhỏ hơn, mới bước sang tuổi thứ 3, ham chơi và hiếu động. Gold bị rớt xuống giếng cạn khi mới 3-4 tháng tuổi. Sau khi trung tâm nhận thông báo từ người dân và cử anh em đến cứu hộ, Ninh là người nhảy xuống lòng giếng đầy bùn, buộc dây quanh bụng voi để mọi người kéo lên. Gold về trạm, anh em phải nhờ sự hướng dẫn trực tuyến từ các chuyên gia bảo tồn voi quốc tế để tắm rửa và pha sữa bột cho “em bé voi” bú bình.
Câu chuyện tìm mẹ cho Gold xúc động như bất cứ cuộc tìm người thân nào của loài người: Khi người dân báo có đàn voi rừng đến giếng cạn, đoán chắc chúng về tìm voi con nên ngay đêm đó anh em đưa Gold trở lại giếng. Sớm hôm sau, các anh đến kiểm tra thì chỉ thấy cũi bị phá còn Gold đang thơ thẩn chơi cách đó không xa. Thêm 3 lần nhẫn nại tìm mẹ, tìm đàn cho Gold không thành công, các anh cùng chuyên gia nước ngoài mới giật mình.
“Đàn của Gold, mẹ của Gold về tìm nhưng không nhận con bởi tuyến mồ hôi của Gold đã thay đổi do uống sữa bột. Voi dù thông minh nhưng cũng như mọi động vật khác, chúng chỉ nhận ra nhau qua mùi. Mẹ Gold đã vô tình chối bỏ con và Gold trở thành “đứa trẻ” bị bỏ rơi” – Xuân Ninh vừa vuốt ve Gold vừa kể.
Thấy mình quá bé nhỏ
Tôi có những người bạn cùng quê, tay trắng lập nghiệp trên đất kinh kỳ, tuổi 30 đã đủ đầy nhà sang, xe đẹp, điều hành công ty lớn nhỏ. Tôi rất nể họ. Còn trước những gã đương tuổi 30 trót “phải lòng” voi này – sự mạch lạc, khúc chiết và đầy lòng trắc ẩn của Thịnh; tâm hồn nhạy cảm và sự tử tế của Quân; trái tim luôn ấm nóng và đong đầy yêu thương của Ninh, của Phú… – trước sự lặng lẽ hy sinh, lặng lẽ dâng hiến của họ, tôi luôn thấy điêng điếng, tê tê. Họ khiến tôi cảm phục và thấy mình bé nhỏ. |
Thay nhau ôm cho Gold bớt sợ
Sang năm thứ 7 kể từ ngày thành lập, các hạng mục công trình xây dựngphục vụ hoạt động của trung tâm bây giờ mới bắt đầu được triển khai. Trạm cứu hộ là ngôi nhà cấp 4 thấp tè dưới tán rừng khộp. Cao Quân lãng đãng, mơ màng trong giọng nói: “Những ngày Gold mới đến trạm, đêm nào nó cũng kêu khóc rất tội. Anh em phải thay nhau nằm dưới nền đất lạnh ôm Gold cho nó ấm và bớt sợ. Anh Thịnh còn có những đợt ở lại trạm từ ngày này qua ngày khác để túc trực bệnh nhân Jun. Chúng tôi đùa có khi anh yêu voi hơn cả cô vợ mới cưới trong thành phố. Nếu không là tình cảm gắn bó giữa những chú voi với các anh em thì đúng là rất khó để chúng tôi ở lại với cảnh thiếu thốn trăm bề như thế”. |