Các chuyên gia về môi trường và xã hội của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) đã cảnh báo trong Hội nghị Quốc tế MRC lần thứ ba tại Siem Reap (Campuchia), rằng việc phát triển đập thủy điện trên sông Mê Kông có nguy cơ phá hủy lưu vực sông với những tác động nghiêm trọng đến môi trường, kinh tế và xã hội. Việc phát triển thủy điện cũng sẽ làm trầm trọng tình trạng mất an ninh lương thực, đói nghèo trong khu vực và đảo ngược các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
Theo các chuyên gia từ MRC, kết quả nghiên cứu về kịch bản phát triển toàn bộ đập thủy điện như dự kến trên sông Mê Kông cho thấy sinh khối cá và đa dạng sinh học sẽ bị tổn hại nặng nề, gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn thức ăn, suy dinh dưỡng và ảnh hưởng tới thu nhập của người nghèo. Về mặt kinh tế, những tổn hại này còn lớn hơn các lợi ích thu được từ đầu tư phát triển thủy điện. Đặc biệt, Thái Lan được cho là chịu ảnh hưởng về kinh tế và sinh thái lớn nhất theo thông tin từ báo cáo.
Tổn thất kinh tế và an ninh lương thực
Chuyên gia kinh tế xã hội của MRC, bà Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết các kịch bản năm 2020 và 2040 cho thấy nếu việc phát triển đập thủy điện trên sông Mê Kông tiếp tục được thực hiện theo kế hoạch, lợi ích kinh tế cho khu vực sẽ bị lu mờ trước những tác động tiêu cực của nó.
Bà cũng khẳng định tác động từ các con đập ảnh hưởng rất lớn đến an ninh lương thực trong khu vực, bởi vì các bãi cá trên sông Mê Kông – là nguồn lương thực và thu nhập chính cho người dân trong khu vực sẽ bị giảm sút.
“Mặc dù ngành nông nghiệp có thể tăng năng suất trong những năm đầu từ việc tưới tiêu tốt hơn và ít bị đe dọa do lũ lụt và hạn hán, nhưng việc thiếu phù sa về hạ lưu sẽ làm cho đất đai kém màu mỡ và làm giảm năng suất nông nghiệp về lâu dài”, bà nói.
Việc mất phù sa cũng có thể dẫn đến các tác động kinh tế khác cho các quốc gia ở lưu vực sông Mê Kông. Như nghiên cứu của Sopheap Lim cho thấy đến năm 2040, gần 97% trầm tích sẽ bị giữ trong hồ chứa ở các đập thượng lưu và chỉ có 3% về được đồng bằng.
Kéo theo đó sẽ là sự xói mòn nghiêm trọng ở ĐBSCL của Việt Nam và dọc theo bờ sông từ Vientiane (Lào) đến Stung Treng (Campuchia), buộc chính phủ các nước dọc sông Mê Kông phải đầu tư 6,8 tỷ đô la vào gia cố bờ sông.
“Từ những kết quả này, sự mất an ninh lương thực và đói nghèo sẽ tăng lên trong khu vực. Người nghèo ở Lào và Campuchia sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Những tác động bất lợi này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế vi mô mà nó còn xảy ra ở quy mô lớn”, bà Minh nói.
Theo nghiên cứu của bà, mức tăng trưởng trung bình GDP cho các nước hạ lưu sông Mê Kông có thể giảm xuống còn 29 tỷ USD trong khi Thái Lan sẽ bị tổn thất kinh tế lớn nhất lên đến 11 tỷ USD. Lào và Campuchia sẽ phải đối mặt với sự tổn thất về tăng trưởng GDP khoảng 9 tỷ USD.
Bà nói thêm rằng cùng với các tác động của biến đổi khí hậu, tác động tổng thể đối với kinh tế xã hội và môi trường sẽ nghiêm trọng hơn và lợi ích từ thủy điện cũng sẽ giảm xuống.
Đa dạng sinh học
Về những ảnh hưởng đến quần thể các loài cá, hệ sinh thái và đa dạng sinh học, ông So Nam, Trưởng Ban quản lý môi trường của MRC cho biết hơn 900.000 tấn sinh khối cá ở sông Mê Kông sẽ mất đi do tác động của các đập đến năm 2040, tương đương 4,3 tỷ USD.
Theo nghiên cứu của ông, Thái Lan sẽ có tỷ lệ tổn thất số lượng cá cao nhất vào năm 2040 với con số 55%, theo sau là Lào, Campuchia và Việt Nam theo tỷ lệ tương ứng là 50, 35 và 30.
Do sự thay đổi của hệ sinh thái sông từ việc tạo ra các hồ chứa nên nhiều phần của sông Mê Kông sẽ biến đổi thành hệ sinh thái hồ, điều này không phù hợp với nhiều loài thủy sinh bản địa của dòng sông và cuối cùng sẽ đẩy chúng đến ranh giới tuyệt chủng. Trong khi đó, các loài ngoại lai hiện đang sống trên dòng sông này sẽ phát triển và chiếm ưu thế trong hệ sinh thái mới – ông So Nam cho biết.
Ông cũng cảnh báo rằng việc phát triển thủy điện sẽ làm giảm khả năng thích ứng của các hệ sinh thái thủy sinh của sông trước biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, một quan chức chính phủ Lào giấu tên đã bác bỏ các kết quả nghiên cứu trên và cho rằng đó chỉ là dự đoán. Vị quan chức này cũng khẳng định rằng các đập thủy điện là rất cần thiết để giải quyết vấn đề nghèo đói và sẽ cung cấp lợi ích kinh tế lớn cho không chỉ ở Lào mà cả khu vực. Đồng thời, mặc dù thừa nhận rằng cá và đa dạng sinh học của con sông đang bị đe doạ, nhưng vị này nhấn mạnh rằng tác động của đập chỉ là một trong những yếu tố. Nước thải từ nông nghiệp và các thành phố, đánh bắt quá mức và biến đổi khí hậu đã làm giảm số lượng cá trên sông.
Đỗ Hiếu (Theo nationmultimedia.com)