Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về Phát triển bền vững (RIO+20) đã thông qua Tuyên bố chung “Tương lai chúng ta mong muốn” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển do vấn đề chất thải nhựa trên biển (marine plastic waste) gây ra. Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 25/9/2015 cũng đưa ra một kế hoạch hành động gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và 169 chỉ tiêu cụ thể, trong đó có những mục tiêu (11, 12 và 14) liên quan nhiều đến vấn đề rác thải nhựa trên biển. Việc xác định các nguồn phát sinh cũng như khối lượng chất thải nhựa trong môi trường biển và ven biển sẽ giúp cho việc quản lý chất thải, ngăn ngừa nguy hại tới đời sống thủy sinh. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc đánh giá thực trạng phát sinh, kiểm soát, quản lý chất thải nhựa trên biển còn chưa thực sự được quan tâm, trong khi đó chưa có những quy định cụ thể về quản lý chất thải nhựa biển.
Chất thải nhựa thường bao gồm các đồ bọc, chứa thực phẩm, mũ, nắp đậy, chai, túi nhựa, vật dụng dùng một lần (như thìa, dĩa, dao,…). Do khối lượng rất nhẹ nên chúng bị phân tán trên toàn cầu từ châu lục này đến châu lục khác nhờ sóng biển, tồn tại dai dẳng trong môi trường và hầu như không chịu bất cứ thay đổi sinh học nào do tính chất khó phân hủy. Chất thải nhựa có xu hướng trở nên có kích thước nhỏ hơn thông qua quá trình vật lý, điều này khiến cho nhựa có kích thước dưới 5 milimet dễ dàng đi vào chuỗi thức ăn dưới nước. Ngoài ra nhiều loài động vật biển như rùa, chim biển lại nhầm tưởng chúng là cỏ biển. Điều này khiến hệ thống tiêu hóa của các con vật này bị gián đoạn hoặc ngăn chặn, gây thiếu chất dinh dưỡng cũng và nhiễm độc, có thể dẫn đến cái chết của các sinh vật. Trong Ngày Làm sạch bờ biển quốc tế (The International Coastal Cleanup) 21/9/2012 hơn 60% lượng chất thải là nhựa đã được ghi nhận trên tổng số 4.513 tấn thải đã thu gom được. |
Nguồn gốc chất thải nhựa trên biển
Việt Nam hiện chưa có nhiều nghiên cứu lý luận, kinh nghiệm trong việc đánh giá thực trạng phát sinh, kiểm soát, quản lý chất thải nhựa trên biển, song cũng đã có một số ít dự án liên quan đến quản lý chất thải biển. Đơn cử, dự án do Cục Điều tra và Kiểm soát Tài nguyên môi trường Biển thực hiện đã có hoạt động đánh giá các nguồn gây ô nhiễm biển từ đất liền và các hoạt động trên biển cùng một số hoạt động kiểm soát, quản lý chất thải biển đối với các vùng biển Quảng Ninh-Hải Phòng, Đà Nẵng-Quảng Nam và Bà Rịa Vũng Tàu-TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, các nguồn gây ô nhiễm chính liên quan đến chất thải nhựa biển gồm có nguồn thải trên đất liền và nguồn thải trên biển.
Nguồn thải trên đất liền chủ yếu là nguồn thải gắn với các hoạt động đô thị hóa và công nghiệp hóa vùng ven biển. Cụ thể: ở khu vực Quảng Ninh-Hải Phòng, nước thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp hầu hết không qua xử lý khiến nước trên nhiều đoạn sông đen đặc nước thải với chất thải rắn bốc mùi hôi thối. Nước thải sinh hoạt cũng không qua xử lý được đổ thắng xuống các hồ, sông trên địa bàn làm gia tăng ô nhiễm môi trường nước. Trong khi đó, chất thải rắn sinh hoạt chưa được thu gom triệt để, việc xử lý chủ yếu là chôn lấp. Một số địa điểm chôn lấp rác của thành phố Hạ Long như Hà Lầm, Hà Khẩu luôn trong tình trạng quá tải. Ngoài ra, người dân sống bên bờ vịnh có thói quen đổ trực tiếp rác thải ra vịnh. Riêng ở khu vực Đà Nẵng-Quảng Nam, mặc dù nước thải sinh hoạt của thành phố Đà Nẵng đã được thu gom, xử lý tập trung trước khi thải ra sông và biển, tuy nhiên, vẫn còn một số khu vực nước thải chưa được xử lý, một số vị trí cống đô thị riêng lẻ, nước thải được thải trực tiếp vào biển Đông và vịnh Đà Nẵng. Các khu kinh tế, cụm công nghiệp ven biển Đà Nẵng-Quảng Nam cũng có nhiều tác động đến chất lượng nước biển vùng ven bờ bởi vì lượng rác thải mang ra môi trường là rất lớn cũng như mức độ nguy hiểm của các chất thải.
Ngoài các hoạt động đô thị hóa và công nghiệp thì các hoạt động giao thông và vận tải thủy nội địa, các cảng biển, cảng sông cũng đóng góp không nhỏ vào việc gia tăng lượng chất thải trên biển, đơn cử tại khu vực Quảng Ninh-Hải Phòng, việc hàng chục nghìn lượt tàu thuyền ra vào cảng và phương tiện thủy nội địa hoạt động đã thải ra sông, biển hàng nghìn tấn chất thải sinh hoạt mỗi năm. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng, tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại các cảng của thành phố hơn 4.200 tấn/năm. Không chỉ hoạt động giao thông, quá trình tháo dỡ, nhận, xếp, bảo quản, vận chuyển, giao hàng hóa tại các bến cảng cũng tạo ra nhiều chất thải. Rác thải từ hàng hóa đổ vỡ, rơi vãi, vật liệu chèn lót, chằng buộc hàng cũng được đổ thẳng xuống biển sau khi kết thúc giao hàng. Trong khi đó, hầu hết các phương tiện thủy nội địa đều thiếu bộ phận thu gom chất thải, ý thức chấp hành quy định an toàn hàng hải và vệ sinh môi trường của các chủ phương tiện chưa cao nên thường gây ô nhiễm môi trường vùng nước biển ven bờ.
Với hoạt động du lịch, tình trạng ô nhiễm tại các khu du lịch và nghỉ dưỡng ven biển ở nước ta hiện nay rất phổ biến. Nguyên nhân là do các cơ sở kinh doanh du lịch chưa có hệ thống xử lý nước thải; du khách vứt rác bừa bãi; những người bán hàng rong không thu gom rác, đồ ăn thừa do khách vứt bỏ; lượng chất thải từ các khách sạn, nhà hàng ven bờ, nhà hàng nổi tăng nhanh theo lượng du khách gia tăng trong khi hầu hết lại chưa được xử lý hoặc xử lý thủ công… Nhiều điểm du lịch không có thùng rác công cộng, hệ thống xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt yếu kém, vì vậy, ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ, cảnh quan tự nhiên, chất lượng các nguồn nước.
Một trong những nhân tố “đóng góp” không nhỏ nữa là hoạt động nông nghiệp. Rác thải nông nghiệp nhiều và đa dạng, từ rác thải sinh hoạt đến chất thải từ thu hoạch cây trồng, phân gia súc, gia cầm, bao bì phân bón, thuốc trừ sâu… Một số phụ phẩm nông nghiệp và phân gia súc, gia cầm được xử lý bằng chôn lấp, ủ làm phân bón hoặc biogas. Rác thải nông nghiệp còn lại hầu hết chưa được thu gom, xử lý hoặc xử lý không đúng cách. Đặc biệt, rác thải là bao bì phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật thường bị vứt bỏ ngay ngoài đồng ruộng. Các loại rác này sẽ theo dòng nước mưa chảy vào các thủy vực, cửa sông ven bờ và đổ ra biển.
Cuối cùng, hoạt động nuôi trồng thủy sản và nguồn thải do sông cũng làm gia tăng lượng chất thải trên biển đáng kể. Hiện biển Cát Bà có tới 571 bè nuôi với hơn 10.000 ô lồng nuôi cá (cuối tháng 10/2008) và hầu hết rác thải sinh hoạt từ các hộ sống trên bè nuôi và các bè kinh doanh ăn uống đều thải xuống biển. Tại Quảng Ninh, các nhà bè trên biển (625 nhà bè trên vịnh Hạ Long) và dân cư các làng chài (khoảng 2.500 người) đã thải ra lượng lớn nước thải, rác thải… gây ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, nguồn ô nhiễm do sông mang ra vùng biển ven bờ QuảngNinh-Hải Phòng cũng rất lớn, đặc biệt có các loại rác thải khó phân hủy như túi ni lông, cao su, chai nhựa… được rửa trôi từ các khu đô thị, khu công nghiệp, các vùng đất gieo trồng và lượng nước thải từ các nguồn trên lưu vực trực tiếp đổ vào sông.
So với các nguồn thải chủ yếu từ đất liền thì nguồn thải trên biển (hoạt động vận tải trên biển, đánh bắt xa bờ; các sự cố, tai biến thiên nhiên, rác thải trôi nổi trên biển và các hoạt động khác) tuy đóng góp ít hơn, song cũng không hề nhỏ. Các phương tiện hoạt động vận tải trên biển đã tạo ra một lượng rác thải biển đáng kể, trong đó rác trên tàu bao gồm nhiều loại như các loại nhựa, thủy tinh, bao gói… Số lượng và tính chất của rác thải phụ thuộc nhiều vào kích cỡ và loại tàu. Những tàu đánh bắt xa bờ thường đi trên biển dài ngày nên phải sơ chế hải sản đánh bắt để bảo quản. Các chất hữu cơ sau khi sơ chế được thải trực tiếp xuống biển cùng với lượng rác và nước thải sinh hoạt trên các tàu cũng là một nguồn rác thải biển.
Đối với các sự cố, tai biến thiên nhiên, rác thải trôi nổi trên biển và các hoạt động khác, do vị trí địa lý nên khu vực Đà Nẵng-Quảng Nam có sự thay đổi thất thường về thời tiết, hàng năm có từ 6-7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đi vào bờ biển của khu vực. Thiệt hại do bão gây ra là rất lớn về người và của, tác động lớn đến môi trường biển. Bão, lũ lụt có thể kéo theo các nguồn rác thải từ đất liền ra biển; làm hư hại cơ sở vật chất trên đất liền dẫn đến nguy cơ các chất nguy hại bị thất thoát cùng với các loại rác thải khác sẽ bị di chuyển ra vùng biển.
Đáng chú ý là mặc dù có thể xác định được nguồn gốc chất thải nhựa biển như vậy, hiện nay chưa có đánh giá về tổng lượng chất thải nhựa đi vào biển mỗi năm cũng như tổng lượng chất thải nhựa hiện có ở trên biển.
Thực trạng quản lý và giải pháp đề xuất
Theo đánh giá hoạt động thu gom rác thải trôi nổi ở vùng biển Quảng Ninh-Hải Phòng, Đà Nẵng-Quảng Nam và Bà Rịa Vũng Tàu-TP. Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Dự án thực hiện năm 2010-2013 của Cục Điều tra và Kiểm soát tài nguyên môi trường biển, khu vực ven bờ biển của các vùng này có rất nhiều loại chất thải trôi nổi trên biển từ chất thải đô thị, chất thải sinh hoạt, đến chất thải từ các hoạt động nông nghiệp, bệnh viện, chất thải từ những hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, từ giao thông vận tải trên biển, tảo độc, sinh vật từ các khu vực biển bị ô nhiễm phú dưỡng,… Trong các loại chất thải trên có nhiều loại khó phân hủy như túi ni-lông, cao su, nhựa,… trôi nổi trên biển gây ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và mỹ quan.
Điều đáng lo ngại nhất là rác thải trôi nổi còn bắt gặp nhiều ở các cửa sông, khu neo đậu tàu thuyền, khu dân cư và khu phát triển du lịch. Tại một số khu du lịch bãi tắm gần các khu dân cư như Bãi Cháy, Trà Cổ, Đồ Sơn…, rác thải tích tụ nhiều gây ô nhiễm môi trường. Một trong những nguyên nhân là do ý thức kém của cả du khách và các hộ kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, hầu như rác thải trôi nổi trên biển không được thu gom, kiểm soát. Tại Hạ Long, hiện mới chỉ có Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thực hiện dự án thu gom rác trôi nổi trên vịnh Hạ Long trong thời gian hai năm với kinh phí rất hạn hẹp nên hiệu quả thu gom chưa cao. Trong khi đó, toàn tỉnh Quảng Ninh chỉ có 6 phường ở thành phố Hạ Long có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn cũng rất thấp, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Chất thải rắn chủ yếu được xử lý bằng chôn lấp tại các bãi rác, có khả năng gây ô nhiễm môi trường lớn.
Tại thành phố Đà Nẵng, công tác thu gom rác thải sinh hoạt khá tốt, việc di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được thực hiện thành công. Một số điểm nóng đã cơ bản được giải quyết góp phần giảm thiểu ô nhiễm. Việc vận hành các trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị góp phần ngăn ngừa cơ bản tình trạng xả nước thải đô thị ra các lưu vực sông, biển của thành phố.
Với khu vực Bà Rịa Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát ô nhiễm công nghiệp, trong đó tập trung vào việc xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp, di dời và xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh việc xử lý chất thải rắn, trong đó có chất thải nhựa bằng phương pháp chôn lấp, đã có những cơ sở tái chế chất thải nhựa đặc biệt là túi ni lông thải thành các vật liệu xây dựng, vật liệu composite. Về phương pháp này, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng đã nghiên cứu và xây dựng thành công quy trình công nghệ xử lý tái chế rác thải ni lông làm ván ép nhựa dùng để thay thế gỗ, sắt thép cho một số lĩnh vực đặc thù nhất định trong xây dựng. Loại ván ép này đã được Viện vệ sinh an toàn lao động (Bộ Y tế) kiểm nghiệm, cho kết quả an toàn với môi trường và con người. Thiết bị của dây chuyền xử lý tái chế rác thải ni lông làm vật liệu xây dựng cũng khá đơn giản, gồm máy xé túi ni lông, máy sấy rửa, máy sấy và máy nghiền ni lông. Đặc biệt, công nghệ thiết bị này có thể được cung cấp từ các nguồn nhập khẩu hoặc do Việt Nam tự chế tạo. Việt Nam cũng đã xây dựng thành công công nghệ tái chế nhựa PET phế thải thành nhựa polyester không no để chế tạo vật liệu composite ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như giao thông vận tải, xây dựng, thủy sản và bưu chính viễn thông.
Ngoài các giải pháp về kỹ thuật, để quản lý, kiểm soát ô nhiễm chất thải nhựa trên biển, cần xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, xử lý tốt các loại nước thải, chất thải rắn, tăng cường tái chế chất thải nhựa giúp làm giảm lượng chất thải nhựa đi vào môi trường biển. Bên cạnh đó, cần từng bước xây dựng hệ thống các cơ quan quản lý, kiểm soát môi trường biển, đặc biệt là các lực lượng thực thi nhiệm vụ trên biển như Ủy ban tìm kiếm cứu nạn, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, Hải quân; thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát môi trường như ĐTM, ĐMC, tiêu chuẩn môi trường đối với hoạt động trên biển, ven biển; thực hiện quan trắc, giám sát, thanh tra đối với các hoạt động trên biển; thu gom, xử lý chất thải có nguồn gốc từ các hoạt động trên biển, ven biển; điều tra, đánh giá hiện trạng rác thải trôi nổi không rõ nguồn gốc trên biển.
Về mặt chính sách pháp luật, cần hoàn thiện chính sách pháp luật, tổ chức bộ máy về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; kiện toàn hệ thống các cơ quan quản lý, kiểm soát môi trường biển, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các bên liên quan trong quản lý, kiểm soát môi trường biển nói chung, quản lý, kiểm soát rác thải biển nói riêng; hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường biển trong đó có quan trắc chất thải nhựa biển nhằm theo dõi xu hướng, diễn biến của chất thải nhựa trong các vùng biển và ven biển; xây dựng cơ sở dữ liệu về lượng (số lượng và khối lượng), thành phần chất thải nhựa có trên biển và lượng, thành phần chất thải nhựa đi vào biển hàng năm, lượng thu gom và xử lý chất thải nhựa biển. Bên cạnh đó, cần áp dụng các công cụ kinh tế để điều chỉnh hành vi của nhà sản xuất và người tiêu dùng, qua đó cắt giảm tối đa lượng chất thải nhựa phát sinh, đồng thời tăng cường nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ phục vụ quản lý, kiểm soát hiệu quả chất thải nhựa biển; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chất thải nhựa biển.
Tài liệu tham khảo
1. Ths. Dương Thị Phương Anh (2016), Báo cáo tổng hợp Đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát chất thải nhựa trên biển”, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.
2. Cục Điều tra và Kiểm soát tài nguyên và môi trường biển, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (2013), Báo cáo tổng kết Dự án “Kiểm soát ô nhiễm biển do các hoạt động kinh tế-xã hội vùng biển Quảng Ninh-Hải Phòng, Đà Nẵng-Quảng Nam và Bà Rịa-Vũng Tàu-Tp. Hồ Chí Minh”.
3. Ths. Trần Quang Ninh, Chất thải nhựa, túi nilon và công nghệ xử lý, Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.
4. Agamuthu P., Fauziah S.H, FS-Marine and Coastal Plastic Waste Quantity.
5. Ocean Conservancy (2012), The Ocean Trash Index – Results of the International Coastal Cleanup (ICC).
Dương Thị Phương Anh, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường