Theo quy định từ phía cơ quan chức năng tỉnh Quảng Tây Trung Quốc, các thông tin cần phải có gồm: tên sản phẩm trái cây, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh.
Sau khi có thông tin kể từ 1-4, các doanh nghiệp truy xuất khẩu trái cây, rau củ sang Trung Quốc phải đảm bảo các điều kiện về hồ sơ chứng nhận xuất xứ để tiện truy xuất chất lượng, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam đang lo ngại vì để đáp ứng quy định này sẽ cần phải có thời gian và bỏ ra những khoản chi phí phát sinh.
Theo quy định từ phía cơ quan chức năng tỉnh Quảng Tây Trung Quốc, các thông tin cần phải có gồm: tên sản phẩm trái cây, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin kể trên đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả để có thể kiểm tra khi cần thiết.
Mặc dù yêu cầu được phía cơ quan kiểm dịch và quản lý chất lượng nông sản tỉnh Quảng Tây đưa ra đối với các doanh nghiệp của tỉnh này, tuy nhiên điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Quảng Tây phải cung cấp thông tin truy xuất, hồ sơ truy xuất cho đối tác là các doanh nghiệp nhập khẩu bên phía Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi về việc quy định mới này sẽ là rào cản xuất khẩu đối với doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, ngày 1-4, thông tin từ Bộ Công thương khẳng định, quan điểm của Bộ Công thương thì đây là biện pháp giúp bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, giúp truy xuất được nguồn gốc khi có sự cố xảy ra, được nhiều quốc gia áp dụng và hiện cũng đang được đưa vào áp dụng ở Việt Nam. Căn cứ chủ trương chung của chúng ta về việc từng bước “chính ngạch hóa” thương mại biên giới, các nội dung mà tỉnh Quảng Tây yêu cầu cung cấp là không quá khó đối với các doanh nghiệp xuất khẩu làm ăn nghiêm túc.
Tuy nhiên, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết: “Chúng tôi là cơ quan chính thống về kiểm dịch thực vật xuất khẩu chưa nhận được thông tin chính thức từ cơ quan kiểm dịch thực vật Trung Quốc”.
Theo ông Trung, nếu thông tin mà Bộ Công thương thông báo là đúng thì văn bản chính thống của cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc gửi Cục Bảo vệ thực vật chưa đến. Nhưng cũng có thể các thông tin mà Bộ Công thương đưa ra là không đúng. Trên thực tế tại thời điểm này, việc thông thương giữa các cửa khẩu của 2 nước vẫn diễn ra bình thường, cơ quan kiểm dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn triển khai công việc như trước, hàng ngày tiếp xúc công việc với nhau và phía Trung Quốc chưa có bất kỳ thông tin nào về việc này.
Ông Hoàng Trung cũng khẳng định, về mặt nguyên tắc, Trung Quốc với Việt Nam đều tham gia WTO và đều thống nhất rằng, khi có bất kỳ biện pháp gì thay đổi phải thông báo cho cơ quan chính thức phía bên kia để có biện pháp và thời gian thích ứng để triển khai.