Nhiều thanh niên ở Đắk Lắk khởi nghiệp làm nông nghiệp sạch

Trước sự báo động về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, gần đây, một số thanh niên ở tỉnh Đắk Lắk đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nông nghiệp sạch.

Ngay từ khi còn học sinh, Nguyễn Thế Hạnh ở thôn 8, xã Cư Ebur, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã có ước mơ sẽ trở thành một nông dân sở hữu những tiến bộ khoa học – kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch phục vụ người tiêu dùng. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp ngành trồng trọt, trường Đại học Nông lâm TPHCM, kỹ sư Nguyễn Thế Hạnh đã xin làm việc tại  một số công ty hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp.


Giới trẻ Đắk Lắk mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp sạch (Ảnh minh họa: KT)

Sau 5 năm tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, anh quyết định thuê 1,5 hecta đất trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại quê nhà. Đến nay, trang trại rau sạch này đã cho thu hoạch 600 kg rau/tháng, gồm nhiều chủng loại như: rau thơm, xà lách, bầu, bí, cải bó xôi, cải thìa, mướp đắng, cà rốt… cho thu lãi hàng tháng khoảng 25 triệu đồng.

“Lượng rau sạch ở địa phương mình còn ít, nên tôi mở trang trại rau sạch để cung cấp cho các trường học để các em có điều kiện sử dụng rau sạch. Thời gian tới tôi sẽ cố gắng giữ ổn định chất lượng 1,5 hecta rau này, sau đó có thể nâng diện tích lên 2 hecta”, anh Nguyễn Thế Hạnh cho biết.

Đang có công việc văn phòng ổn định tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng năm ngoái, chị Nguyễn Thị Hồng Nhi đã quyết định trở về quê để xây dựng cơ sở cung cấp các giải pháp rau sạch tại xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Chị Nhi cho biết, ở xã Ea Na nhiều gia đình đã gắn bó với nghề trồng rau, tuy nhiên, chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống nên năng suất chất lượng không cao, lại phụ thuộc quá nhiều và thời tiết.

Để khắc phục những hạn chế đó, cơ sở cung cấp các giải pháp rau sạch của chị Nguyễn Thị Hồng Nhi được mở ra, nhằm hướng dẫn kỹ thuật trồng rau thủy canh, bán thủy canh và trồng rau trên đất theo phương pháp mới, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiến tiến vào sản xuất.

“Gia đình mình thuần nông nên mình suy nghĩ là tại sao mình phải đi ra các thành phố lớn để lập nghiệp, tại sao mình không lập nghiệp trên chính quê hương mình? Mình thấy Đắk Lắk chủ yếu là trồng các cây công nghiệp, cây lâu năm nhưng mình muốn có một hướng đi mới. Thật ra, người dân ở đây không phải không có điều kiện để làm mà đôi khi họ không tiếp cận được các phương pháp mới. Mình suy nghĩ như vậy nên mình quyết định làm”, chị Nhi chia sẻ.

Lớn lên ở xã biên giới Ya Tmốt, huyện Ea Súp, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, không thuận lợi cho việc canh tác các loại cây trồng, thanh niên Nguyễn Quốc Cường đã trải qua nhiều công việc khác nhau, từ lái xe đến nhân viên khai thác bảo hiểm nhưng thu nhập không ổn định.

Cuối năm 2015, khi được Huyện đoàn Ea Súp cho đi tham quan mô hình trồng nấm ở huyện Krông Ana, anh Cường quyết tâm chọn nghề trồng nấm rơm trong nhà làm hướng phát triển kinh tế. Ưu điểm của cách làm này là không chịu hưởng bởi thời tiết, chủ động được nhiệt độ và ẩm độ, giúp nấm phát triển tốt, đạt năng suất cao. Hơn nữa nguồn nguyên liệu làm nấm rơm ở Ea Súp rất lớn, nấm lại là mặt hàng thực phẩm sạch được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Đến nay, anh Cường đã có 400m2 nhà nấm, không chỉ thu lãi hàng tháng khoảng 50 triệu đồng, mà còn tạo việc làm cho 8 lao động với mức lương từ 3.000.0000 đến 4.000.000 đồng. “Hiện tại số lượng sản phẩm chưa nhiều nên chủ yếu xuất nấm tươi, còn hướng về tương lai khi số lượng thành viên tăng lên thì sẽ hướng tới làm sản phẩm sấy khô. Hiện nay thì số lượng nấm cung cấp ra thị trường chưa nhiều và đang còn thiếu và giá cả ổn định, dao động từ 60.000 đến 80.000 đồng/ký tùy thời điểm, và lượng tiêu thụ ở Đắk Lắk vẫn còn nhiều”.

Bằng sức trẻ, ham học hỏi, dám nghĩ dám làm, biết phát huy những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, nhiều thanh niên ở Đắk Lắk đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch. Đây là tiềm năng, thế mạnh của địa phương cần được phát huy; không chỉ giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập mà còn tạo ra nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Nguồn: