Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260km với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giáp biển (chiếm 38,2% diện tích tự nhiên và 41,1% dân số cả nước) và hơn 3000 đảo lớn nhỏ cùng 125 bãi biển có bãi cát mịn, đẹp, có giá trị đặc biệt về phát triển du lịch biển. Nhận thấy tiềm năng đầy triển vọng này, nhiều nhà đầu tư đã tiến hành xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng tại các khu vực biển đảo với hệ thống resort – khu nghỉ dưỡng sang trọng, hiện đại, đặc biệt là tại các khu vực có vị trí biển, đảo đẹp và nổi tiếng như Hạ Long, Cát Bà, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Khánh Hòa… Việc mọc lên ngày càng nhiều các công trình này tuy góp phần “thay da đổi thịt” bộ mặt kinh tế của các vùng ven biển, song điều đáng quan ngại là sự phát triển ồ ạt của các dự án đã và đang khiến quy hoạch du lịch biển bị phá vỡ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên – môi trường biển cũng như an ninh – an toàn của các điểm đến du lịch biển.
Resort “mọc” như nấm
Trong số những thành phố du lịch biển nổi tiếng Việt Nam có số lượng resort – khu nghỉ dưỡng phát triển bậc nhất phải kể đến Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu, Phú Quốc, Sầm Sơn. Riêng tại Đà Nẵng, tính đến giữa năm 2016, thành phố có trên 535 khách sạn, khu nghỉ dưỡng với khoảng 20.166 phòng, trong đó có 35 khách sạn thuộc khối 4-5 sao với khoảng 6084 phòng. Cơ sở lưu trú du lịch giữa năm 2016 tăng 45 cơ sở so với năm 2015. Điều này cho thấy cơn sốt về cơ sở hạ tầng du lịch tại thành phố biển bậc nhất của Việt Nam này. Sau Đà Nẵng là Nha Trang – Khánh Hòa. Trong 9 tháng đầu năm 2016, có khoảng 30 dự án với 7.000 sản phẩm bất động sản tại Nha Trang được giới thiệu, trong đó có đến 70% là sản phẩm căn hộ nghỉ dưỡng. Ngoài ra, các khu vực như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hội An, Bình Định, Bình Thuận, Phú Quốc… cũng là nơi hội tụ hàng loạt resort nghỉ dưỡng từ trung cấp tới cao cấp. Đó là chưa kể đến những dự án đang trong quá trình lên kế hoạch hoặc xây dựng. Dự kiến hệ thống khu nghỉ dưỡng dọc bờ biển Việt Nam từ Bắc vào Nam sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới.
Nguyên nhân của sự gia tăng này, phần lớn xuất phát từ nhu cầu du lịch của người dân ngày càng tăng cao, không chỉ giới trí thức, doanh nhân mà cả công nhân, nông dân… và các điểm lựa chọn yêu thích thường ở vùng ven biển. Đây cũng là lý do khiến du lịch biển – đảo chiếm tới 70% khách du lịch cả nước mỗi năm. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong những năm gần đây, số lượt khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa có sự tăng trưởng nhanh chóng. Nếu như năm 2014 mới có khoảng 7,8 triệu du khách quốc tế thì năm 2016, con số khách quốc tế là hơn 10 triệu; khách du lịch nội địa năm 2014 là 38,5 triệu thì năm 2016 là 62 triệu. Khi nhu cầu du lịch tăng cao kéo theo nhu cầu dịch vụ lưu trú và các dịch vụ khác tại các vùng biển gia tăng, nhiều vùng biển quá tải vào mùa cao điểm, không đáp ứng kịp nhu cầu phòng nghỉ cho du khách. Tuy nhiên, với mức thu nhập bình quân trên đầu người 50 triệu VNĐ/năm của người Việt, những khu resort nghỉ dưỡng cao cấp vẫn đa phần dành để phục vụ bộ phận khách có thu nhập cao chứ không phải nhu cầu của đại đa số người dân.
Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, việc xây dựng hàng loạt các khách sạn chuẩn 4-5 sao, khu nghỉ dưỡng – resort cao cấp ven biển Việt Nam còn chịu sự chi phối của các “ông trùm” bất động sản trong và ngoài nước. Điển hình như Tập đoàn khách sạn quốc tế tại Thái Lan (ONYX Hospitality Group) liên kết với HB Group đầu tư vào thị trường resort tại Hội An, Tập đoàn quản lý khách sạn Marriott International (trụ sở tại Mỹ) rót vốn xây dựng JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay với sự kết hợp với Tập đoàn Sun Group. Và còn nhiều chủ đầu tư nước ngoài khác đã và đang “âm thầm rót vốn” xây dựng khu nghỉ dưỡng, resort lớn ven biển Việt Nam hiện nay… Đây cũng là kết quả của chính sách mở cửa và thu hút đầu tư nước ngoài của ngành khách sạn – lưu trú du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, liệu xu hướng này có thực sự bền vững?
… và thách thức của sự gia tăng
Sự bùng nổ của những khu nghỉ dưỡng ven biển phần nào phản ánh sự phát triển mạnh mẽ cũng như xu hướng tăng trưởng của du lịch biển, tuy nhiên, xét trên nhiều góc độ thì sự gia tăng chóng mặt các khu nghỉ dưỡng ven biển chưa hẳn là những tín hiệu đáng mừng bởi bên cạnh những lợi ích trước mắt về kinh tế, việc phát triển này cũng tồn tại nhiều thách thức lớn. Trước tiên là thách thức về quy hoạch biển. Quy hoạch nhiều bãi biển đẹp ở Việt Nam đã bị phá vỡ, phát triển manh mún và khó điều chỉnh. Đơn cử như bãi biển Mũi Né hiện đang kẹt cứng trong không gian ven bờ khi có quá nhiều khách sạn, resort chen dày ở mặt tiền biển hay như các khu nghỉ dưỡng mọc lên ồ ạt ở Đà Nẵng. “Thành phố đáng sống” này đang phải đối mặt với tình trạng các khách sạn, khu nghỉ dưỡng từ bình dân đến cao cấp mọc lên như nấm, báo hiệu tình trạng cung vượt xa cầu trong tương lai. Mặc dù đã nhận được cảnh báo từ trước năm 2015 nhưng các công trình vẫn thi nhau xây dựng.
Sự bùng nổ những khu nghỉ dưỡng ven biển ngoài ra còn gia tăng các áp lực lên môi trường ven biển, tăng nguy cơ xói mòn đường bờ biển và làm suy thoái hệ sinh thái biển đảo. Tại rất nhiều những khu nghỉ dưỡng ven biển hiện nay chưa có được hệ thống xử lý chất thải và nước thải chuyên nghiệp dẫn đến việc nước thải chưa qua xử lý xả thải trực tiếp ra biển. Dọc bờ biển Đà Nẵng hiện có tới 44 cửa xả thải trực tiếp ra biển. Đây thực sự là nguy cơ, thách thức về ô nhiễm môi trường, khiến du khách quan ngại. Đó là chưa kể đến những mâu thuẫn giữa người dân và chủ đầu tư trong công tác quy hoạch, thu hồi và bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng resort cũng như việc tuyển dụng lao động địa phương vào làm việc tại các khu nghỉ dưỡng. Khi đi vào hoạt động, các khu resort cao cấp đòi hỏi người lao động có chất lượng, do đó chỉ một bộ phận nhỏ người dân địa phương được liệt vào danh sách tuyển dụng của các khu nghỉ dưỡng.
Có thể khẳng định, tiềm năng du lịch biển Việt Nam rất lớn, song thách thức phải đối mặt cũng không nhỏ. Do đó, để phát triển đồng bộ các khu nghỉ dưỡng biển theo hướng bền vững, cần đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu nghỉ dưỡng du lịch biển sao cho đảm bảo hài hòa giữa lợi ích phát triển kinh tế với lợi ích về sinh thái và nhân văn. Muốn vậy, cần phải có những đánh giá tổng hợp và thường xuyên (trước và trong quá trình phát triển các khu nghỉ dưỡng) về những lợi ích cũng như những mặt trái của việc phát triển các khu nghỉ dưỡng, đồng thời có cơ chế khuyến khích (thuế, giá) các khu nghỉ dưỡng phát triển gắn với bảo tồn tự nhiên và văn hóa bản địa.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát triển các khu nghỉ dưỡng cần được phát triển đồng bộ với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng (điện, nước, giao thông, thông tin liên lạc) và cơ sở vật chất kỹ thuật (các cơ sở cung ứng các dịch vụ du lịch như nhà hàng, các địa điểm bán hàng lưu niệm, các điểm cung cấp thông tin du lịch…) để tránh những áp lực từ các khu nghỉ dưỡng này đến cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ở địa phương. Mặt khác, cần chú trọng công tác bảo vệ các hệ sinh thái biển, nâng cao chất lượng môi trường nước biển thông qua việc quản lý và xử lý chất thải trong hoạt động du lịch của các khu nghỉ dưỡng biển; thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao nhận thức và kiến thức về môi trường cho các đối tượng liên quan đến khu nghỉ dưỡng như các nhà quản lý, các doanh nghiệp, cộng đồng địa phương với sự tham gia của các giảng viên, các nhà khoa học và quản lý môi trường, các chuyên gia có kinh nghiệm nước ngoài về môi trường…
Ngoài ra, việc phát triển các khu nghỉ dưỡng phải có những chính sách phát triển, đào tạo nguồn nhân lực; huy động và hỗ trợ tối đa người dân địa phương tham gia làm việc ở các cấp bậc với trình độ tay nghề, nghiệp vụ và kiến thức khác nhau tại các khu nghỉ dưỡng. Đặc biệt, cần đình chỉ, thu hồi những khu nghỉ dưỡng khai thác không hiệu quả nhằm tránh láng phí nguồn tài nguyên của địa phương và quốc gia.
Cuối cùng, việc các khu nghỉ dưỡng ven biển được đầu tư xây dựng nhằm khai thác tối đa tài nguyên du lịch biển vào phát triển du lịch là tín hiệu đáng mừng, song cần đầu tư xây dựng ở mức độ nào, số lượng bao nhiêu, thời điểm và địa điểm nào là hiệu quả thì cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan trên cơ sở chính sách quy hoạch và phát triển của nhà nước cũng như tham vấn cộng đồng để có hướng đi đúng đắn và phù hợp, từ đó, tạo nên sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển du lịch theo hướng bền vững, sinh thái, nhân văn.
Phạm Hồng Long – Phạm Thị Anh/Khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội