Số liệu thống kê về xuất nhập khẩu than đá của Việt Nam từ năm 2010 đến nay cho thấy những dấu hiệu đáng lo ngại.
Xuất khẩu thu hẹp
Năm 2017, xuất khẩu than của Việt Nam đạt 2,229 triệu tấn. Mặc dù xuất khẩu than đã có sự tăng trưởng so với năm 2015 và 2016, nhưng vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn đặt ra.
Không những vậy, nỗi lo về thị trường xuất khẩu than đang ngày càng lớn.
Tháng 12/2017, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, trình bày về hiện trạng xuất khẩu than, đặc biệt là sang Trung Quốc.
Cụ thể, trong năm 2017, ngành than có kế hoạch xuất khẩu 2 triệu tấn than cục, than cám loại 1, 2, 3 cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước châu Âu và xuất 2 triệu tấn than cám loại 4b.3, 5a.3, 5b.3 khu vực Vàng Danh – Uông Bí sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, gần đây, thị trường Trung Quốc yêu cầu các loại than nhập khẩu từ Việt Nam phải được giám định lại chất lượng theo hàng rào tiêu chuẩn các nguyên tố vi lượng như thủy ngân, asen, phốt pho, clo, flo…
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã phối hợp với đối tác phía Trung Quốc lấy mẫu, phân tích nhiều lần, nhưng không đáp ứng được yêu cầu, nên khu vực than Vàng Danh – Uông Bí hiện còn tồn khoảng 2,5 triệu tấn than cám.
Thực tế, không phải tới năm 2017, Trung Quốc mới giảm nhập khẩu than của Việt Nam.
Thống kê hải quan cho thấy, giai đoạn 2010 – 2014, xuất khẩu than vẫn ở mức cao, nhưng đã có sự giảm sút mạnh từ năm 2015.
Bình luận thực tế này, một chuyên gia hàng đầu của ngành than cho hay, mấy năm gần đây, muốn xuất khẩu than phải được cấp hạn ngạch và chỉ được phép xuất khẩu với một lượng than chất lượng tốt mà thị trường Việt Nam chưa có nhu cầu. Ngoài ra, thuế xuất khẩu than cao, không cho khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào với than xuất khẩu cũng khiến giá than Việt Nam cao khi xuất khẩu.
Mặc dù việc đưa vào vận hành một số nhà máy nhiệt điện than lớn ở trong nước có góp phần làm giảm lượng than xuất khẩu, nhưng không thể thờ ơ với hiện tượng thị trường nhập khẩu than lớn nhất đã giảm mua than từ Việt Nam.
Năm 2010, thị trường Trung Quốc chiếm tới 14,644 triệu tấn trong tổng số 19,827 triệu tấn than xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng sang năm 2014, xuất khẩu than vào thị trường này giảm còn 4,139 triệu tấn. Đặc biệt năm 2015, thống kê hải quan không ghi nhận về xuất khẩu than vào thị trường Trung Quốc.
Sang năm 2016 và 2017, lượng than đá xuất khẩu sang Trung Quốc đã lại xuất hiện trong số liệu thống kê hải quan, song chỉ với khối lượng vài chục ngàn tấn.
Chuyên gia nói trên cũng cho hay, trước đây, Trung Quốc mua vào nhiều than để phục vụ sản xuất điện, xi măng và chấp nhận mua cả than chất lượng thấp để phục vụ phát điện. Tuy nhiên, gần đây, thị trường này rất hạn chế nhập khẩu than vì họ cũng đang thừa, phải giảm sản lượng khai thác từ 3,8 tỷ tấn than năm 2011 còn dưới 3,5 tỷ tấn năm 2017. Vì vậy, họ không cho phép nhập khẩu than chất lượng thấp.
“Nếu Trung Quốc muốn nhập khẩu than tốt, thì than của Việt Nam vẫn có thể đáp ứng, còn than kém chất lượng để dùng cho các nhà máy nhiệt điện mà Vinacomin đầu tư công nghệ lò hơi CFB. Mặt khác, ngành than cũng có thể cải thiện việc sàng tuyển để có nhiều than tốt hơn”, ông này nói.
Điều này cũng khiến tồn kho than sạch tăng mạnh. Năm 2015 tồn kho than là 8,75 triệu tấn; năm 2016 tồn kho tăng lên 9,42 triệu tấn và duy trì mức hơn 9 triệu tấn than tồn kho trong năm 2017.
Nhập khẩu tăng nhanh
Trong khi xuất khẩu than giảm mạnh, thì nhập khẩu mặt hàng này lại tăng rất nhanh. Trước năm 2014, thống kê hải quan không xếp than vào danh mục 50 mặt hàng nhập khẩu lớn, nhưng sang năm 2014, đã có 3,096 triệu tấn than được nhập khẩu, với trị giá 364,1 triệu USD.
Than nhập khẩu tăng nhanh và đã đạt 14,498 triệu tấn với trị giá 1,52 tỷ USD trong năm 2017. Còn tính từ đầu năm 2018 tới ngày 15/3/2018, đã có hơn 3 triệu tấn than, với trị giá 384 triệu USD, được nhập khẩu vào Việt Nam.
Cho rằng, nhập khẩu than còn rẻ hơn mua than trong nước nếu xét về tổng thể giá cả và chất lượng, nên nhiều doanh nghiệp sản xuất điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề nghị cho được nhập khẩu than.
Khi các doanh nghiệp tiêu thụ than như điện, xi măng chuyển mạnh sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, câu chuyện hiệu quả của doanh nghiệp trong vấn đề tiết kiệm chi phí đầu vào là dễ hiểu.
Đáng nói là, xu hướng nhập khẩu than cũng được xem là tất yếu khi số lượng nhà máy nhiệt điện than đang gia tăng. Hiện cả nước có 19 nhà máy nhiệt điện than và sẽ tiếp tục tăng lên với dự báo tổng số lượng than cần nhập khẩu vào năm 2030 là khoảng 85 triệu tấn.