Trong thời gian qua, tình trạng doanh nghiệp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở tỉnh Hưng Yên diễn ra ở nhiều nơi, với quy mô lớn đã làm ảnh hưởng đến quy hoạch, mục đích sử dụng đất nông nghiệp, gây bức xúc trong nhân dân. Điều này, đòi hỏi các cấp chính quyền tỉnh Hưng Yên phải xử lý nghiêm và có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Vướng mắc trong giải tỏa công trình xây dựng trái phép
Theo phản ánh của người dân TP Hưng Yên, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xây dựng công trình trái phép như nhà kho, nhà xưởng, thậm chí cả biệt thự trên đất nông nghiệp, thuộc đường Đầm Sen B, xã Liên Phương (TP Hưng Yên) nhưng không bị xử lý, giải tỏa, trong khi, hàng chục công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp của người dân ở các địa phương khác trong tỉnh lại bị phá, dỡ, gây bức xúc trong dư luận.
Trước sự việc nêu trên, Chủ tịch UBND xã Liên Phương, Đinh Quang Tuyến xác nhận: Thực hiện Kế hoạch 93A của UBND tỉnh Hưng Yên và Kế hoạch 50A của UBND thành phố Hưng Yên về giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm an toàn hành lang bảo vệ giao thông, thủy lợi; và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép năm 2017, UBND xã Liên Phương đã rà soát và lập danh sách giai đoạn một, vận động nhân dân, tháo dỡ được hơn 30 công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, trong đó có ba nhà kho; còn hai nhà kho mới xây dựng sau khi có Chỉ thị 02, ngày 16-3-2016, của UBND tỉnh Hưng Yên ở khu vực đường Đầm Sen B không giải tỏa được vì UBND thành phố Hưng Yên yêu cầu dừng.
Theo báo cáo UBND thành phố Hưng Yên, trong quá trình giải tỏa công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp thuộc thành phố có những khó khăn vướng mắc như: Tại xã Liên Phương, một số công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh, nhất là khu vực Cầu Tùng – đường Đầm Sen B, có tới 12 công ty và hộ kinh doanh cá thể đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng nhà xưởng, nhà kho hàng hóa với tổng diện tích hơn 26.000 m2, kinh phí đầu tư xây dựng hơn 51 tỷ đồng, thời điểm xây dựng có cả trước và sau Chỉ thị 02, ngày 16-3-2016, của UBND tỉnh Hưng Yên.
Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên Nguyễn Tuấn Cường cho biết: Việc TP Hưng Yên tạm dừng tháo dỡ một số công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp thuộc khu vực đường Đầm Sen B, là do Hiệp hội doanh nghiệp TP Hưng Yên và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên có có công văn gửi UBND thành phố Hưng Yên đề nghị tạm dừng việc giải tỏa, tháo dỡ; Tỉnh ủy Hưng Yên có thông báo ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp nhận một số dự án đầu tư trên địa bàn xã Liên Phương… Trước thực trạng các doanh nghiệp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp thuộc khu vực đường Đầm Sen B ở xã Liên Phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã họp và ra Thông báo số 975-TB/TU, ngày 18-12-2017 và Thông báo số 991-TB/TU, ngày 25-12-2017, về việc tiếp nhận một số dự án đầu tư trên địa bàn xã Liên Phương, khẳng định: khu đất dự kiến thực hiện dự án nêu trên chủ yếu là đất tự chuyển đổi mục đích sử dụng và chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; do vậy, trước mắt UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố Hưng Yên thanh tra trách nhiệm và xử lý đúng quy định đối với UBND xã Liên Phương, các tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc buông lỏng quản lý đất đai để các hộ dân, doanh nghiệp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đồng thời, đồng ý về nguyên tắc tiếp nhận một số dự án (tám dự án đã xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp) sau khi hoàn thành việc xử lý sai phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai ở các dự án trên…; khu đất dự án được các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp với mục tiêu dự án đã đăng ký…
Cần kiên quyết xử lý doanh nghiệp xây dựng trái phép
Trước tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp ở tỉnh Hưng Yên diễn ra tràn lan trong nhiều năm, UBND tỉnh Hưng Yên đã có Chỉ thị số 02 về tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh; và ban hành Kế hoạch 93A về giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép. Sau khoảng một năm tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tự tháo dỡ công trình xây dựng trái phép theo kế hoạch đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, thực hiện Kế hoạch 93A giai đoạn một, toàn tỉnh đã giải tỏa được hơn 1.701 trường hợp vi phạm xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp (chủ yếu là các công trình nhà tạm phục vụ sản xuất nông nghiệp); trong đó, có 1.381 công trình nhân dân tự tháo dỡ, 320 trường hợp cưỡng chế, giải tỏa. Những hành vi vi phạm về lĩnh vực đất đai, xây dựng của một số doanh nghiệp chưa bị xử lý nghiêm, dẫn đến nhiều dư luận trái chiều ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước, cũng như công tác giải tỏa những công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên còn nhiều doanh nghiệp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp ở các huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Khoái Châu… chưa bị giải tỏa. UBND tỉnh Hưng Yên đang chuẩn bị giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp giai đoạn 2. Để đạt hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững, tỉnh Hưng Yên cần rà soát, thống kê, công khai cụ thể các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp của doanh nghiệp. Ngoài việc xử lý cán bộ buông lỏng công tác quản lý đất đai, cần xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp về lĩnh vực đất đai, xây dựng. Khi các doanh nghiệp chấp hành xử lý vi phạm, nếu công trình xây dựng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và bảo đảm các yếu tố liên quan khác thì mới tiếp nhận đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đầu tư theo quy định. Những công trình xây dựng không phù hợp với quy hoạch cần kiên quyết giải tỏa, không để tình trạng quy hoạch “chạy” theo doanh nghiệp. Đồng thời, UBND tỉnh Hưng Yên cần sớm quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch những khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kinh doanh – dịch vụ phục vụ nhu cầu xây dựng nhà kho, nhà xưởng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Việc giải tỏa những doanh nghiệp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp ở tỉnh Hưng Yên đã, đang là vấn đề khó, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Tuy nhiên để bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật, công việc này cần thực hiện công khai, minh bạch, kiên quyết, nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng doanh nghiệp xây dựng nhà kho, nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp.