Thời gian qua, trên địa bàn huyện Quốc Oai xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép ở các xã Đông Xuân, Hòa Thạch, Phú Mãn… Mặc dù UBND huyện Quốc Oai có nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn, nhưng vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại…
Ngày 17-3-2018, tại đồi Yên Ngựa thuộc thôn Đồng Chằm (xã Đông Xuân) đã xảy ra vụ sạt lở đất với khối lượng lớn, vùi lấp một chiếc xe tải, khiến lái xe tử vong tại chỗ. Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Phan Văn Phú cho biết: Đây là khu vực khai thác đất trái phép, đã bị phát hiện và lập biên bản từ ngày 1-3-2018.
Dù UBND xã Đông Xuân đã lập biên bản vi phạm, nhưng không tiến hành biện pháp ngăn chặn, không báo cáo UBND huyện Quốc Oai, nên việc khai thác đất trái phép ở đồi Yên Ngựa vẫn ngang nhiên diễn ra, dẫn đến vụ sạt lở đất gây chết người. Không những thế, qua khảo sát thực tế của phóng viên tại khu vực Đồi Sò thuộc thôn Lập Thành, gần trụ sở UBND xã Đông Xuân, cũng có hiện tượng người dân khai thác đất trái phép nhưng đang “án binh bất động” để nghe ngóng cách giải quyết sự cố xảy ra ở đồi Yên Ngựa…
Trước đó, cuối tháng 10-2017, UBND huyện Quốc Oai đã tiến hành kiểm tra đột xuất trên địa bàn xã Hòa Thạch và phát hiện việc khai thác đất trái phép tại khu gò đồi chè Long Phú, thuộc xóm 3, thôn Long Phú với khối lượng khoảng 400m3, nhưng UBND xã Hòa Thạch chưa xác định được đối tượng và thời gian xảy ra vi phạm… Ít ngày sau đó, tại khu vực Đội 1, thôn Thắng Đầu, cũng xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép với số lượng lớn, trong nhiều ngày.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Đỗ Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch thừa nhận, tình trạng khai thác đất trái phép xảy ra ở cả 5 thôn trên địa bàn xã. Riêng năm 2017, xã kiểm tra, lập biên bản vi phạm 5 trường hợp. Ông Dương cho rằng, do thẩm quyền xử phạt vi phạm của cấp xã thấp, chỉ ở mức 5 triệu đồng, nên các đối tượng cố tình vi phạm, chấp nhận nộp phạt. Trong khi đó, địa bàn xã rộng, nên việc kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn vi phạm gặp khó khăn…
Sau sự việc xảy ra ở xã Hòa Thạch, để bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản chưa khai thác, UBND huyện Quốc Oai đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn huyện. Các văn bản đều nêu rõ UBND cấp xã phải “chủ động kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền. Khi phát hiện việc khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép xảy ra trên địa bàn, UBND cấp xã phải chỉ đạo lực lượng chức năng đến hiện trường kiểm tra cụ thể, ngăn chặn kịp thời các hành vi trái phép, báo cáo về UBND huyện…”.
Và sau sự cố nghiêm trọng xảy ra ở xã Đông Xuân, UBND huyện Quốc Oai đã chỉ đạo dừng mọi hoạt động khai thác khoáng sản, thành lập tổ công tác thực hiện kiểm tra, đánh giá công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện…
Những diễn biến nêu trên cho thấy, công tác quản lý khoáng sản tại một số xã trên địa bàn huyện Quốc Oai còn lỏng lẻo. Nếu không có biện pháp xử lý nghiêm, dứt điểm vi phạm, thì tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Quốc Oai sẽ còn tái diễn.
Ngày 21-3, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1393/QĐ-UBND về Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn TP Hà Nội, theo đó: Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để vi phạm diễn ra kéo dài; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý không hoàn thành nhiệm vụ được giao, để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép kéo dài. |