Để giải quyết những tồn tại và giảm thiểu thiệt hại khi dừng hoạt động hẳn, UBND TP Đà Nẵng đã cho phép 2 nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc tại xã Hòa Liên, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng được sản xuất trở lại trong thời gian 6 tháng. Quyết định trên được thông báo tại buổi làm việc giữa lãnh đạo TP và người dân 2 thôn Vân Dương xã Hòa Liên hôm 26-3.
Trong kết luận của UBND TP Đà Nẵng được thông báo tới người dân 2 thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 nêu rõ: Yêu cầu các sở ngành, H. Hòa Vang, xã Hòa Liên tiếp tục thực hiện các thủ tục theo chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng dừng hoạt động 2 nhà máy thép của Cty cổ phần thép Dana – Ý và Cty cổ phần thép Dana – Úc. Giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thủ tục để hủy bỏ chủ trương qui hoạch, di dời giải tỏa khu vực lân cận 2 nhà máy thép Dana – Ý và Dana-Úc. Chỉ đạo Viện qui hoạch tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng và đề xuất phương án để điều chỉnh qui hoạch sử dụng đất tại khu vực 2 nhà máy thép báo cáo TP. Cũng theo kết luận này, UBND TP thống nhất cho 2 nhà máy thép này hoạt động sản xuất trở lại từ ngày 26-3-2018 để xử lý những tồn tại liên quan của 2 Cty và giảm thiểu những thiệt hại phát sinh khi dừng hoạt động theo qui định của pháp luật. Trong thời gian này, cùng với việc tuân thủ nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường, UBND TP đề nghị 2 Cty không thực hiện hoạt động mở rộng sản xuất, không giao kết hợp đồng mua nguyên vật liệu, phế liệu để sản xuất thép. Kết luận cũng nêu một số vấn đề về kiểm soát môi trường khi 2 nhà máy hoạt động trở lại, tìm giải pháp ổn định sản xuất nông nghiệp cho người dân, xây dựng phương án dừng hoạt động hẳn 2 nhà máy thép trong thời gian dưới 6 tháng…
Ngay sau khi công bố kết luận của UBND TP Đà Nẵng, người dân 2 thôn Vân Dương đã có những ý kiến trái ngược nhau. Một số ý kiến cho rằng chủ trương dừng 2 nhà máy thép của TP là đúng, dân rất đồng tình. Tuy vậy, đã dừng là dừng ngay, không hoạt động thêm bất cứ ngày nào nữa.
Một số ý kiến cho rằng, dẫu nhà máy có đi, dân ở lại cũng chịu ô nhiễm vì ô nhiễm đã thấm vào đất, nguồn nước, nên đề nghị TP cho nhà máy ở lại để di dời theo lộ trình và di dời dân đi trước. Một số ý kiến khác cũng bày tỏ chia sẻ với DN khi đồng tình với chủ trương của TP cho DN hoạt đột trở lại trong thời gian ngắn để giải quyết những tồn đọng, giảm thiệt hại. Tuy vậy, TP phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường, định cụ thể ngày giờ nào là đóng cửa nhà máy dứt điểm, không dây dưa thêm.
Nhìn nhận về kết luận của UBND TP Đà Nẵng dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Tân – Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Thép Dana – Ý nói: Trước mắt chúng tôi chấp hành chủ trương này và chờ TP có hướng giải quyết cụ thể. Nếu TP giải tỏa, di dời nhà máy thì cũng phải có lộ trình. Khi TP có hướng giải quyết cụ thể, chúng tôi mới đưa ra giải pháp chi tiết như chuyển nhà máy đi nơi khác, bán dây chuyền sản xuất, giải quyết chế độ công nhân… Hiện tại, chúng tôi đưa ra mọi giải pháp đều bị động. Cũng theo ông Tân, thời hạn 6 tháng TP cho nhà máy hoạt động để xử lý những tồn tại liên quan, giảm thiểu những thiệt hại phát sinh là không đủ.
Chưa kể 1.000 công nhân, trong đó 40% lao động địa phương, muốn chuyển đổi nghề cũng cần có thời gian, không thể đùng đùng để họ thất nghiệp bơ vơ – ông Tân chia sẻ.
Xung quanh những lo lắng của người dân về vấn đề môi trường khi 2 nhà máy thép hoạt động trở lại, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, TP đã giao Sở TN&MT chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường giám sát môi trường xung quanh 2 nhà máy. Riêng các vấn đề về ô nhiễm nguồn nước, không khí… xung quanh nhà máy mà người dân phản ánh, ông Minh cho biết sẽ ghi nhận để báo cáo cấp có thẩm quyền sớm khảo sát, kiểm tra làm rõ, đề xuất hướng xử lý và thông tin cho người dân. Ông Minh cũng cho biết đã chỉ đạo H. Hòa Vang, Sở NN&PTNT sớm triển khai các biện pháp phục hồi sản xuất nông nghiệp, nhất là vụ hè thu của 2018 cho người dân 2 thôn Vân Dương. Với ý kiến của người dân về những hư hỏng nhà cửa, mái tôn, ông Minh nói sẽ ghi nhận, kiểm tra thực tế, báo cáo UBND TP giải quyết nhanh.
Hiện những quyết định xử lý 2 nhà máy thép ở Hòa Liên vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau. Ông Hồ Kỳ Minh mong người dân ủng hộ, chia sẻ với chủ trương của TP đồng thời giao cho H. Hòa Vang, xã Hòa Liên tiếp tục gặp gỡ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con để xử lý phù hợp với thực tiễn, đúng với chủ trương.