Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp đã được đẩy mạnh, song quá trình cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc.
Mắc trong đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp
Đến nay, 41/41 địa phương, đơn vị có công ty nông, lâm nghiệp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hoàn thành thẩm định phương án sắp xếp, đổi mới; trong đó có 40 địa phương, đơn vị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án. Nhìn chung, sau khi cổ phần hóa, đổi mới mô hình, các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nông nghiệp cũng đang gặp phải không ít vướng mắc; một số đơn vị vẫn loay hoay trong việc lựa chọn mô hình mới, giải quyết chế độ cho người lao động, xử lý vấn đề đất đai…
Điển hình như Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), một doanh nghiệp có bề dày lịch sử, trong vòng 6 năm, Vinacafe có đến 2 quyết định tái cơ cấu, nhưng vẫn đang loay hoay, không thể chuyển mình. Trong khi đó, kết quả kinh doanh năm 2017 của Tổng công ty lại không mấy khả quan: lượng cà phê xuất khẩu chỉ đạt 37.000 tấn, trong khi mục tiêu đề ra là 50.000 tấn; tương tự, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 73 triệu USD, mục tiêu đề ra là 100 triệu USD; lợi nhuận đạt 77 tỷ đồng, mục tiêu đề ra là 106 tỷ đồng.
Theo ông Đinh Quang Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ NN&PTNT), mặc dù số doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ NN&PTNT còn lại không nhiều, nhưng đều là những tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, lĩnh vực hoạt động đặc thù, nên công tác triển khai tái cơ cấu còn phức tạp. Một số doanh nghiệp chưa thực sự quyết liệt thực hiện tái cơ cấu, hoặc kinh doanh kém hiệu quả, mất an toàn về tài chính.
Thực tế cho thấy, một số đơn vị khi sắp xếp, cổ phần hóa đã gặp khó khăn trong lựa chọn mô hình mới, nhất là lựa chọn đối tác đối với mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. “Cũng có đơn vị vướng mắc trong giải quyết đất đai, như trường hợp của nhiều doanh nghiệp lâm nghiệp có một phần đất do dân góp để thành lập nông trường”, ông Tuấn cho biết thêm.
Một vướng mắc khác, Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, không quy định về hình thức phá sản công ty nông, lâm nghiệp. Vì vậy, một số công ty phải giải thể không thực hiện được theo hình thức phá sản, gây nhiều khó khăn cho các địa phương trong quá trình xử lý, do khoản nợ của những công ty này thường lớn, chủ sở hữu không có khả năng giải quyết.
Hoàn thành cổ phần hóa 5 tổng công ty trong quý II/2018
Để từng bước giải quyết khó khăn, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, hiện nay, Bộ đã giao Vụ Quản lý doanh nghiệp giám sát việc cổ phần hóa tại các công ty trực thuộc để người lao động không bị ảnh hưởng bởi việc chuyển chủ sở hữu, phát sinh tâm lý không ổn định, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lao động… Năm 2018, Bộ NN&PTNT tiếp tục sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo quy định tại Nghị định 118/2014/NĐ-CP.
Theo thống kê của Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ NN&PTNT), trong năm 2017, Bộ NN&PTNT đã cổ phần hóa thành công 12 tổng công ty, công ty trực thuộc; 3 doanh nghiệp thuộc viện, trường; triển khai cổ phần hóa 7 chi nhánh và 26 công ty thuộc Vinacafe; hoàn thành việc bán vốn nhà nước tại 2 công ty; hoàn thiện hồ sơ phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty nông, lâm nghiệp tại TP. Cần Thơ và tỉnh Nghệ An, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. |
Dự kiến trong quý II/2018, sẽ có 5 tổng công ty trực thuộc Bộ NN&PTNT hoàn thành công tác cổ phần hóa, gồm: Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam; Tổng công ty Lương thực miền Nam; Tổng công ty Lương thực miền Bắc; Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và Vinacafe.
Về đề nghị thay đổi phương án tái cơ cấu của Vinacafe giai đoạn 2017-2020 đã được Tổng công ty này trình Bộ NN&PTNT xem xét, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, hiện Bộ chưa trình Thủ tướng. “Tái cơ cấu để làm gì, nếu như chỉ là tiếp tục cổ phần hoá, giải thể, phá sản và sáp nhập?”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đặt câu hỏi và nhấn mạnh, nếu không phát triển dịch vụ, chế biến, thương mại xuất khẩu, Vinacafe không thể trở thành đầu tàu của ngành và chi phối thị trường.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị, Vinacafe phải tổ chức hội nghị “Diên Hồng” để lấy ý kiến các đơn vị thành viên, cũng như những người có kinh nghiệm, trên cơ sở định hướng của Nhà nước để thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp. “Một khi có phương án tái cơ cấu khả thi, Bộ mới có thể trình Chính phủ phê duyệt”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định.