Đắk Nông: Thủy điện xả nước thất thường cùng cát tặc tận phá dòng sông

Tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô đoạn qua xã Nâm N’Đir (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) diễn ra nghiêm trọng, chưa có chiều hướng thuyên giảm. Nguyên nhân sạt lở được xác định do nạn hút cát vô tội vạ và việc xả nước thất thường của thủy điện phía thượng nguồn dẫn đến bờ sông bị xói lở, cuốn phăng nhiều diện tích hoa màu của nhân dân.

Người dân kêu trời vì nạn sạt lở diễn ra ngày một nghiêm trọng. Ảnh: PV

Dân kêu trời

Theo lời ông Chu Văn Sinh (52 tuổi, trú thôn Nam Thanh, xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô), sông Krông Nô – khu vực giáp ranh giới giữa tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, bao đời hiền hòa, bồi đắp phù sa màu mỡ cho những cánh đồng trồng khoai lang, sắn, cây nông nghiệp dọc bờ sông. Trước kia, tình trạng bên lở bên bồi vẫn xảy ra nhưng không đáng kể. Vậy mà khoảng 10 năm trở lại, tình trạng sạt lở diễn tiến phức tạp cướp đi hàng nghìn hécta hoa màu của người dân dọc bờ sông.

Ông Sinh cho biết, gia đình ông có 1,2ha đất trồng hoa màu nhưng giờ chỉ còn chưa đầy 0,8ha vì số đất canh tác đã bị dòng sông “nuốt” hết. Mất đất sản xuất, đường giao thông xuất hiện các vết nứt dài gây nguy hiểm cho người dân đi lại khiến dân nơm nớp lo sợ. Ông Sinh ngao ngán: “Trước đây chúng tôi sản xuất nông sản đều có xe bán tải vào tận nơi vận chuyển. Vậy mà giờ, đường đã bị nước sông “gặm” mất khiến việc vận chuyển gặp khó, giá cả vật tư đội giá tăng cao” – ông Sinh nói.

Trong khi nguyên nhân sạt lở bờ sông Krông Nô đang được ngành chức năng tìm giải pháp khắc phục, thì theo giải thích bằng kinh nghiệm của người dân, nạn tàu hút cát vô tội vạ cùng với việc thủy điện xả lũ thất thường đã tạo nên sự biến đổi của dòng chảy, gây nên sạt lở bờ sông; nước sông lên xuống “cạp” sâu vào bờ sông tạo nên những hàm ếch nham nhở, ăn dần đất sản xuất chỉ trong thời gian ngắn.

Thời điểm PV Báo Lao Động có mặt, ông Trần Văn Xuân (44 tuổi, trú thôn Quảng Hà, xã Nâm N’Đir) dẫn đoàn chúng tôi tận mục sở thị việc khai thác cát vẫn diễn ra ồ ạt, ngang nhiên. Theo giải thích của ông Hà, từ bờ sông chúng tôi đứng phóng tầm mắt ra khoảng trăm mét vốn là đất của người dân thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông. Khi bờ bên kia thuộc tỉnh Đắk Lắk bị bồi lấp thì các tàu khai thác cát kéo sang hút cát ở địa phận Đắk Nông để có lợi nhuận. “Các tàu cát hút khai thác như “đỉa đói” cả ngày lẫn đêm rồi thêm thủy điện xả nước vô tội vạ khiến nạn sạt lở diễn ra nghiêm trọng. Người dân phản ánh rất nhiều, các đoàn đến kiểm tra, đo đạc cũng lắm nhưng đến nay chưa thấy động tĩnh” – ông Xuân bức xúc.

Đùn đẩy trách nhiệm?

Khi PV Báo Lao Động cung cấp hình ảnh, video quay lại việc có nhiều tàu hút cát tại khu vực sạt lở thuộc địa giới tỉnh Đắk Nông, ông Lê Đức Cường – Chủ tịch UBND xã Nâm Đ’nir – thừa nhận những tàu này đang khai thác trái phép. Ông Cường thông tin, hiện trên địa bàn xã Nâm N’Đir có 5 đoạn sạt lở với tổng chiều dài sạt lở là 3.862m bao gồm 5 khu vực với chiều dài từ 100-3.300m. Riêng những khu vực đang diễn ra sạt lở thì các tàu khai thác cát không được phép khai thác nhưng trong thực tế nếu phát hiện, địa phương không có thẩm quyền xử lý. Ông Cường cho biết thêm, khu vực phía bờ sông bên kia thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk chỉ có Cty Phú Bình tiến hành khai thác cát.

Về việc này, ông Trần Đăng Ánh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô – cho biết, qua các lần kiểm tra, huyện chưa phát hiện tình trạng tàu bên Đắk Lắk qua hút trộm ở địa phận Đắk Nông. “Trong quy chế phối hợp giữa 2 tỉnh Đắk Lắk – Đắk Nông không có thỏa thuận cho phép bắt giữ các tàu cát khai thác trái phép. Khi các anh tác nghiệp có thể quay lại tàu hút cát trái phép trên địa phần tỉnh Đắk Nông nhưng nếu có đoàn kiểm tra, các tàu chạy qua địa phận Đắk Lắk thì chúng tôi không thể bắt giữ được” – ông Ánh nói.

Ông Văn Thiên Nhân – Giám đốc Cty thủy điện Buôn Kuốp (đơn vị cùng quản lý Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpôk 3) thừa nhận, việc xả nước của thủy điện Buôn Tua Srah có ít nhiều gây nên sạt lở dọc bờ sông Krông Nô. Dù vậy nhưng ông Nhân cho rằng, nguyên nhân chính vẫn do tình trạng hút cát khắp nơi. “Nhiều nơi hút sâu vào trong các trạm bơm thủy lợi khiến chúng tôi không thể bơm nước tưới tiêu. Đến thời điểm này, chúng tôi cũng đã xác định nhiều vị trí sạt lở và người dân cũng đã ngăn chặn nạn khai thác cát. Chúng tôi cũng xác định thủy điện xả nước làm nước dâng lên rồi hạ xuống có gây ra tình trạng sạt lở một số điểm nên đã đề xuất với địa phương lập phương án hỗ trợ, xây dựng bờ kè…” – ông Nhân nói.

Nguồn: