Làn sóng người di cư tránh mùa màng thất bát, nạn hạn hán và sự dâng cao của nước biển sẽ gia tăng đáng kể trong 30 năm tới nếu Chính phủ các nước không vào cuộc mạnh mẽ nhằm ngăn chặn tình trạng trái đất nóng lên. Đó là cảnh báo được Ngân hàng Thế giới đưa ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan và tác động tới làn sóng di cư.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2050, sẽ có 143 triệu người di cư phải đối mặt “mối đe dọa hiện hữu” và buộc phải rời bỏ nhà cửa do biến đổi khí hậu. Trong số này có khoảng 86 triệu người thuộc vùng phía nam sa mạc Sahara của châu Phi, 40 triệu người dân các nước Nam Á và 17 triệu người Mỹ Latinh. Điều đáng chú ý, hơn một nửa số người di cư tập trung tại các nước đang phát triển. Giám đốc điều hành của WB Kristalina Georgieva nhận định, biến đổi khí hậu đã trở thành “động lực của tình trạng di dân”, buộc từng người dân, các gia đình, thậm chí cả cộng đồng tìm kiếm nơi cư trú. Biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa về sự sinh tồn, xã hội và kinh tế đối với các nước. Nếu có sự vào cuộc mang quy mô toàn cầu nhằm giảm lượng khí phát thải, hàng chục triệu người sẽ không phải rời bỏ nhà cửa.
Tại hội nghị mới đây của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Bộ trưởng Sinh thái Pháp N.Uy-lô nhận định, các vấn đề về khí hậu đã khiến số người di cư tăng gấp hai lần, tương đương mức tăng của những người di cư do xung đột. Đây được nhìn nhận là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng di dân hiện nay. Dân số của Ethiopia dự báo đến năm 2050 sẽ tăng gần hai lần, kéo theo số người di cư tăng do mùa màng kém. Còn tại Bangladesh, người di cư do khí hậu có thể trở thành nhóm người đơn lẻ lớn nhất trong số những người phải rời bỏ nhà cửa. Mexico cũng không tránh được tình trạng này với làn sóng di dân về các khu đô thị ngày càng tăng nhằm tránh những khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Các nhà nghiên cứu cho rằng, số dân di cư có thể giảm 80% nếu Chính phủ các nước nỗ lực giảm khí phát thải, thúc đẩy quy hoạch phát triển và tăng cường đầu tư vào nghiên cứu tình trạng di dân do biến đổi khí hậu. WB cho rằng, thiếu sự hỗ trợ và quy hoạch phù hợp sẽ khiến người dân di cư từ các khu vực xa xôi đến đô thị phải đối mặt những nguy cơ nguy hiểm hơn và ngược lại, tình trạng này sẽ không biến thành cuộc khủng hoảng nếu như các nước có kế hoạch từ bây giờ.
Theo các nghiên cứu gần đây, biến đổi khí hậu sẽ thúc đẩy làn sóng di cư ồ ạt đến châu Âu vào cuối thế kỷ này nếu nhiệt độ toàn cầu vẫn tiếp tục xu hướng tăng như hiện nay. Mối liên hệ rõ ràng giữa nhiệt độ, vấn đề canh tác và số người xin tị nạn đã được chứng minh. Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Colombia, New York (Mỹ), số người xin tị nạn tại Liên hiệp châu Âu (EU) từ năm 2000 đến 2014, trung bình là 351 nghìn người/năm. Khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng chỉ 1,8 độ C, số người di cư sẽ tăng 28% vào năm 2100, tương đương 98 nghìn đơn xin tị nạn vào châu Âu mỗi năm. Trong khi đó, nếu nhiệt độ vẫn duy trì tốc độ tăng như hiện nay, từ 2,6 đến 4,8 độ C vào năm 2100, số đơn tị nạn sẽ tăng thêm 660 nghìn đơn/năm. Nhiệt độ cao hơn bình thường sẽ làm tăng lượng người di cư từ những vùng nóng, như Iraq và Pakistan, trong khi làm giảm lượng người di cư từ những vùng lạnh, như Siberia và Peru.
Là hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của làn sóng di cư những năm qua, châu Âu và châu Phi đã phối hợp tìm biện pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn này. Mới đây, 13 Bộ trưởng đến từ các quốc gia châu Phi và châu Âu đã nhóm họp tại Niger nhằm thảo luận các biện pháp chống nạn đưa người nhập cư vượt biên trái phép vào EU. Các nước cho rằng, tăng cường hiệu quả việc chống nạn buôn người trái phép cần đẩy mạnh việc phối hợp an ninh ở cấp độ quốc gia cũng như cấp độ khu vực. Các Bộ trưởng hai châu lục đã ký vào một dự thảo chung, trong đó các quốc gia sẽ cùng lập ra một lực lượng điều tra riêng và sẽ nâng mức xử phạt hình sự đối với đối tượng buôn người di cư trái phép.