Các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đã thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) đầu tư 873 triệu ơ-rô cho các dự án lớn của châu lục về cơ sở hạ tầng năng lượng sạch. Chuyển đổi châu Âu sang một nền kinh tế sạch và hiện đại, liên minh năng lượng là một trong những ưu tiên của EC. Các quốc gia ở “lục địa già” mạnh tay chi cho các dự án năng lượng sạch.
Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, châu Âu vẫn kiên trì theo đuổi các mục tiêu của mình trong khuôn khổ thỏa thuận này. Các nhà lãnh đạo châu Âu và chuyên gia đều nhất trí rằng, nền kinh tế lục địa già cần ưu tiên cho đầu tư tư nhân và nhà nước để đồng thời đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, vừa thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm. Theo Phó Chủ tịch EC phụ trách việc làm, tăng trưởng và cạnh tranh Jyrki Katainen, từ năm 2021, các nước thành viên EU cần bổ sung thêm 116 tỷ USD/năm vào ngân sách để có thể hoàn thành mục tiêu năng lượng và khí hậu vào năm 2030. Theo tính toán của các quan chức châu Âu, để đạt các mục tiêu năng lượng vào năm 2030, trong giai đoạn từ năm 2020 tới thời điểm đó, EU cần đầu tư 379 tỷ ơ-rô/năm cho những dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng sạch.
Trong số 17 dự án được EU lựa chọn tài trợ, có tám dự án thuộc về lĩnh vực điện với đầu tư lên tới 680 triệu ơ-rô và chín dự án liên quan khí đốt được đầu tư 193 triệu ơ-rô. Riêng trong lĩnh vực điện, EU quyết định đầu tư tới 578 triệu ơ-rô, mức cao nhất từ trước đến nay dành cho cơ chế kết nối năng lượng châu Âu, cho dự án vịnh Biscay. Quyết định này sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo ra kết nối năng lượng giữa Pháp và Tây Ban Nha. Chương trình kết nối điện năng mới này sẽ thúc đẩy sự hội nhập của bán đảo Iberia với thị trường điện nội địa, bao gồm việc lắp đặt một đường cáp ngầm dài 280 km dưới đáy biển để nối giữa đảo Cape Breton và phần đất liền của Pháp. Trong lúc sự chuyển đổi đang được cụ thể hóa nhanh chóng trên thực địa, cơ sở hạ tầng được xây dựng để thích ứng với các nhu cầu tương lai về năng lượng. Hệ thống đường điện và đường dẫn khí đốt được kết nối tốt là xương sống của một thị trường năng lượng châu Âu hội nhập dựa trên nguyên tắc đoàn kết. Bằng cách hỗ trợ 17 dự án nói trên, EU thể hiện mong muốn hiện đại hóa và mang đến một hệ thống năng lượng cạnh tranh hơn, đồng thời cho phép người tiêu dùng châu Âu tiếp cận một thị trường năng lượng rẻ và an toàn hơn.
Trước yêu cầu của Nghị viện châu Âu (EP) về việc tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, Chính phủ các nước EU đã thông qua mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo đến năm 2030. Theo đó, EU đặt mục tiêu nâng mức sử dụng năng lượng tái tạo tại tất cả quốc gia thành viên lên ít nhất 27% vào năm 2030, tăng 7% so với mục tiêu của năm 2020. Một trong những biện pháp hiệu quả để thực hiện mục tiêu đó là tích cực đưa vào sử dụng các loại phương tiện giao thông vận hành bằng năng lượng tái tạo hay công bố mức sử dụng nhiên liệu sinh học thế hệ đầu tiên, vốn bị chỉ trích gây ra cạnh tranh trong việc sử dụng đất nông nghiệp phục vụ ngành thực phẩm. Các mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo của EU là một phần trong gói đề xuất nhằm thực hiện các mục tiêu của EU về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính như đã cam kết trong Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Theo đó, mục tiêu của các nước EU là đến năm 2030 giảm phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính ít nhất 40%, dưới mức năm 1990.