Tất cả các dự án, hoạt động phát triển, dù tại các lưu vực sông xa biển, trên bờ biển hay trên biển đều phá vỡ cân bằng tự nhiên vốn có và tác động bất lợi cho môi trường và các hệ sinh thái nói chung cũng như môi trường và hệ sinh thái biển nói riêng. Theo báo cáo đánh giá hiện trạng môi trường biển lần thứ nhất do Liên hiệp quốc phát hành năm 2016 (UN, 2016), trên 80% ô nhiễm biển có nguồn gốc từ đất liền, bao gồm lượng lớn các chất thải rắn, nước thải và rác thải. Trong số các chất làm ô nhiễm biển, nguy hiểm nhất là các kim loại nặng và chất ô nhiễm hữu cơ bền (POPs) vốn phát sinh từ các hoạt động công nghiệp hoặc từ các chất thải nguy hại không được quản lý và xử lý đúng cách. Các chất này có khả năng tích tụ sinh học và đặc biệt gây nguy hại cho môi trường, các hệ sinh thái biển cũng như sức khỏe con người. Ngoài ra, còn nhiều nguồn ô nhiễm khác cũng rất đáng báo động như các hóa chất độc, chất dinh dưỡng và các loại ký sinh trùng, vi trùng, virus độc hại hay các chất thải hữu cơ, chất thải rắn, đặc biệt là chất thải nhựa. Các nguồn thải này nếu không được quản lý, xử lý tốt sẽ không chỉ gây ô nhiễm biển mà còn có khả năng phá hoại những sinh cảnh quan trọng như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển và các sinh cảnh biển, vùng bờ biển khác, làm mất đi những chức năng quan trọng của các hệ sinh thái biển.
Sinh cảnh tự nhiên bị phá hoại và ô nhiễm biển gia tăng
Nhìn chung, các dự án, hoạt động phát triển ven bờ với nguồn thải đồ sộ có tác động nghiêm trọng tới hệ sinh thái biển, có thể phá hoại các sinh cảnh tự nhiên và làm gia tăng tình trạng ô nhiễm biển, mặc dù xét ở một khía cạnh nhất định, các hoạt động này cũng góp phần tạo việc làm và duy trì sinh kế cho bộ phận người dân địa phương, qua đó giúp giảm áp lực khai thác trái phép tài nguyên biển.
Về sinh cảnh, do khu vực bờ biển là nơi sinh sống của rất nhiều loài động vật biển như chim, thú, bò sát… nên sinh cảnh của các loài này rất dễ bị các hoạt động, dự án lấn biển xâm hại. Theo tính toán của các chuyên gia, dự án xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông đã tàn phá tới 125km2 rạn san hô do bồi lấp đè lên san hô, do nạo vét lấy chất bồi lấp và do phát tán bùn cát làm che phủ các rạn san hô. Sự phá hoại các sinh cảnh có thể gây ra những thiệt hại rất lớn về dịch vụ hệ sinh thái (Stoeckl và nnk, 2011). Thí dụ, các kết quả ước tính cho thấy các công trình đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông đã làm thiệt hại dịch vụ hệ sinh thái tính thành tiền khoảng 4 tỷ Đô la Mỹ/năm. Mất sinh cảnh, nhiều loài sinh vật biển mất môi trường sống, đẻ trứng và nuôi con non. Rất nhiều loài cá sống ở biển nhưng lại bơi vào các con sông để đẻ trứng như loài rùa biển hoặc ngược lại. Đáng chú ý là không chỉ có các dự án phát triển trên đất liền mà các dự án xa biển cũng có khả năng gây tác động xấu tới môi trường biển (UN, 2016). Do đó, khi xem xét tác động của các dự án, hoạt động phát triển tới môi trường và các hệ sinh thái biển, cần phải xem xét tác động của tất cả các dự án ở biển, trên bờ biển và các hải đảo. Đặc biệt, khi quy hoạch không gian biển, cần xem xét không gian trên vùng biển, không gian tại vùng bờ biển và trên các hải đảo như là một hệ thống liên tục, không thể tách rời và cần thực hiện quản lý tổng hợp trên toàn bộ không gian này.
Về ô nhiễm biển, ngoài đất, cát cùng các loại rác thải được đổ từ sông ra biển sau mỗi trận mưa, bão, các chất ô nhiễm mà các dự án, hoạt động phát triển thải ra môi trường bao gồm chất thải lỏng và chất thải rắn. Chất thải lỏng chủ yếu là nước thải, có thể chứa các kim loại nặng hoặc chất ô nhiễm hữu cơ bền, hoặc các hoạt chất tiêu thụ ôxy trong nước (COD) rất mạnh mẽ hoặc nước nóng. Đặc biệt, các sự cố môi trường liên quan tới tràn dầu, hóa chất độc, hại sẽ gây những tác động rất nghiêm trọng tới môi trường và các hệ sinh thái biển. Ngay cả việc xả nước nóng cũng có thể có tác động rất xấu tới môi trường và các hệ sinh thái biển. Mỗi loài sinh vật chỉ sống và phát triển bình thường trong môi trường nước với nhiệt độ nhất định. Nhiệt độ nước tăng lên do xả nước nóng có thể tạo ra những áp lực cho sinh vật biển, làm ảnh hưởng xấu tới quá trình sinh trưởng, đẻ trứng và nuôi con non của động vật biển. Nước nóng cũng ảnh hưởng xấu tới các loài thực vật biển. Nước nóng chứa ít ôxy hơn và các khối nước nóng có xu hướng nổi lên, tạo thành một lớp nước nóng ngay trên mặt biển và ngăn trở sự trao đổi ôxy giữa lớp nước mặt biển và các lớp nước bên dưới. Như sẽ thảo luận dưới đây, nếu như các quá trình động lực biển không mạnh để tạo ra những xáo trộn lớp nước mặt và các lớp nước bên dưới và gần đáy biển có nhiều chất thải hữu cơ đang phân hủy, tiêu thụ nhiều ôxy, quá trình này sẽ làm cạn kiệt ôxy, tạo ra những “vùng chết” gần đáy biển và tiêu diệt các sinh vật biển.
Ngoài các chất thải vô cơ, các nhà máy, xí nghiệp chế biến nông sản, thủy, hải sản đều xả ra lượng chất thải hữu cơ rất lớn. Các khu đô thị mới, các khu dân cư tập trung, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng có lượng chất thải sinh hoạt rất lớn, nếu không được thu gom, xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường thì sẽ là nguồn ô nhiễm đáng kể. Chất thải hữu cơ khi phân hủy sẽ tiêu thụ một lượng ôxy rất lớn và trong hoàn cảnh xáo trộn do động lực yếu, có khả năng tạo ra các “vùng chết” gần đáy biển. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu mà hậu quả là nóng lên toàn cầu, số lượng các vùng chết tại các vùng biển trên thế giới ngày càng tăng lên (UN, 2016). Các chất thải hữu cơ sau khi phân hủy sẽ tạo ra chất dinh dưỡng và cùng với phân hóa học được các dòng sông mang ra biển hoặc bị rửa trôi từ các khu nghỉ dưỡng, sân golf…, gây nên ô nhiễm chất dinh dưỡng (hiện tượng phú dưỡng), làm bùng phát các loại tảo độc gây hại cho môi trường và các hệ sinh thái biển. Dư thừa chất hữu cơ cũng kích thích sự phát triển của tảo lớn trên rạn san hô và do vậy, làm tăng nguy cơ suy thoái các rạn san hô.
Một loại chất thải rắn rất quan trọng mà các dự án phát triển có thể xả ra biển là chất thải nhựa (Hammer và nnk, 2012). Các dự án phát triển tạo ra sự tập trung dân cư đông là nguồn lớn phát thải nhựa ở biển (UNEP, 2009). Chất thải nhựa được phân thành 3 loại: chất thải nhựa lớn (có kích thước lớn hơn 20mm), chất thải nhựa trung (có kích thước từ 2mm tới 20mm) và chất thải nhựa micro (có kích thước nhỏ hơn 2mm). Chất thải nhựa có tác hại rất lớn tới môi trường và các hệ sinh thái biển. Các loại lưới đánh cá, dây thừng nhựa trôi nổi ở biển có thể làm rất nhiều sinh vật biển như tôm, cá, rùa, thú biển, thậm chí cá heo và cá voi, các loài chim biển mắc phải và bị giết chết. Nhiều loại sinh vật biển như chim biển, rùa, thú biển nhầm các mảnh nhựa với thức ăn nên nuốt phải (Laist 1997) và bị hóc hoặc không tiêu được, mắc trong ruột, dạ dày gây tắc ruột hoặc tạo cảm giác no giả tạo dẫn đến chết đói. Các mảnh nhựa cũng hấp thụ các chất ô nhiễm, đặc biệt là chất ô nhiễm hữu cơ bền (POPs) và do vậy ảnh hưởng tới các sinh vật biển nuốt phải chúng (Teuten và nnk, 2009). Khoảng 49% các mảnh nhựa lớn nổi trên biển (EPA, 2008), được dòng chảy biển và gió mang đi. Trong quá trình di chuyển, chúng cũng mang theo các sinh vật biển và do vậy làm phát tán các sinh vật ngoại lai có khả năng xâm hại, làm thay đổi thành phần loài của hệ sinh thái tại những khu vực quan trọng về môi trường, sinh thái, cần được bảo tồn (Aliani và Molcard 2003). Các mảnh nhựa nằm trong cát trên bãi biển sẽ ngăn nhiệt từ mặt bãi truyền xuống các lớp sâu, làm thay đổi giới tính tự nhiên của rùa con khi nở từ trứng được rùa mẹ vùi trong cát trên bãi biển (Carson và nnk, 2011). Dây thừng, lưới và các mảnh nhựa lớn còn cuốn vào chân vịt, tạo cảnh quan xấu gần các bãi tắm phục vụ du lịch. Các hạt nhựa rất nhỏ, có kích thước nhỏ hơn 1mm, được gọi là các hạt nhựa nano, là sản phẩm của công nghệ làm đẹp và do những hạt nhựa lớn hơn phân hủy mà tạo thành, thường chứa các chất ô nhiễm và được các loài sinh vật kiếm mồi bằng cách lọc nước nuốt phải (Fendall and Sewell, 2009; Gregory, 1996). Những chất ô nhiễm và hạt vi nhựa này có khả năng thâm nhập vào tế bào các sinh vật biển và cuối cùng là ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Ngoài những tác động nêu trên, các dự án hạ tầng vùng bờ biển và trên biển còn làm tăng lượng bùn cát xả ra biển, làm đục nước, giảm chất lượng môi trường nước và có khả năng tàn phá các hệ sinh thái biển nhạy cảm như rạn san hô. Các công trình xây dựng của các dự án này có khả năng làm thay đổi trường sóng và dòng chảy tại các khu vực biển gần bờ và do vậy tác động xấu tới hệ sinh thái biển cũng như làm thay đổi cán cân bùn cát, làm gia tăng xói lở bờ biển. Các dự án nạo vét để lấy vật liệu lấn biển, xây dựng sẽ làm thay đổi điều kiện đáy biển và cán cân bùn cát cũng có thể gây ra xói lở bờ biển và tác động rất xấu tới môi trường và các hệ sinh thái biển.
Giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển
Phát triển bền vững kinh tế biển bao gồm khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên biển, đặc biệt là các tài nguyên tái tạo trong mức cho phép để tài nguyên biển có thể tự phục hồi, đồng thời quản lý tốt các tác động xấu của phát triển tới môi trường biển, đảm bảo môi trường biển luôn trong, sạch để thỏa mãn những nhu cầu cuộc sống của thế hệ hiện tại mà không làm ảnh hưởng tới các thế hệ tương lai. Phát triển bền vững kinh tế biển bao gồm các hoạt động để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 14 trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững Liên hợp quốc theo Chương trình nghị sự 2030 (UN, 2015): bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và các nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển bền vững. Mục tiêu này bao gồm việc quản lý để ngăn chặn và giảm đáng kể tất cả các dạng ô nhiễm biển, đặc biệt là ô nhiễm gây ra do các hoạt động có nguồn gốc đất liền và rác thải biển, ô nhiễm chất dinh dưỡng; quản lý và bảo vệ bền vững các hệ sinh thái biển và vùng bờ biển; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển. Công cụ rất quan trọng để đạt tới các mục tiêu nêu trên là quản lý tổng hợp theo cách tiếp cận hệ sinh thái các vùng biển, vùng bờ biển và hải đảo để phát triển nền kinh tế biển xanh. Nội dung của quản lý tổng hợp theo cách tiếp cận hệ sinh thái các vùng biển, vùng bờ biển và hải đảo để phát triển nền kinh tế biển xanh bao gồm:
- Xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện Quy hoạch sử dụng biển và vùng bờ biển trong đó có phân tích kỹ càng các chức năng của từng vùng biển và vùng bờ biển để đảm bảo khai thác hiệu quả, có lợi nhất một số chức năng quan trọng trong giới hạn không làm ảnh hưởng tới các chức năng khác và dẫn đến cạn kiệt tài nguyên, suy thoái, ô nhiễm môi trường, phá hủy các hệ sinh thái biển;
Trên cơ sở Quy hoạch sử dụng biển và vùng bờ biển, xây dựng một hệ thống chính sách, quy định pháp luật và cơ cấu tổ chức nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng khôn ngoan, hợp lý tài nguyên biển, vùng bờ biển và hải đảo. - Đảm bảo hài hòa lợi ích các ngành, các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ, bảo tồn môi trường và các hệ sinh thái biển và vùng bờ biển. Giảm thiểu các xung đột lợi ích.
Chú trọng quản lý các hệ sinh thái biển và vùng bờ biển quan trọng theo cách không cắt rời, chia nhỏ để đảm bảo duy trì cấu trúc, chức năng và năng suất sinh học của các hệ sinh thái; tiến tới khôi phục các hệ sinh thái và đa dạng sinh học đã bị suy thoái. Nhanh chóng xây dựng và đưa vào áp dụng trên diện rộng các mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn và khai thác, sử dụng bền vững các hệ sinh thái biển. - Tiếp tục hoàn thiện và và triển khai thực hiện một cách hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật về phát triển nghề cá bền vững, chống đánh bắt hủy diệt, đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được điều chỉnh (IUU fishing).
- Rà soát quy hoạch phát triển cảng biển, các khu, đặc khu kinh tế biển, các khu kinh tế mở và các ngành công nghệ biển để đảm bảo đầu tư hiệu quả, phù hợp với nguồn lực hiện có.
- Tiếp tục hoàn thiện và đưa vào áp dụng hiệu quả một hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường biển, chú trọng đảm bảo quản lý, xử lý tốt các nguồn thải từ bờ, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm từ các nguồn thải nguy hại như kim loại nặng, rác thải nhựa. Rà soát, sửa đổi các quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường (Luật số 55/2014/QH13) để đảm bảo quản lý tốt, giảm thiểu triệt để các tác động xấu của các dự án phát triển.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững để phòng chống thiên tai, đảm bảo giảm rủi ro thiên tai đến mức thấp nhất.
- Đảm bảo quyền sở hữu, sử dụng công cộng tại các bãi biển và các khu vực biển quan trọng để đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển và sự liên tục của các hệ sinh thái từ dưới biển lên bờ. Thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Luật số 82/2015/QH13) về việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, tiến tới xây dựng các khu vực công cộng tại vùng đất ngay sát biển.
- Áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến nhằm giảm thiểu phát thải, giảm ô nhiễm môi trường.
- Tăng cường nghiên cứu, xây dựng những giải pháp tăng việc lưu giữ các-bon để giảm thiểu khí nhà kính, giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
- Tăng cường khai thác, sử dụng các năng lượng sạch, năng lượng tái tạo từ biển.
- Chú trọng xây dựng và hoàn thiện các cơ chế tài chính với hệ thống thuế, phí hợp lý liên quan tới sử dụng không gian biển và các nguồn tài nguyên biển, phí môi trường và các loại thuế, phí khác để để đảm bảo tăng nguồn thu. Đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng công cộng để đảm bảo chia sẻ phúc lợi từ biển một cách hợp lý, công bằng cho các tầng lớp nhân dân; tăng cường khả năng chống chịu của các hệ thống ven biển, đặc biệt là các cộng đồng dân cư ven biển đối với thiên tai biển và biến đổi khí hậu.
- Xây dựng các cơ chế tài chính sáng tạo để đảm bảo phát triển bền vững kinh tế, xóa đói giảm nghèo, khuyến khích bảo tồn, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển cũng như sử dụng các năng lượng sạch. Chú trọng việc lượng giá các dịch vụ sinh thái biển và vùng bờ biển, xây dựng và áp dụng các văn bản pháp luật để đảm bảo có thể thu được nguồn tài chính chi trả dịch vụ môi trường, hệ sinh thái từ các dự án phát triển để phục vụ công tác bảo tồn, khôi phục môi trường và các hệ sinh thái biển cũng như tăng cường phúc lợi cho người dân, xóa đói giảm nghèo và góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Sử dụng các công cụ tài chính để điều chỉnh một cách hiệu quả các hành vi khai thác tài nguyên, bảo vệ, bảo tồn môi trường và các hệ sinh thái biển.
Tài liệu tham khảo
1. Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13
2. Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13
3. Aliani S and Molcard A (2003), Hitch-Hiking on fl oating marine debris: macrobenthic species in the Western Mediterranean Sea, Hydrobiologia 503(1):59–67.
4. Carson HS, Colbert SL, Kaylor MJ, McDermid KJ (2011), Small plastic debris changes water movement and heat transfer through beach sediments, Mar Pollut Bull 62(8):1708–1713.
5. EPA (2008), Municipal solid waste generation, recycling and disposal in the United States: facts and figures for 2008, United States Environmental Protection Agency.
6. Fendall LS and Sewell MA (2009), Contributing to marine pollution by washing your face: microplastics in facial cleansers, Mar Pollut Bull 58(8):1225–1228
7. Gregory MR (1996), Plastic “scrubbers” in hand cleansers: a further (and minor) source for marine pollution identified, Mar Pollut Bull 32(12):867–871
8. Hammer J, MHS Kraak and JR Parsons (2012), Plastics in the marine environment: the dark side of a modern gift. In D.M. Whitacre (ed.), Reviews of Environmental Contamination and Toxicology, 1 Reviews of Environmental Contamination and Toxicology 220, DOI 10.1007/978-1-4614-3414-6_1, © Springer Science+Business Media, LLC. http://oceansandplastics.info/wp-content/uploads/2015/07/ART_Hammer_2012.pdf.
9. Laist DW (1997), Impacts of marine debris: entanglement of marine life in marine debris including a comprehensive list of species with entanglement and ingestion records. In: Coe JM, Rogers DB (eds) Marine debris: sources, impacts, and solutions, Springer Series on Environmental Management, pp 99–139.
10. Stoeckl N, C. Hicks, M Mills, K Fabricius, M Esparon, F Kroon, K Kaur and R Costanza (2011), The economic value of ecosystem services in the Great Barrier Reef: our state of knowledge, Annals of the New York Academy of Science. http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/j.1749-6632.2010.05892.x/abstract
11. UNEP (2009), Marine Litter: A Global Challenge, United Nations Environment Programme, Nairobi, 232.
12. United Nations (2015), Sustainable development goals. http://www.un.org/sustainabledevelopment/sustainable-development-goals/
13. United Nations (2016), The First Global Integrated Marine Assessment, World Ocean Assessment I by the Group of Experts of the Regular Process. http://www.un.org/Depts/los/global_reporting/WOA_RegProcess.htm.
14. Vu Thanh Ca (2018), Conservation and sustainable use of biological resource in the South China Sea, Paper submitted to Asia-Pacific Journal of Ocean Law and Policy.
PGS.TS Vũ Thanh Ca, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường