4 năm trước, khi nói đến cuộc chiến chống ô nhiễm của Chính phủ Trung Quốc, đã xuất hiện nhiều hoài nghi về kết quả sẽ đạt được. Nhưng chỉ 4 năm sau, bức tranh môi trường ở quốc gia tỷ dân này đã có những bước khởi sắc.
Ô nhiễm giảm, tuổi thọ tăng
Trong nhiều năm qua, để đạt chỉ số tăng trưởng cao và vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Trung Quốc buộc phải hy sinh môi trường. Hậu quả để lại rất nghiêm trọng, môi trường bị tàn phá nặng nề, sức khỏe dân số giảm sút mạnh vì ô nhiễm nặng từ khu vực thành thị cho đến nông thôn. Dù đạt mức tăng trưởng kinh tế gần 10% mỗi năm trong thập niên qua, nhưng quốc gia tỷ dân này cũng là nước có lượng xả thải carbon lớn nhất thế giới. Theo Dự án Carbon toàn cầu, 27% lượng khí thải toàn cầu năm 2014 là từ Trung Quốc. Các báo cáo về môi trường của các tổ chức quốc tề đều chỉ ra rằng, Trung Quốc là một trong những nước phải chịu trách nhiệm lớn nhất cho các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Chất lượng không khí ở nhiều thành phố lớn của Trung Quốc không còn đáp ứng tiêu chuẩn y tế thế giới. Tại một số tỉnh công nghiệp phía Bắc Trung Quốc như Thiểm Tây hay Hà Bắc, tình trạng sương mù cực kỳ tồi tệ. Tình trạng ô nhiễm nơi đây đã tạo ra bụi “siêu mịn” PM 2.5 cực độc, có khả năng đi sâu vào phổi của con người và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.
Tình trạng tồi tệ của môi trường Trung Quốc buộc giới lãnh đạo nước này phải tính đến bài toán cân bằng giữa lợi ích kinh tế và môi trường. Từ năm 2014, Chính phủ Trung Quốc chấp nhận giảm tỷ lệ tăng trưởng và đầu tư cho cuộc chiến lấy lại bầu trời xanh bằng chiến dịch bảo vệ môi trường trên quy mô toàn quốc. Bắc Kinh sử dụng và phát triển những chính sách xanh để có thể dẫn đầu thế giới về tiến bộ công nghệ. Kết quả, sau 4 năm, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu chính sách năng lượng của Đại học Chicago (Mỹ), môi trường Trung Quốc đã có những bước cải thiện. Nồng độ ô nhiễm bụi các thành phố ô nhiễm nặng nhất đã được cắt giảm đáng kể. Ở thủ đô Bắc Kinh, tỷ lệ ô nhiễm giảm đến 35%, thành phố Thạch Gia Trang thuộc tỉnh Hà Bắc giảm tới 39% và Bảo Định- thành phố ô nhiễm nhất của Trung Quốc năm 2015, giảm 38%. Gần 20 triệu người dân ở Bắc Kinh có thể sống lâu hơn (thêm 3,3 năm). Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của người dân ở Thạch Gia Trang và Bảo Định thêm được lần lượt là 5,3 năm và 4,5 năm. Tuổi thọ trung bình của người dân Trung Quốc được dự báo kéo dài thêm 2,4 năm nếu chiến dịch bảo vệ môi trường vẫn được duy trì.
Chính sách mạnh tay
Trung Quốc đã làm thế nào trong 4 năm qua? Theo bản kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí được công bố vào năm 2014, Trung Quốc đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 10% nồng độ bụi gây ô nhiễm không khí tại các vùng đô thị, thậm chí là cao hơn ở một số thành phố. Để đạt được những mục tiêu này, Trung Quốc đã cấm xây dựng các nhà máy nhiệt điện mới trong các vùng ô nhiễm nặng nhất của đất nước, bao gồm cả vùng thủ đô Bắc Kinh. Những nhà máy hiện tại được yêu cầu cắt giảm khí thải, nếu không, nhiên liệu than đá sẽ bị buộc phải thay thế bằng khí ga tự nhiên. Những thành phố lớn, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, đã hạn chế số lượng ô tô lưu hành. Các mỏ than bị đóng cửa hàng loạt, các nhà máy sản xuất, các ngành công nghiệp nặng buộc phải cắt giảm sản lượng. Chính phủ Trung Quốc còn ra lệnh cho hàng ngàn nhà máy gây ô nhiễm phải rời khỏi các trung tâm đô thị, đưa ra chính sách buộc hàng triệu doanh nghiệp và hộ gia đình phải chuyển từ dùng than đá sang khí đốt tự nhiên. Các thông tư hướng dẫn thực hiện quy định cụ thể về việc quản lý hệ thống cấp phép phát thải chất gây ô nhiễm, đảm bảo hoạt động xả thải vào không khí, nước và đất tại hàng loạt địa phương được giám sát chặt chẽ.
Chính phủ Trung Quốc cũng nghiêm cấm hoặc hạn chế các hoạt động phát triển công nghiệp tại các vùng đầm lầy, rừng, công viên quốc gia hoặc khu vực bảo tồn tự nhiên. Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc (MEP) cho biết nước này đã phê duyệt kế hoạch của 15 tỉnh và địa phương về lập ra những “khu vực đỏ” nghiêm cấm có các hoạt động khai thác về kinh tế. Để giải được bài toán cung cấp lương thực cho 20% dân số thế giới trong khi chỉ sử dụng được khoảng 7% đất nông nghiệp toàn cầu do một lượng lớn trong số đó là đất cằn hoặc bị ô nhiễm, Trung Quốc đang nỗ lực đưa một diện tích rộng lớn đất nông nghiệp bị ô nhiễm trở lại khai thác và giảm phụ thuộc vào thuốc trừ sâu cùng phân bón.
Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy vẫn có nhiều địa phương vi phạm trong hoạt động bảo vệ môi trường. Thống kê năm 2017 của MEP cho thấy trong đợt giám sát công tác bảo vệ môi trường lần thứ 4 trên phạm vi toàn quốc, bộ này đã truy cứu trách nhiệm đối với 5.763 cán bộ thiếu tích cực trong công tác bảo vệ môi trường tại các địa phương gồm Cát Lâm, Chiết Giang, Sơn Đông, Hải Nam, Tứ Xuyên, Thanh Hải, Tân Cương và Tây Tạng .
Song song với các biện pháp chế tài, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra rất nhiều chính sách khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng sạch như gió và Mặt trời để nâng cao chất lượng tăng trưởng. Giới chuyên gia từng đưa ra nhận định, cuộc chiến chống ô nhiễm của Trung Quốc sẽ thay đổi rất nhiều thị trường. Thực tế đã chứng minh nhận định này. Chỉ sau vài năm, riêng với thị trường xe chạy điện, Trung Quốc đang tiến gần đến mục tiêu thống trị ngành sản xuất các phương tiện được cho là thân thiện với môi trường. Theo Cục năng lượng quốc gia Trung Quốc (NEA) cho biết năng lượng sạch, gồm năng lượng hạt nhân và các loại năng lượng tái tạo, được kỳ vọng sẽ vượt qua than đá về công suất phát điện tại nước này trong khoảng 10 năm tới và trong tương lai gần, năng lượng sạch sẽ đóng vai trò chủ đạo trong tiêu thụ điện năng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Tuy đã tiến đến mục tiêu cắt giảm tỷ lệ ô nhiễm nhưng Bắc Kinh đồng thời lại bị chỉ trích là đang “xuất khẩu” ô nhiễm ra thế giới, đặc biệt ở các nước nghèo và kém phát triển. Cụ thể theo ước tính của Tổ chức môi trường Urgewald (Đức), có khoảng 250 công ty Trung Quốc liên quan đến hàng trăm dự án năng lượng than đá mới trên toàn thế giới, gồm cả ở những nước vốn ít sử dụng như Pakistan hay Ai Cập.