Trong những ngày qua, trên sông Bồng Miêu, đoạn chảy qua địa bàn xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) xảy ra tình trạng cá chết bất thường. Khi phát hiện cá chết và không khí bốc mùi nồng nặc, người dân đã phản ánh với các cơ quan chức năng ở địa phương. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa khắc phục kịp thời, gây nhiều bức xúc cho người dân ở địa phương.
Theo người dân địa phương cho biết, nguyên nhân dòng sông bị ô nhiễm và gây ra tình trạng cá chết là do vỡ bờ đập xả thải của Công ty CP Tập đoàn khoáng sản Công nghiệp 6666 làm nước thải (sau khi xử lý quặng vàng) đã tuồn ra sông Bồng Miêu gây nên.
Trưởng thôn Trà Sung (xã Tam Lãnh) Ung Văn Long bộc bạch, từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất đến nay, sông Bồng Miêu chảy qua địa bàn xã bị ô nhiễm nặng, người dân trong thôn đã nhiều lần phản ánh nhưng chưa được chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm.
Trung tá Văn Công Đoàn, Trưởng Đồn Công an Tam Lãnh (thuộc Công an huyện Phú Ninh) cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân về sự cố vỡ đập xả thải của Công ty CP Tập đoàn khoáng sản Công nghiệp 6666 tại bãi vàng Bồng Miêu, lãnh đạo Đồn đã tiến hành kiểm tra và phát hiện tại hiện trường, bờ của bãi xả thải bị vỡ một đoạn (dài gần 5m, sâu 40cm). Qua đó, Đồn lập biên bản yêu cầu Công ty này khắc phục sự cố; đồng thời báo cáo lên các cơ quan chức năng ở địa phương.
Tuy nhiên, ông Trương Quốc Sỹ, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn khoáng sản Công nghiệp 6666 cho rằng, sự cố vỡ đập xả thải gây cá chết ở sông Bồng Miêu là không chính xác. Và cho biết, sự cố này là do, trong khi Công ty đưa máy xúc ra hiện trường san ủi mặt bằng trồng keo, nhưng “chẳng may” xe bị lún. Và khi kéo xe lên, nước trong bể thải của Công ty đã tràn ra ngoài, chứ không phải hoạt động sản xuất gây ra?!
Khi đề cập vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh Nguyễn Đạo khẳng định, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành hai văn bản đình chỉ hoạt động của Công ty CP Tập đoàn Khoáng sản Công nghiệp 6666 đối với việc lấy quặng đuôi để chế biến tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. Theo đó, lực lượng chức năng huyện Phú Ninh đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, lập biên bản yêu cầu dừng hoạt động nhưng Công ty này vẫn lén lút khai thác quặng đuôi để chế biến.
Theo thông tin chúng tôi nắm được, dù mỏ vàng Bồng Miêu đã được đóng cửa, nhưng lâu nay, tình trạng khai thác vàng trái phép khu vực xã Tam Lãnh vẫn tái diễn. Tình trạng chở quặng ra gần bờ sông để lấy nước đãi vàng; rồi nhiều hồ chứa xái ngâm cyanua để tách vàng nằm gần bờ sông… xả nước thải xuống sông gây ô nhiễm vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh Nguyễn Thế Vinh cho biết, thời gian qua, chính quyền địa phương đã phối hợp Đồn Công an Tam Lãnh và Công an huyện Phú Ninh tổ chức nhiều đợt truy quét đã phát hiện và tiêu hủy nhiều máy móc, thiết bị phục vụ khai thác vàng trái phép tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. Tuy nhiên, do địa hình đồi núi hiểm trở và giáp ranh với nhiều huyện nên việc tổ chức truy quét gặp nhiều khó khăn. Hiện tại vẫn còn nhiều đối tượng lén lút khai thác vàng trái phép gây ô nhiễm môi trường.
Ông Vinh cho biết thêm, trước tình hình cá chết, nước sông Bồng Miêu bị ô nhiễm, chiều nay (19-3), ông cùng đoàn công tác của huyện Phú Ninh do ông Nguyễn Đạo, Phó Chủ tịch UBND huyện dẫn đầu đã tiếp cận hiện trường, tìm hiểu và làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý kiên quyết các đối tượng gây ô nhiễm môi trường tại khu vực sông Bồng Miêu.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo địa phương, việc truy quét, xử lý các đối tượng khai thác vàng trái phép tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu còn nhiều bất cập. Do vậy, để lập lại trật tự trong việc khai thác khoáng sản ở khu vực này rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam…
Trong năm 2017, Công an xã Tam Lãnh đã phối hợp Đồn Công an Tam Lãnh tổ chức nhiều đợt kiểm tra, phát hiện và tiêu hủy, làm mất tác dụng hoàn toàn: 50 máy nổ, sáu cối xay, năm máy bơm nước, 53 hồ hóa chất, 39 lán trại, 3.500 dây nước, 2.950m dây điện, 14.500m bạc, hai máy điện và tạm giữ hàng trăm ký quặng các loại… Riêng trong quý 1-2018, các lực lượng chức năng đã tổ chức truy quét, tiêu hủy 10 máy nổ, 700 dây điện, 22 lán trại, 25 hồ hóa chất, 40 lít dầu diezen…