Qua làm việc, đoàn kiểm tra do HĐND tỉnh Gia Lai phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện nhiều cơ sở y tế xử lý chất thải, nước thải y tế chưa đảm bảo quy chuẩn.
Ông Nguyễn Văn Hiển, Chuyên viên phòng Kế hoạch – Tài chính, sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết: “Vừa qua, HĐND tỉnh Gia Lai phối hợp với các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn về tình hình xử lý chất thải, nước thải y tế. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều bất cập như hệ thống xử lý nước thải, chất thải, lò đốt rác… tại nhiều cơ sở y tế không đảm bảo”.
Theo ông Hiển, vấn đề còn tồn tại ở nhiều cơ sở y tế là việc xử lý rác thải rắn với hình thức đốt chung một số chất thải y tế khác như: Chai thủy tinh, kim tiêm,… không thể tiêu hủy. Một số trung tâm Y tế (TTYT) đã phối hợp với các doanh nghiệp để vận chuyển và xử lý rác thải y tế, nhưng không có sự kiểm tra, giám sát việc xử lý rác thải y tế.
Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nước thải y tế tại một số TTYT không được đầu tư đồng bộ, hoạt động kém hiệu quả hoặc nhiều năm nằm “đắp chiếu” gây lãng phí. Trong khi, nước thải y tế chưa qua hệ thống xử lý mà để chảy xuống hầm rút hoặc chảy ra môi trường gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến mạch nước ngầm.
Theo kết quả kiểm tra tại TTYT huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, đoàn kiểm tra chỉ ra nhược điểm như hệ thống xử lý nước thải y tế đã hoàn thành vào năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động, do hệ thống thu gom nước thải chưa được đấu nối với hệ thống xử lý. Bên cạnh đó, chất thải y tế tuy đã được phân loại tại khoa, phòng nhưng lại đốt chung với một số rác thải như: Chai thủy tinh, kim tiêm, không thể tiêu hủy hết.
Còn tại TTYT huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, hệ thống xử lý nước thải y tế được hoàn thành từ năm 2007 nhưng đến nay đã hơn 10 năm vẫn không hoạt động vì chưa có hệ thống thu gom và đấu nối từ các khoa về hệ thống xử lý. Hệ thống ống khói của lò đốt chưa đạt chuẩn theo quy định, vệ sinh môi trường tại bệnh viện chưa đảm bảo, nhất là khu vực lò đốt rác. Tại 20 trạm Y tế và ban Y tế dự phòng, nước thải y tế vẫn chảy thẳng xuống hầm rút mà chưa qua xử lý; chất thải rắn y tế (ống nhựa, thủy tinh, kim tiêm) vẫn đốt thủ công hoặc chôn lấp tại chỗ.
Liên quan đến vấn đề nói trên, ông Hiển thông tin: “Hiện, sở Y tế đang đề xuất xin kinh phí của tỉnh để khắc phục những hạn chế đang tồn đọng tại các cơ sở, TTYT trên địa bàn”.