Thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, các địa phương của Hà Nội đã, đang tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi nông nghiệp khép kín nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiều nơi loay hoay do người dân, doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, trong khi đầu ra cho nông sản vẫn bấp bênh.
Doanh nghiệp chưa mặn mà
Đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 1.868 trang trại, trong đó có 11 trang trại trồng trọt, 1.466 trang trại chăn nuôi, 1 trang trại lâm nghiệp, 156 trang trại nuôi trồng thủy sản và 234 trang trại kinh doanh tổng hợp. Một số trang trại đã xây dựng chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết: Các trang trại áp dụng mô hình khép kín có thể chủ động kiểm soát được chất lượng đầu vào như thức ăn, con giống, chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường, xây dựng thương hiệu. Doanh nghiệp chủ động được nguồn cung ổn định, hạn chế khâu trung gian, giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, việc đầu tư mô hình chuỗi khép kín trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn.
Chia sẻ về những khó khăn, ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long (huyện Thanh Oai) cho rằng: Hiện tại, trang trại áp dụng chăn nuôi khép kín, nhưng theo kiểu “chắp vá” vừa làm, vừa đầu tư. Thực tế, để xây dựng chuồng trại khép kín, từ khu giết mổ tập trung đến chế biến theo công nghệ hiện đại, phải đầu tư hàng chục tỷ đồng, nên rất khó bảo đảm đồng bộ.
Ngoài vấn đề nguồn vốn, khi sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, nông dân còn lúng túng trong phát triển công nghệ cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi và chế biến bảo đảm hiệu quả.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đánh giá: Các doanh nghiệp nông nghiệp chưa mặn mà với việc xây dựng chuỗi khép kín vì thực tế thương lái và người kinh doanh được hưởng lợi cao nhất ở khâu tiêu thụ. Còn lại các công đoạn khác, chủ trang trại phải đầu tư dài hạn, tốn kém nhưng lợi nhuận thấp. Nhằm giảm bớt chi phí đầu tư và có nguồn cung ổn định, một số doanh nghiệp đang thực hiện mô hình liên kết với các trang trại vệ tinh. Tuy nhiên, để một doanh nghiệp nhỏ làm được việc này không đơn giản, vì thực tế giám sát người dân xây dựng quy trình sản xuất khép kín theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao sẽ
Tăng cường mối liên kết
Để xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp khép kín thành công, giải pháp cho các doanh nghiệp là liên kết thành lập tập đoàn, công ty cổ phần, từ đó góp vốn đầu tư xây dựng trang trại quy mô lớn, hiện đại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất. Muốn vậy, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường: Các sở, ngành cần tham mưu cho thành phố hỗ trợ doanh nghiệp có năng lực được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, chuyển giao khoa học công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ về gen, chọn tạo giống.
Các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp như ưu tiên về đất đai, xây dựng chuỗi sản xuất an toàn để cung cấp nguồn nguyên liệu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, hỗ trợ cho thuê, tích tụ ruộng đất, qua đó hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm truy xuất được nguồn gốc xuất xứ nông sản khi bán ra thị trường.
Thực tế đòi hỏi chính quyền các địa phương cần tăng cường quản lý, củng cố, hỗ trợ và nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của hợp tác xã nông nghiệp. Qua đó hướng dẫn, giúp đỡ nông dân trong sản xuất nông nghiệp, nhất là việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Các doanh nghiệp chủ động xây dựng chuỗi liên kết khép kín, hiện đại, từ sản xuất con giống, cây trồng tới thu mua, vận chuyển và chế biến, đa dạng hóa và cung ứng sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào khâu xử lý ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến nông sản, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vùng sản xuất rau, quả an toàn. Cuối cùng là chú trọng xây dựng thương hiệu, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn của đối tác thu mua chế biến sản phẩm nông nghiệp lớn trong nước và nhập khẩu.