Núi bị đục khoét, xới tung khắp nơi. Cây rừng bị đốn hạ làm lán trại, chống chắn các hố quặng. Đó là những gì diễn ra suốt hơn 5 năm qua ở khu rừng mà 2 phóng viên sau khi xâm nhập đã bị 1 nhóm đối tượng bắt giữ, hành hung.
Thổ phỉ ngang nhiên vào tiểu khu 193 (xã Khánh Thành), 205 (xã Khánh Phú) rừng phòng hộ đầu nguồn huyện Khánh Vĩnh tung hoành, tuyển quặng trái phép. Thế nhưng, hành vi của chúng như không có pháp luật tồn tại.
Quặng tặc đụng đâu khoét đó
Bãi khai thác quặng trái phép có diện tích rộng đến vài chục hecta. Vị trí khai thác là núi rừng hiểm trở, khó đi lại. Quặng tặc đụng đâu khoét đó. Khoét thử không có, chúng tiếp tục đi khoét chỗ khác. Nếu trúng điểm có nhiều quặng, chúng tiếp tục làm hầm xuống lòng đất. Nhiều lán trại dựng lên phục vụ việc tuyển, đãi quặng. Thổ phỉ tại đây không chỉ dân địa phương mà còn cả các tỉnh, thành khác như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Quặng tặc còn đem cả loa kẹo kéo vào giải trí, ca hát ngân vang cả núi rừng. Chúng còn phân chia lãnh địa, rồi bán chác cho nhau, nếu thương lượng được giá. Cảnh tượng trên bắt đầu vào năm 2013 – 2014. Không biết nắm thông tin từ đâu, một lượng người đông chưa từng có (có lúc lên đến hơn 1.000 người) kéo đến các tiểu khu 193, 205 rừng phòng hộ huyện Khánh Vĩnh tuyển quặng.
Ông Lê Đức Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh – xác nhận, khu vực rừng ở tiểu khu 193 do Cty Lâm sản tỉnh Khánh Hòa quản lý. “Chúng tôi không kiểm tra vì không thuộc quản lý của huyện. Họ là doanh nghiệp nhà nước mà. Huyện Khánh Vĩnh lâu nay không có cấp phép khai thác khoáng sản gì cả, còn công ty lâm sản chỉ quản lý về rừng thôi. Cty lâm sản phải tự chịu trách nhiệm trực tiếp trước UBND tỉnh”. Còn bà Cao Thị Thêm – Chủ tịch UBND xã Khánh Thành – nói như bất lực: “Khu vực của họ (Cty lâm sản) quản lý, nằm trên bản đồ đó mà”.
Bất lực
Đầu năm 2017, 1 đoàn địa chất vào khoan thăm dò khoáng sản tại tiểu khu 193. Các đối tượng nghe vậy lại vào rừng đào, khoét, tìm kiếm quặng. Làm việc với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Tân – Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm sản tỉnh Khánh Hòa – thừa nhận, tiểu khu 193, xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) do đơn vị quản lý. Trả lời câu hỏi có hay không việc nhân viên làm việc ở trạm móc nối với công an xã, thổ phỉ, “đầu gấu” thực hiện việc phá rừng, tuyển quặng, sau đó ăn chia? “Ở trạm kiểm soát, bảo vệ rừng xã Khánh Thành, tôi có 4 nhân viên. Tuy vậy, tôi điều chuyển đi các trạm khác liên tục nên không có chuyện đó đâu” – ông Tân nói.
Ông Tân cũng khẳng định, việc các đối tượng đục khoét, tuyển quẳng ở tiểu khu 193 là làm chui. Không một cơ quan chức năng nào cấp phép làm khoáng sản trong rừng phòng hộ này. “Trước sự việc nghiêm trọng đó, năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo lực lượng công an truy quét, chốt chặn, phá bỏ lán trại, hầm đào. Nay chỉ còn khoảng 20 người đang đào quặng ở đó thôi. Giờ họ đi mót lại thôi. Như vậy là tốt rồi” – ông Tân nói.
Ông Tân cho rằng, rừng thì rộng bao la, mà lực lượng Cty thì ít, nên quản lý khó khăn. “Khi mình lên hiện trường thì họ di tản vào rừng, khi mình đi thì họ lại ra làm” – ông Tân nói như bất lực. Ông Tân cho biết, mấy năm trước, tỉnh Khánh Hòa phải chi cả tỉ đồng và Cty cũng chi cả mấy trăm triệu để đưa các lực lượng vào tiểu khu 193 giữ núi rừng, phá hủy lán trại, đẩy đuổi quặng tặc. “Sau đó, tỉnh giao cho công an huyện quản lý, công an huyện lại giao cho công an xã tiến hành đẩy đuổi các đối tượng này” – ông Tân nói.
Như Báo Lao Động đã đưa tin, sáng 11.3, phóng viên Tạ Văn Long (bút danh Thành Long) và phóng viên Phạm Thế Anh (bút danh Nam Anh) đi xe máy từ Nha Trang đến xã Khánh Thành (huyện khánh Vĩnh), rồi vào rừng phòng hộ của xã này để điều tra về hoạt động tại khai thác quặng tại tiểu khu 193. Sau khi thu thập tư liệu từ các lán trại khai thác quặng xong, 2 phóng viên bị nhiều đối tượng lao vào khóa tay, khống chế. Họ lục ba lô (trong đó có máy ảnh), túi quần lấy điện thoại, ví tiền. “Chúng tôi bị lột đồ, chỉ cho mặc quần đùi” – phóng viên Thành Long kể. Hai phóng viên bị giam lỏng trong 1 lán trại từ 17h30 đến gần 22h cùng ngày mới được thả. Vụ việc đang được công an điều tra, làm rõ. |