Trước đây chỉ dùng một cảnh ảnh quang học để phục vụ cho việc điều tra, khảo sát rừng phải chi tới gần 20 triệu đồng, vì thế ở Viện Điều tra Quy hoạch rừng hằng năm chỉ cả tỉ đồng cho việc mua ảnh này.
Nguồn kinh phí này sắp tới sẽ không phải chi trả do việc đưa vào ứng dụng miễn phí Dữ liệu vệ tinh Vietnam DataCube vừa được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam giới thiệu ra mắt.
Từ năm 2017, Viện Điều tra, Quy hoạch rừng – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị đã có ký kết biên bản ghi nhớ với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về việc đưa vào ứng dụng dữ liệu vệ tinh trong việc khảo sát, điều tra rừng. Hiện Viện Điều tra, Quy hoạch rừng là một trong số các đơn vị chủ yếu sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh phục vụ công tác chuyên môn.
Cụ thể trong giai đoạn 2013-2016 Viện là đơn vị chủ yếu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện dự án tổng điều tra kiểm kê rừng toàn quốc.
“Theo quy định chúng tôi bắt buộc phải sử dụng ảnh vệ tinh có thời hạn từ lúc chụp cho đến thời điểm điều tra rừng là một năm. Những ảnh này trước đây do Trung tâm viễn thám quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp. Tuy nhiên ảnh yêu cầu phải có độ phân giải cao, nhưng thực tế việc cung cấp ảnh trước đây có nhiều bất cập như ảnh không cung cấp đầy đủ tại thời điểm có nhu cầu điều tra. Đây lại là ảnh quang học nên có nhiều vấn đề mang yếu tố kỹ thuật như chất lượng ảnh không đảm bảo, thêm nữa chi phí cho việc mua ảnh cũng tương đối đắt nên đây là điều rất khó khăn đối với chúng tôi. Tính sơ bộ một năm Viện Điều tra, Quy hoạch rừng phải chi tới vài tỉ đồng chỉ cho việc mua ảnh” – ông Nguyễn Nghĩa Biên – Viện trưởng Viện Điều tra, Quy hoạch rừng – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ và nhấn mạnh thêm một thực tế ảnh quang học trước đây đơn vị ông sử dụng không chỉ thiếu về số lượng mà chất lượng ảnh cũng không đảm bảo, thời điểm cung cấp ảnh không đáp ứng yêu cầu.
Chính vì thế ông Biên trông chờ rất nhiều vào việc ứng dụng dữ liệu vệ tinh Vietnam DataCube được tiếp cận ảnh miễn phí, dữ liệu ảnh đầy đủ và có thể truy cập nhiều loại ảnh khác nhau, ở các thời điểm khác nhau. “Hiện chúng tôi đang triển khai dự án điều tra đánh giá giám sát rừng quốc gia từ năm 2016-2020, hằng nằm phải công bố dữ liệu về hiện trạng, sự thay đổi của rừng thế nào. Với việc tiếp cận nguồn ảnh như Vietnam DataCube thì chúng tôi sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” – ông Biên kỳ vọng.
Hiện Trung tâm vũ trụ Việt Nam đã có thỏa thuận hợp tác với Viện Điều tra, Quy hoạch rừng và trong tháng 4/2018 hai bên sẽ bàn kế hoạch triển khai trong năm 2018 đặc biệt thử nghiệm phần mềm, ứng dụng dữ liệu ảnh để phục vụ cho việc thí điểm khảo sát rừng ở Phú Thọ và mở rộng dần ra toàn quốc.
Nhiều triển vọng ứng dụng
TS Vũ Anh Tuấn – Viện Công nghệ vũ trụ cho biết Vietnam Data Cube được thiết kế nhằm phục vụ tốt hơn người dùng viễn thám ở Việt Nam, giảm thiểu thời gian và lượng kiến thức chuyên môn cần có để có thể tiếp cận và chuẩn bị dữ liệu vệ tinh. Điều đặc biệt dữ liệu và các thuật toán ứng dụng hoàn toàn mở, miễn phí trên cơ sở các giải pháp phần mềm mã nguồn mở với sự đóng góp phát triển của cộng đồng. Hệ thống có cấu trúc dữ liệu nhất quán cho phép chia sẻ code, công cụ và thuật toán; phân tích chuỗi thời gian hiệu quả để hỗ trợ các ứng dụng về thay đổi (lớp phủ mặt) đất. Hệ thống cũng cho phép sử dụng kết hợp nhiều bộ dữ liệu, các công cụ GIS phổ biến (như QGIS, ArcGIS) cùng với dịch vụ chăm sóc khách hàng bền vững và hỗ trợ người dùng nên sẽ rất thuận tiện.
Được biết từ tháng 7/2017 hệ thống được thiết lập phần cứng, sau đó việc cài đặt hệ thống Data Cube được thực hiện từ tháng 9/2017 đồng thời thu thập dữ liệu và nhập vào hệ thống và phát triển các ứng dụng.
Trên thực tế dữ liệu vệ tinh đang được đánh giá là có tiềm năng ứng dụng lớn tại Việt Nam cả trong nông nghiệp, tài nguyên môi trường, kiểm soát lũ, thủy lợi… TS Phạm Tuấn Phan – Giám đốc điều hành Ban thư ký Ủy hội sông Mekong cũng chia sẻ, ở Ủy hội sông Mekong có rất nhiều lĩnh vực có thể hợp tác phát triển ứng dụng từ hệ thống dữ liệu Vietnam DataCube. Cụ thể như trong việc giám sát giảm thiểu các tác động tiêu cực của lũ lụt; dự báo và giám sát lũ trên sông chính của lưu vực sông Mekong… “Chúng tôi sử dụng các công cụ kỹ thuật cao với dữ liệu Radar/vệ tinh để phục vụ cho không chỉ dự báo lũ lụt mà còn cho các ngành khác. Vì vậy chúng tôi hy vọng sự hỗ trợ của Trung tâm vũ trụ Việt Nam trong việc sử dụng các kiến thức kỹ thuật và nguồn lực cho khu vực và cho các công trình của Ủy hội sông Mekong tốt hơn trên tất cả các lĩnh vực” – ông Phan nhấn mạnh.
Theo Trung tâm vũ trụ Việt Nam hệ thống được thiết kế với phần mềm dành riêng cho phân tích dữ liệu có thể hỗ trợ cả hoạt động triển khai và các nhiệm vụ nghiên cứu. Hệ thống dữ liệu cũng có thể hỗ trợ hàng chục đến hàng trăm người dùng đồng thời với thời gian phân tích theo thứ tự của giây hoặc phút nên rất thuận tiện cho người sử dụng.
Tuy nhiên một thách thức mà Vietnam Data Cube hiện đang phải đối mặt đó là việc không có tài chính cho việc triển khai các ứng dụng cũng như thiếu chuyên gia vận hành hệ thống, chuyên gia lập trình Python. Đây cũng là khó khăn khi về lâu dài phát triển các ứng dụng vào thực tế cần được nghiên cứu, tính toán kỹ.