Đến nay, qua rà soát tại 21/30 quận, huyện, thị xã, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 187 điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường.
Tại cuộc giao ban báo chí hàng tuần do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 13-3, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, trong năm 2017, các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã kiểm tra, thanh tra tại 2.161 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 588 cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 16,5 tỷ đồng.
Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thanh tra, kiểm tra 468 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính đối với 21 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt là trên 2,5 tỷ đồng. CATP Hà Nội thanh tra, kiểm tra 176 vụ, lập hồ sơ đề nghị các cấp ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 176 vụ, với tổng số tiền phạt khoảng 6,8 tỷ đồng; UBND các quận, huyện, thị xã xử lý vi phạm hành chính 391 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 7,1 tỷ đồng.
Kết quả thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực môi trường trong thời gian vừa qua cũng cho thấy: số cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải vẫn còn thấp, công tác chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại một số cơ sở được kiểm tra còn chưa được thường xuyên và nghiêm túc.
Một số doanh nghiệp còn xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép, thực hiện không đúng các nội dung trong các hồ sơ pháp lý về môi trường…
Sở TN-MT cũng đã rà soát, kiểm tra và xác định các “điểm đen” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Đến nay, qua rà soát tại 21/30 quận, huyện, thị xã, đã ghi nhận 187 điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường.
Trong năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai rà soát, đánh giá cụ thể, chi tiết mức độ ô nhiễm môi trường tại các điểm đen, các khu vực bức xúc về môi trường trên địa bàn thành phố để xây dựng lộ trình, biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để tại các khu vực này.
Để kiểm soát ô nhiễm nước mặt, thành phố đã triển khai lắp đặt và đưa vào vận hành ổn định liên tục 6 trạm quan trắc nước mặt tự động tại hồ Tây và Hồ Hoàn Kiếm, sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Cầu Bây và suối Lai Sơn.
Cũng theo ông Lê Tuấn Định, năm 2018 này, thành phố sẽ triển khai nạo vét cải tạo hồ Tây nhằm giảm lượng bùn thải, tăng lượng oxi cho hệ sinh thái dưới nước.